Làng Bác Vọng - Quảng Phú


Sự hình thành làng Bác Vọng

Bác Vọng là một làng cổ ở Thuận Hóa, thời Trần thuộc huyện Trà Kệ, thời Lê Mạc thuộc huyện Đan Điền phủ Triệu Phong. Làng Bác Vọng phía bắc giáp làng Xuân Tùy, phía tây giáp Hạ Lang và Bao La, phía đông giáp Nam Phù, phía nam giáp sông Bồ. Thế kỷ 18 Bác Vọng phân thành đơn vị hành chính gọi là Bác Vọng Đông Tây xã. Qua thời Nguyễn làng tách thành Bác Vọng Đông giáp và Bác Vọng Tây giáp thuộc tổng Hạ Lang huyện Quảng Điền.
Xem video Việt Nam – Đất nước – Con người: Bác Vọng làng xưa
Ngày nay được chia thành hai thôn là Bác Vọng Đông và Bác Vọng Tây, thuộc xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Một nhóm dân Bác Vọng di cư về phá Tam Giang để lập làng mới là Hà Đồ, Hà Lạc nay thuộc xã Quảng Lợi. Làng Bác Vọng trải dài theo sông Bồ, dân xưa sống chủ yếu dựa vào " sông nước sinh nhai"..."đóng đăng bắt cá" ( dẫn từ Ô Châu Cận Lục của Dương Văn An). Bước đầu hình thành làng là các dòng họ khai canh như dòng họ Ngô, Đặng, Hoàng... Truyền thống của làng cứ sáu năm một làm một lễ tế lớn để nhắc nhở con cháu dân làng nhớ về tổ tiên khai canh của mình. Vào dịp này luôn có đại diện của hai làng Hà Đồ, Hà Lạc tham dự. Làng Bác Vọng hiện vẫn còn ba miếu thờ ba ngài khai canh. Ngoài ra làng Bác Vọng còn thờ cúng Bà Chúa Ngọc, Thần Nông, Thành Hoàng, Ông Mốc, Tiên Sư... và đặc biệt là miếu Bà Tơ.

Bác Vọng Dấu ấn huyền thoại



Miếu Bà Tơ tại làng Bác Vọng


Một trong những cư dân sông nước nổi tiếng là một người phụ nữ đã từng cứu sống chúa Nguyễn và tùy tùng. Truyền thuyết dân làng kể rằng trong lúc lâm nạn trên đường tẩu thoát chẳng may thuyền của chúa bị đứt quai chèo.Trong lúc thuyền đang loay hoay giữa dòng nước thì người phụ nữ này xuất hiện như vị cứu tinh từ trên trời xuống. Bà dùng dây tơ cột lại quai chèo để thuyền tiếp tục hành trình. Sau ngày để tưởng nhớ công ơn bà, chúa cho bà cai quản một đoạn sông Bồ kéo dài từ làng Bác Vọng đến tận phá Tam Giang ngày nay thuộc địa phận hai làng Hà Đồ, Hà Lạc bây giờ. Tương truyền theo giao ước bà cai quản khúc sông này bằng cách thả một bã mía xuôi theo dòng nước cho đến khi nó dừng lại đến đâu thì bà được quyền lợi giang phận đến đó (Theo tác giả Trần Đình Hằng thì ở xã Quảng Lợi hiện có một địa danh là Trộ Bãi Mía, nơi mà chúa dừng lại ăn mía và vứt lại bã mía ở đó) .

Bà Tơ vốn dòng họ Trần người làng Bác Vọng đã được triều đình nhà Nguyễn cấp hai thẻ quan bài bằng vàng, 5 thần sắc phong tặng và được đặc ân tiếp nhận ngư trường Tam Giang rộng lớn giàu có các sản phẩm từ phá Tam Giang. Sau khi bà mất dân làng lập miếu thờ ngay tại gần bến đò Bác Vọng. Trước đây cổng chào trước miếu có hai câu đối:

Mặt nước hưởng nhờ ơn vũ lộ

Dây tơ cứu khổ trận phong ba

Cổng chào này không còn nữa. Sau nhiều trận phong ba nó gãy đổ và rơi xuống sông. Thay vào đó người ta khắc vào bình phong hai câu khác:

Tam giang công đức hậu

Bồ thủy miếu đền thiêng

Liên quan đến Bà Tơ theo một số tài liệu thì vị chúa được bà Tơ cứu là Nguyễn Hoàng. Trong giai đoạn chuẩn bị mưu cầu nghiệp bá lâu dài của mình ông đã thần thánh hóa các nhân vật mang màu sắc thần thoại hợp với tâm thức người dân Thuận Hóa lúc bấy giờ. Đặc biệt là hình ảnh các người phụ nữ như "Bà Trời Áo Đỏ" ở Hà Khê với câu sấm truyền có vị chân chúa đến dựng nghiệp và sự ra đời của chùa Linh Mụ. Hoặc cô gái áo xanh như một hoá thân của Thánh Mẫu Thượng Ngàn. Bà đã báo mộng cho chúa Nguyễn Hoàng đánh thắng quân Mạc năm 1572. Sau này bà được sắc phong "Hựu tướng phu nhân", gia tặng "Trão Trão linh thụ phu nhân chi thần", xây dựng miếu thờ, định lệ cúng tế hàng năm, như một khai quốc công thần. Đó là nguyên tắc "thiêng hoá", và cũng khẳng định yếu tố bản sắc-bản địa hoá. Trong đó Bà Tơ là người phụ nữ đã có công phò chúa Nguyễn Hoàng trên phá Tam Giang. Tác giả Taylor cũng nhận thấy: "Các giai thoại ghi lại sự gặp gỡ giữa Nguyễn Hoàng với thần linh địa phương và thiết lập nơi thờ cúng gợi cho thấy việc áp dụng một phương thức đặc biệt Việt Nam trong sự thiết lập một địa điểm mới của quyền lực hợp pháp, lần đầu tiên tại vùng đất mới phương Nam" (theo Trần Đình Hằng).

Một lễ hội quan trọng liên quan đến miếu Bà Tơ là lễ hội cầu ngư (gồm lễ đua trải và lễ cầu ngư). Lễ đua trải tổ chức vào ngày kỵ bà Tơ (ngày 18 tháng 5) nhằm tôn vinh công đức của bà. Lễ này tổ chức ba năm một lần. Người ta tổ chức rất hoành tráng và rất đông người tham dự, trong đó có cả chức sắc chính quyền, đoàn nhạc công, thân hào, bô lão.... Có 7 thuyền tham dự gồm 20 tay chèo mỗi thuyền. Phần thưởng và các vật phẩm cúng bà chủ yếu là từ nguồn thu từ việc đánh bắt trên phá Tam Giang. Lễ đua trải tồn tại đến khoảng thập niên 1970 thì không còn nũa.

Ngoài lễ đua trải tổ chức tại làng Bác Vọng, thì lễ cầu ngư được ngư dân Bác Vọng định cư ở Hà Đồ, Hà Lạc tổ chức hằng năm vào tháng tư bên phá Tam Giang. Nơi đó cũng có miếu Bà Tơ. Bàn thờ cúng bà ngoài hoa quả còn có một lợn quay và một mâm xôi. Nghi thức cúng trang trọng. Ông Hội chủ làm lễ trên một chiếc thuyền cùng các thuyền khác chạy ra giữa phá. Trong khi ông Hội chủ làm lễ, các thuyền nhỏ chạy vòng quay để mời Bà về dự. Trong thời gian nghi lễ có nhảy múa và kết thúc bằng việc đốt đồ giấy. Cùng lúc đó người ta đẩy ra giữa dòng nước một chiếc thuyền bằng giấy đan tre trên đó có xôi thịt để cúng Bà. Lễ này hiện giờ vẫn được bảo tồn và phát triển.

Nguyễn Phúc Chu thời kỳ lập phủ Bác Vọng


Chúa Nguyễn Phúc Chu, văn võ song toàn, là con cả của chúa Nguyễn Phúc Thái, sinh nǎm Ất Mão (1675). Khi nối ngôi Chúa mới 17 tuổi. Sau khi kế nghiệp, ông quyết định dời phủ về Bác Vọng, bèn sai ký lục Lê Quang Hiến vẽ bản đồ để xây dựng phủ mới, đến năm 1712 chính thức dời về đây. Phủ Bác Vọng (tồn tại đến ngày đầu tháng 3 năm 1739 rồi dời về Phú Xuân). Có giả thiết cho rằng trong thời gian đóng đô ở Bác Vọng cũng là thời gian vừa xây dựng lại thủ phủ Phú Xuân.

