Làng Địa Linh - Hương Vinh

Danh từ Địa Linh được dùng để đặt tên làng hàm ý gợi lên
cho người dân ở đây cái nhìn sâu xa về ý nghĩa của mảnh đất mà họ
đang sống. “Địa” có nghĩa là đất, “linh” nghĩa là linh thiêng, mảnh
đất thiêng mà trời đã tạo ra cho họ. Làng Địa Linh còn có tên gọi
khác là Trạc Linh.

Địa Linh hình thành vào khoảng thế kỷ XV. Trong Ô Châu
cận lục do Dương Văn An viết năm 1553, Địa Linh có tên trong 67
xã thuộc huyện Tư Vinh. Nằm về phía tây sát ranh giới Địa Linh,
một vùng đất khác cũng có tên trong huyện Tư Vinh là thôn La Khê,
đều nằm trong địa bàn phủ Triệu Phong. Có thể Địa Linh và La Khê
đều hình thành cùng thời với nhau, khoảng thế kỷ XV đã có.
Cư dân làng Địa Linh ngày nay sinh sống ở các xóm: Xóm 1
(Ngũ Tượng), Xóm 2 (Nam Hà), Xóm 3 (Đông Thành), dọc hai bên
tỉnh lộ 4, nơi ngày xưa là cửa ngõ thông thương giữa hai phố Thanh
Hà và Bao Vinh. Thời bấy giờ Địa Linh là một trong những trạm
truyền đệ công văn quan trọng (gọi là Trạm Phố chính). Dân Địa
Linh không sinh sống bằng nông nghiệp, mà khoảng 50% dân sống
chủ yếu bằng nghề buôn bán nhỏ, chừng 50% làm các ngành nghề
mộc mỹ nghệ và một bộ phận nhỏ làm các ngành nghề khác như nề,
may... Địa Linh hiện có các họ cư trú là Lê, Trương Văn, Nguyễn
Văn, Hoàng Ngọc, Trần Văn, Lý...
Trừ họ Nguyễn Văn, Ngài Thủy tổ Nguyễn Văn Trà quê quán
Thanh Hóa vào Quảng Trị sinh sống trước, rồi mới từ Quảng Trị vào
Địa Linh, hiện nay được 10 đời; các họ còn lại ở Địa Linh vốn từ các
vùng khác đến cư trú khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, như
họ Hoàng Ngọc người Quảng Trị, họ Trần Văn người Mỹ Chánh...
(trích Văn hóa - lịch sử Huế qua góc nhìn làng xã phụ cận và quan hệ với bên ngoài)

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét