Hiển thị các bài đăng có nhãn Tứ Hạ. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tứ Hạ. Hiển thị tất cả bài đăng

Sắc xuân xưa trong tranh Nguyễn Hùng

Căn nhà của thầy giáo- họa sĩ Nguyễn Hùng nằm trong con hẻm nhìn ra hồ Tịnh Tâm đã trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều thế hệ học sinh ở thành phố Huế yêu thích và có năng khiếu về hội họa và kiến trúc. Hơn 10 năm qua, người họa sĩ có giọng nói nhỏ nhẹ và tính khí khiêm nhường này vẫn lặng lẽ làm công việc dạy học và luyện thi cho các học sinh vào các trường Kiến trúc, Mỹ thuật và miệt mài sáng tác tranh.

Tốt nghiệp trung cấp Mỹ thuật Huế năm 1985, chàng sinh viên có quê quán ở làng Kim Đôi- xã Quảng Thành- huyện Quảng Điền Nguyễn Hùng đã chọn cho mình nghề dạy vẽ cho học sinh phổ thông ở các trường cấp 1-2 Tứ Hạ- thị xã Hương Trà đến THCS Chu Văn An- TP Huế. Vừa dạy học, thầy giáo Nguyễn Hùng vừa sáng tác tranh, vừa trau dồi kiến thức hội họa của mình; năm 1998 ông tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Huế.


Thầy giáo - họa sĩ Nguyễn Hùng

“ Dạy học là nghề còn hội họa là nghiệp...”, thầy giáo- họa sĩ Nguyễn Hùng đã nhiều lần tâm sự với bạn bè và học trò của mình như thế. Cái nghiệp hội họa đòi hỏi sự đam mê và tận tụy đã ăn sâu vào trong máu thịt của Nguyễn Hùng. Cứ có thời gian là ông vẽ, tìm được cảm hứng là ông cầm cọ và những bức tranh đã ra đời một cách lặng lẽ như chính tính cách của ông... Mười lăm năm kể từ khi xuất hiện lần đầu tiên tại cuộc triển lãm chung với nhóm bạn bè họa sĩ ở Huế, họa sĩ Nguyễn Hùng đã khẳng định được vị trí riêng của mình trong giới mỹ thuật ở Huế. Tranh của Nguyễn Hùng là motip lấy cảm xúc từ những con bài Tới mà người dân TT Huế và một số địa phương miền Trung thường dùng để giải trí trong những dịp lễ hội nhất là tromng ba ngày Tết.

Họa sĩ Nguyễn Hùng tâm sự: “ Những con bài Tới và cả những bức tranh dân gian làng Sình sống động nhiều màu sắc trong ba ngày Tết cổ truyền đã đi vào ký ức tuổi thơ của tôi từ khi tóc còn để chỏm ở làng Kim Đôi bên dòng sông Thanh Hà. Từ đó khi cầm cọ tôi đã luôn nghĩ đến những hình tượng màu sắc dân gian đặc trưng này...”. Những con bài Tới với những cái tên gần gũi với đời sống thôn dã như Thầy, Trò, Gióng, Gà, Đượng, Ầm... đã được nét cọ của Nguyễn Hùng biểu trưng hóa trong những không gian khác nhau nhưng tựu chung đó là những hình tượng của cuộc sống với bao vui buồn nhân thế và cả sự chan chứa với cuộc sống mà ông luôn mến yêu...

Họa sĩ Đăng Mậu Tựu – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TTHuế đã nhận xét về tranh của Nguyễn Hùng: “ Tranh của họa sĩ Nguyễn Hùng luôn chứa đựng ý tứ sâu xa là mọi sự vật đều trở nên vui vẻ, trẩy hội ngoài cái lễ ra chỉ còn có việc là đi chơi, xem cảnh vật làm đầy cái sự mong muốn yên vui của cuộc đời...”


Trẩy hội

Không gian chủ thể của tranh Nguyễn Hùng là những khối mảng như những tinh thể, những giới hạn từ những sắc độ đã khuôn lại những hình ảnh mà ông muốn giải bày. Tranh của ông dù ở chất liệu tổng hợp, sơn dầu hay Acrylic... thì 3 hình tượng văn hóa dân gian luôn ẩn hiện đó là những quân bài Tới, tranh làng Sình và những chiếc Bình vôi. Những bức tranh như: Trẩy hội, Du xuân, Xiếc mèo, Dưới trăng, Đôi bạn, Thầy trò, Tĩnh vật hay Nhịp điệu sự sống, Chiều quê, Trăng vỡ... với những gam màu trầm ấm đã chứa đựng triết lý gần gũi rằng cuộc sống luôn tươi đẹp, luôn đáng yêu, từ đó những hình tượng văn hóa dân gian đã trở nên thật sống động, thật tươi mới.

Sau những giờ lên lớp, sau những “cua” luyện thi cho học trò, trên căn gác nhỏ bên hồ Tịnh Tâm, thầy giáo họa sĩ Nguyễn Hùng lại say sưa với những gam màu và những nét cọ. Những lúc thả hồn vào tranh người thầy giáo họa sĩ này đã trút hết sự âu lo khó nhọc đời thường để tìm thấy niềm an lạc từ những sắc màu tươi rói và những hình tượng văn hóa dân gian trìu mến của xứ sở này...

(nét cố đô  - Theo Phi Tân (TRT)