Theo GS. Trần Quốc Vượng, dân tộc ta có một truyền thống tư duy sông nước trong việc định đô, lập phố. Chính vì vậy khi lập phủ chúa Nguyễn Phúc Chu đã lấy sông Bồ làm mặt tiền (chúa Nguyễn Phúc Nguyên cũng dựng phủ Phước Yên trước dòng sông Bồ).

Ngày nay công trình kiến trúc phủ Bác Vọng đã hầu như bị biến mất chỉ còn lại các địa danh song cũng có thể hình dung về phủ Bác Vọng bấy giờ là một quần thể dinh phủ gồm Thượng Phủ ở trung tâm cùng với hệ thống doanh trại, kho chứa, trại ngụa, voi, các điểm bố phòng, các xưởng, cục....tất cả đều toạ lạc ở làng Bác Vọng, hướng chính của phủ là Đông Nam.Từ sông Bồ vào phủ có một hệ thống kênh mương dễ dàng cho việc giao thương bằng đường thủy. Di tích phủ chúa ngày nay nằm ở khu vực chung quanh chùa Bác Vọng và hệ thống kênh mương nằm trong khu vực trường THCS Quảng Phú ngày nay. (Công trình “Thám sát, khảo cổ học các phủ Đàng Trong tại Thừa Thiên Huế” vừa được thực hiện tại ba địa điểm: Thủ phủ Phước Yên (1626-1636), thủ phủ Kim Long (1636-1687), thủ phủ Bác Vọng (1712-1738). Đặc biệt tại hố đào số 2 của công trình thủ phủ Bác Vọng dài 10m, sâu 1m đã phát hiện 3 ô cách đều nhau được xây bằng gạch nung, theo đánh giá ban đầu, đây có thể là chân đá của một công trình kiến trúc phủ chính. Tuy nhiên, phần lớn các hiện vật khi phát hiện đều không còn nguyên vẹn (NetCodo).

Chúa Nguyễn Phúc Chu có công lao mở mang bờ cõi. Trong thời gian ông tại vị là thời kỳ mà chiến tranh Trịnh - Nguyễn đã tạm ngừng hơn 30 nǎm, đất nước bình yên, nên ông có điều kiện mở mang đất đai về phía Nam và đạt được những thành tựu đáng kể: đặt phủ Bình Thuận nǎm Đinh Sửu - 1697 gồm đất Phan Rang, Phan Rí, chia làm hai huyện An Phúc và Hoà Đa; bắt đầu đặt phủ Gia Định, chia đất Đông Phố lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phúc Long; dựng dinh Trấn Biên (tức Biên Hoà) lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình; dựng dinh Phiên Trấn; lập xã Thanh Hà, Minh Hương để dễ quản lý người Hoa. Dân chúng thời đó đi lại buôn bán rất sầm uất. Hiện bây giờ tại Hội An còn lưu giữ biển vàng "Lai Viễn Kiều" do chúa ban tặng và đặt tên cho chiếc cầu do người Nhật xây dựng (dân địa phương gọi cầu này là cầu khỉ).

Chúa Nguyễn Phúc Chu mộ đạo Phật. Từ nǎm 1710 chúa sai đúc chuông lớn nặng tới 3.285 cân, đặt ở chùa Thiên Mụ, đến năm 1714 tiếp tục đại trùng tu lại ngôi chùa này. Ông còn chỉnh sửa chùa Thúy Vân, chùa Thiền Lâm... Trước đó ông mời đại sư Thích Đại Sán từ Quảng Đông sang mở Đại giới đàn. Những việc ấy đã góp phần vào công cuộc phục hưng Phật giáo Đàng Trong. Ở Bác Vọng hiện có một ngôi chùa cổ được xây vào thời chúa Nguyễn. Dân gian quen gọi là chùa Bác Vọng, nhưng thực tế tên chùa là Thiện Khánh. Chuông chùa ghi rõ "Thiện Khánh tự chung". Không biết chính xác xây dựng năm nào, có thể xây dựng vào thời chúa Nguyễn Phúc Chu vì ông vốn mộ đạo. Chùa Bác Vọng sau đó được trùng tu thời vua Tự Đức. Chùa thờ Phật và Quan Công. Đợt trùng tu sau này vào năm 1963. Chùa còn có các tượng Phật bằng gỗ mít và chuông đồng do quan thượng thư Đặng Văn Hòa (1791-1856) chú tạo và cúng dường thời Tự Đức.

Cùng với việc xác lập vương quyền, chủ quyền, chúa Nguyễn Phúc Chu đã từng bước chính thống hoá trên nhiều lĩnh vực, nhất là kiến trúc. Ông đã ban hành sắc lệnh "xây dựng cung thất điện vũ, hết thảy đều theo quy chế cũ của Thái Tông không được làm to lớn lộng lẫy". Cùng với việc xác định chủ quyền là thực hiện chính sách phát triển thương nghiệp để phát triển kinh tế, củng cố sức mạnh quân sự. Bên cạnh sử dụng đồng tiền cũ của nhà Lê, chúa còn cho đúc tiền riêng để tiện việc giao thương, buôn bán. Buổi đầu đúc đồng tiền nhỏ bằng đồng, khắc chữ "Thái Bình" trên mặt. Sau này kỹ thuật đúc tiền kẽm được sản xuất, sử dụng và lưu thông ngày một rộng khắp (Quốc Sử Quán triều Nguyễn).

Nghĩa sĩ Đặng Hữu Phổ và đôi nét về dòng họ Đặng




Miếu Ông Đặng Hữu Phổ

Cách miếu bà Tơ khoảng một trăm mét là miếu thờ anh hùng nghĩa sĩ Cần Vương Đặng Hữu Phổ. Ông là con trai trưởng trong 4 người con của hai vợ chồng Phò mã Đặng Huy Cát và Công chúa Tĩnh Hoà. Ông sinh ngày 29 tháng 9 năm Giáp Dần, Tự Đức thứ 7 (tức ngày 19/01/1854) tại làng Bác Vọng. Năm 24 tuổi ông thi đỗ cử nhân khoa Mậu Dần (1878) được bổ chức Thị Độc học sĩ Viện Hàn Lâm. Vợ ông là bà Tôn Nữ Thị Hiệp.. Dòng họ Đặng về định cư tại Bác Vọng từ thời ông Đặng Quang Tuấn. Ông Tuấn có ba người con trai là các ông Đặng Văn Trọng, Đặng Văn Hòa và Đặng Văn Chức. Đặng Hữu Phổ là cháu nội của Đặng Văn Hòa. Năm 1775 quân Trịnh chiếm Phú Xuân, gia đình Đặng Quang Tuấn sang định cư ở Thanh Lương nhưng một số người trong dòng họ Đặng vẫn ở lại Bác Vọng. (Theo tác giả Ngô Minh Thuấn thì gia đình ông Đặng Quang Tuấn dời từ Phú Xuân về Thanh Lương vào năm 1777 rồi sau đó nhập tịch ở Bác Vọng). Hiện ở Bác Vọng còn gia đình ông Đặng Mậu Hóa (cháu đời thứ 6 của Đặng Văn Chức) đang sinh sống. Còn mảnh đất gia đình cha con ông Đặng Huy Cát và Đặng Hữu Phổ ngày xưa ở làng giờ là đất của ông Ngô Tư mua lại. Sau đời ông Đặng Quang Tuấn con cháu phân ra 3 chi có ba nhà thờ ở ba nơi. Chi ông Đặng Văn Chức đang ở Bác Vọng. Chi Đặng Văn Trọng ở Thanh Lương (Đặng Huy Trứ thuộc chi này) và chi Đặng Văn Hòa ở Hải Lăng. (Những chi tiết này chúng tôi được ông Đặng Mậu Hóa cung cấp). Dòng họ Đặng thứ tự các đời theo một bài hệ thi mà ông Đặng Quang Tuấn là sơ tổ: Quang Văn Huy Hữu Khánh/ Hưng Mậu Như Thanh Xuân (Ánh văn tỏa niềm vui/ tươi tốt như xuân xanh).

Tình hình nước ta vào cuối đời Tự Đức trải qua nhiều biến động dữ dội. Lúc này thực dân Pháp đang gây áp lực với triều đình Huế. Phong trào chống Pháp đang ngùn ngút dân cao trong lòng những người yêu nước. Cuộc chiến đánh Pháp do Phụ chánh đại thần Tôn Thất Thuyết chủ xướng bắt đầu vào đêm 23 tháng 5 Ất Dậu (1885) đánh vào đồn Mang Cá và tòa Khâm Sứ. Một cánh quân khác, đội quân Đoàn Kiệt, ở Quảng Điền do hai cha con Đặng Huy Cát, Đặng Hữu Phổ chiêu mộ và chỉ huy đánh vào huyện nha Quảng Điền. Trận đánh thất bại cả hai cha con ông bị bắt giải về kinh. Ông bất khuất, sẵn sàng nhận hết mọi trách nhiệm. Triều đình Đồng Khánh và thực dân Pháp tìm cách mua chuộc tra khảo ông nhưng thất bại. Cuối cùng ông Nguyễn Văn Tường đem hai ông Đặng Huy Cát và Đặng Hữu Phổ ra xử ở Thương Bạc rồi cho người đến đốt nhà của cha con ông. Kho sách "Đặng gia tàng thư" của ông nội Đặng Hữu Phổ bị cháy rụi. Ông Đặng Huy Cát chịu án trảm giam hậu, ông Đặng Hữu Phổ bị án xử tử. Ngày 20/7 năm Ất Dậu (19/8/1885), người con yêu nước thọ hình tại bến đò Quai Vạc (còn gọi là đò ba bến) ngay trên quê hương ông. Năm ấy ông vừa tròn 31 tuổi. Ông để lại cho đời bài thơ lúc ra pháp trường:

“Tuyệt đại tài hoa tín thử thân.

Nhất sinh trung hiếu khuất nhi thân.

Nhi kim chính khí hoàn thiên địa,

Tinh phách thường tùy quân dữ thân”.

Chúng tôi tiếp cận một số bản dịch bài thơ này. Và ghi ra đây để độc giả bình xét mong chọn ra một bản dịch hay nhất chính xác nhất. Bản dịch thứ nhất do Khương Hữu Dụng dịch: "Tài hoa rất mực tự tin/ Trọn đời trung hiếu kinh quyền dám sai/ Trả chính khí lại đất trời/ Mà tinh phách vẫn theo hoài vua, cha". Bản dịch thứ hai của Việt Thao: "Vượt hẳn tài hoa rất tự tin/ Một đời trung hiếu dám nào khinh/ Mà nay chính khí trao trời đất/ Hồn vẫn vua, cha quấn quýt tình". Bản dịch thứ ba (chưa rõ dịch giả): "Thân nguyện an dân đuổi nghịch tà/ Kinh quyền trung hiếu một đời ta/ Nay mang chính khí về trời đất/ Tinh phách thường theo vua với cha".

Nói về cái chết của ông Đặng Hữu Phổ, có liên quan đến cái chết hai người khác. Đó là hai người lính theo hầu khi nhìn cái chết bi tráng của ông đã hộc máu chết theo. Ngay tại nơi ông bị hành hình dân làng lập miếu thờ . Hiện trong miếu có 3 bát nhang. Bát giữa lớn nhất là thờ cúng ông Đặng Hữu Phổ. Hai bát nhỏ hơn thờ hai người lính đã chết theo ông. Sau khi bị hành hình, thi thể ông được dân làng an táng ở tại Cồn Căng (cạnh mộ mẹ ông) không xa nơi ông bị hành hình. Sau đó dân lập miếu thờ ngay tại nơi ông mất gọi là "Thị độc miếu" cách hai mộ trên khoảng vài trăm mét. Hai ngôi mộ này mặt quay về hướng Tây Nam. Mộ ông hình tròn, cao khoảng 0,5m có vòng thành nhỏ bao bọc. Hiện dân làng chăm sóc chu đáo. Đến ngày kỵ ông dân xóm Đò ở đây lo cúng tế. Miếu thờ Đặng Hữu Phổ được công nhận di tích số 52/2001 QĐ-BVHTT ngày 28 tháng 12 năm 2001.

Chúng tôi đứng trước miếu thờ Đặng Hữu Phổ, lòng chợt xúc cảm trước gương trung nghĩa của ông. Chia tay ông ngoài kia sông Bồ dậy sóng. Dòng máu ông thấm đẫm đất Bác Vọng. Một lần nữa tạ ơn ông đã là tấm gương sáng cho hậu thế noi theo. Mai sau này có ngôi trường trung học ở địa phương được mang tên ông ắt hẳn là xứng đáng để giáo dục con em về lòng yêu nước và để tỏ lòng thành kính trước người con quê hương đã xả thân vì nước.

Chúng tôi nhìn dòng sông Bồ lần cuối trước lúc rời khỏi mảnh đất Bác Vọng.. Từ ngày có chiếc cầu Tứ Phú, hình ảnh những chiếc đò ngang chở khách qua về sông Bồ không còn nữa. Tiếc thay con đò bến nước...

Bác Vọng 11/2008



trích Ngô Thiên Thu

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét