Sách Đại Nam nhất thống chí thời Duy Tân (1910) chép về huyện Quảng Điền rằng: “Nguyên xưa là đất quận Nhật Nam của nhà Hán. Chiêm Thành lấy làm Lý Châu; An Nam triều nhà Trần làm huyện Trà Kệ (hay Trà Kiệt), thuộc về Hóa Châu. Đời thuộc Minh cũng nhân theo, đời Lê cải làm huyện Đơn Điền (Đan Điền) thuộc phủ Triệu Phong. Lúc đầu bản triều cải làm huyện Quảng Điền, năm Minh Mạng thứ 3 (1822) cải thuộc phủ Thừa Thiên, năm 16 (1835) trích ra 2 tổng thuộc huyện Phong Điền, còn lãnh 5 tổng, 58 xã, thôn, phường, ấp, giáp” (1). Vậy thực hư thế nào? Dưới đây xin được cơ bản làm rõ tiến trình thành lập huyện Quảng Điền, một trong 9 huyện thị, thành phố của tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nay.
1. Giai đoạn trước năm 1570: từ Trà Kệ đến Đan Điền - Quảng Điền
Xét thư tịch cổ thì vào thời Hùng Vương đất Quảng Điền thuộc vào bộ Việt Thường (Việt Thường thị). Nhà Tần xâm chiếm (246 - 201 TCN) đặt làm Tượng quận, đến nhà Hán (Hán Vũ đế 132 TCN - 25 SCN) lại chia nước ta làm 3 quận là Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam gồm hơn 20 huyện; đất Quảng Điền của Thừa Thiên thời bấy giờ thuộc huyện Lô Dung, quận Nhật Nam.Cuối đời nhà Hán, năm 190, người địa phương (Chăm) là Khu Liên nổi lên chiếm cứ Tượng Lâm lập nên nước Lâm Ấp. Đến năm 347, Quốc vương Lâm Ấp là Phạm Văn đánh Nhật Nam, bắt giết thái thú Hạ Hầu Lãm, đuổi hết quan lại Trung quốc, lấy Hoành Sơn làm cương giới, đắp thành Khu Túc để phòng ngự, vùng này (từ đèo Ngang đến hết đèo Hải Vân) chia làm 5 châu là Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính, Ô (Vuyar), Rý/Lý (Ulik) bấy giờ Quảng Điền thuộc vùng đất Ulik của Lâm Ấp. Đến thời Đường (Đường Túc tôn) nước Lâm Ấp đổi làm nước Chiêm Thành, đô thành là Sinhapura (Trà Kiệu)
Nước ta, trải qua mấy trăm năm chịu ách thống trị của các triều đại phong kiến phương bắc: Hán, Ngô, Tống, Lương; nhân dân đã đứng lên theo Bà Trưng, Bà Triệu khởi nghĩa giành độc lập. Năm 544 Lý Bôn khởi nghĩa thắng lợi thành lập nước Vạn Xuân, nhưng thế lực chưa vững nên lại bị các triều đại phong kiến Tùy, Đường, Hậu Tần ở phương bắc xâm lược.
Mãi đến năm 980, Lê Hoàn lập nên nhà Tiền Lê đóng đô ở Hoa Lư, đất nước mới bắt đầu thời kỳ độc lập tự chủ, song địa giới vẫn chỉ đến đèo Ngang. Như vậy, bấy giờ Quảng Điền vẫn đang thuộc đất vương quốc Champa.
Mùa xuân năm Kỷ Dậu, niên hiệu Thiên huống Bảo tượng 2 (1069), vua Lý Thánh Tông thân chinh đánh Chiêm Thành, bắt được quốc vương Chế Củ đem về Đại Việt, Chế Củ bèn xin dâng đất 3 châu Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính (địa danh đã được phiên âm Hán Việt) chuộc tội để được tha về. Đến năm Ất Mão, niên hiệu Thái Ninh 4 (1075) vua Lý Nhân Tông sai Lý Thường Kiệt đi tuần biên thùy, vẽ địa đồ hình thế núi sông, đổi tên châu Địa Lý làm Lâm Bình, Ma Linh thành Minh Linh, rồi chiêu mộ dân đinh đến ở. Từ đó, người Việt vùng châu thổ sông Hồng cùng các châu Hoan, Ái (Thanh, Nghệ Tĩnh) lần lượt Nam tiến. Chắc rằng cũng có không ít người dân vượt giới đi sâu vào phía trong, trên đất Thừa Thiên ngày nay, tất nhiên không loại trừ vùng đất Quảng Điền màu mỡ, nhiều thóc gạo, lắm cá tôm, bởi “đất lành chim đậu”. Mặc dù sau đó Chế Ma Na đưa quân chiếm lại 3 châu ấy vào năm Long Phù 3 (1103) và xảy ra sự kiện Chiêm Thành cùng hội quân với Chân Lạp vào đánh Nghệ An (năm Thiên Thuận 5 - 1132), nhưng quân dân Đại Việt đã quản lý, khai thác vùng đất phía nam đèo Ngang, biên thùy tiếp giáp với 2 châu Ulik của vương quốc Champa là vùng đồng bằng của 2 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị ngày nay, tất nhiên việc qua lại làm ăn cũng rất dễ dàng, không cách trở núi đèo như trước nữa.
Sau khi nhường ngôi cho hoàng thái tử Thuyên (vua Trần Anh Tông sau này) vào mùa xuân năm Quý Tỵ (1293), Thượng hoàng Trần Nhân Tông xuất gia, ở núi Yên Tử. Tháng 3/Tân Sửu, Hưng Long thứ 9 (1301), nhân đoàn sứ giả của vương quốc Champa sang giao hảo với Đại Việt trở về nước, thượng hoàng bèn du hành phương Nam.
Tại kinh đô vương quốc (Mạnđàla) Champa, quốc vương Java Sinhavarman III (Chế Mân) đã đàm đạo hòa hiếu với thượng hoàng và được thượng hoàng hứa gả con gái về làm hậu phi. Tháng 9 năm ấy, thượng hoàng Trần Nhân Tông trở về núi Yên Tử.
Sang năm Bính Ngọ, Hưng Long thứ 14 (1306), quốc vương Java Sinhavarman III sai sứ sang dâng biểu cầu hôn, vua Trần Anh Tông thuận gả em gái là công chúa Huyền Trân. Tháng 6 năm ấy hôn lễ được cử hành, quốc vương Chế Mân cắt đất hai châu Ô, Lý (Ulik) làm sính lễ. Năm sau, vua sai Ngự sử trung tán Đoàn Nhữ Hài vào làm Hành khiển tuyên bố đức ý, đổi tên làm châu Thuận, châu Hóa, lấy người địa phương cho làm quan, cấp ruộng đất và giảm tô thuế 3 năm.
Bấy giờ có lẽ lỵ sở châu Hóa đóng tại thành cũ Hóa Châu của người Chiêm với tư cách là một thành quân sự thực hiện nhiệm vụ quản lý đất mới theo chế độ quân quản, còn hệ thống hành chính bên dưới vẫn giữ nguyên và quan lại cũng “lấy người địa phương cho làm quan”. Chắc rằng, trong số người địa phương ấy cũng không ít lưu dân người Việt, hoặc đã có mặt làm ăn trước đó, hoặc là quan quân nhà Trần vào tiếp quản vùng đất mới (2). Tuy vậy, hệ thống quận huyện xã thôn thống thuộc bên dưới vẫn chưa được ổn định củng cố vững chắc. Mặc dù vào năm 1242, vua Trần Thái Tông đã có cuộc cải tổ trực tiếp bổ nhiệm quan chức đến cấp xã theo hướng “đặt chức Đại, Tiểu tư xã, từ ngũ phẩm trở lên là Đại tư xã, từ lục phẩm trở xuống là Tiểu tư xã, hoặc có người kiêm 2, 3, 4 xã cùng xã chính, xã sử, xã giám gọi là xã quan” (3). Không rõ nhà Trần chia đặt phủ huyện thế nào, song vào đời Hồ Hán Thương, niên hiệu Khai Đại 2 (1404), “đặt 1 phủ có 2 châu,... Hóa Châu có 7 huyện: Lợi Bồng, Sĩ Vinh, Sạ Lịnh, Trà Kệ, Tư Dung, Bồ Đài, Bồ Lãng”, đến năm Vĩnh Lạc 17 thuộc Minh (1419), quân đô hộ sắp xếp, sáp nhập các huyện lại ở Hóa Châu chỉ còn 3 huyện là Trà Kệ, Kim Trà và Sĩ Vinh; Trà Kệ chính là Đan Điền - Quảng Điền sau này.
Sau kháng chiến chống Minh thắng lợi, nhà Lê sắp xếp tổ chức bộ máy ở Thuận Hóa, đổi châu làm lộ Thuận Hóa trực thuộc đạo Hải Tây, đặt chức Lộ tổng quản tri phủ để điều hành công việc. Năm Quang Thuận 10 (1469), đặt Thuận Hóa thừa tuyên, đặt tam ty (Đô ty, Thừa ty, Hiến ty). Thừa tuyên Thuận Hóa có 2 phủ là Tân Bình và Triệu Phong. Phủ Triệu Phong có 6 huyện là Kim Trà, Đan Điền, Hải Lăng, Võ Xương, Tư Vinh, Điện Bàn và 2 châu là Sa Bồn và Thuận Bình. Như vậy, đến thời điểm này, đơn vị hành chính huyện Đan Điền đã chính thức được thành lập năm Quang Thuận 10 (thời vua Lê Thánh Tông). Đến năm 1480, vua Lê Thánh Tông chia cả nước làm 13 xứ thừa tuyên, bắt đầu đặt đơn vị tổng, dưới huyện thống thuộc xã; thời gian này cuộc binh đao đã tạm yên, dân cư sinh tụ ngày càng đông, nhà vua lại ban sắc lệnh: “Phàm xã nào tính đủ 500 hộ rồi, mà ngoài ra còn thừa đến 100 hộ trở lên, thì do viên quan sở tại trích từng xã một tâu bày, để chia tách ra làm xã khác, cho bản đồ được rộng thêm” (4). Vì vậy, trên cơ sở một số xã được thành lập trước đó, huyện Đan Điền đã phát triển lên đến 65 xã, chia làm 8 tổng.
Nhà Mạc tiếm ngôi vua Lê năm 1527, Mạc Đăng Dung sai em là Tín Vương Mạc Quyết vào trấn thủ Thuận Hóa. Bấy giờ toàn huyện Đan Điền có 52 xã (5). Nhà Mạc tiến hành phân bổ các sắc thuế cho huyện Đan Điền gồm 18 loại, đồng thời sắp đặt bố trí hệ thống hành chính có quy củ hơn, cụ thể là:
- Cấp phủ có: Tri phủ, Đồng tri phủ, Nho học, Huấn đạo (2 viên), Huấn khoa (tạp lưu) Khuyến nông sứ, Hà đê sứ.
- Cấp huyện có: Đan Điền (2 viên).
- Đặt 8 trạm dịch thừa, trong đó có trạm Trà Kệ.
- Phát triển các chợ lớn nhằm đẩy mạnh thương mại, trong đó có chợ Đan Lương và cầu Đan Điền nổi tiếng (nay là làng Phú Lương, xã Quảng Thành).
Năm Quý Tỵ (1533), Lê Duy Ninh được Nguyễn Cam đưa lên ngôi trên đất Sầm Hạ nước Ai Lao, tức Lê Trang Tông, niên hiệu Nguyên Hòa, mở đầu thời Lê trung hưng. Năm Mậu Ngọ, niên hiệu Chính Trị 1 (1558), Đoan quận công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, đóng dinh ở Ái Tử, Quảng Trị; đến năm Canh Ngọ (1570), được giao kiêm lãnh trấn thủ Quảng Nam, nhân dịp này chúa Tiên sắp xếp lại hệ thống các phủ huyện ở Thuận Hóa, Quảng Nam, đổi tên Đan Điền thành Quảng Điền.
2. Giai đoạn từ 1570 đến 1835
Từ khi Đoan quận công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa năm 1558, xứ Đàng Trong ngày một phồn vinh, dân cư sinh tụ đông đúc, do đó nhiều làng xã được thành lập, bấy giờ hệ thống hành chính ngày càng được củng cố. Phủ Triệu Phong có 5 huyện, gồm 398 xã, 23 thôn, 122 phường. Riêng huyện Quảng Điền có 8 tổng gồm 74 xã, 7 thôn, 7 phường (6).
Tình hình chia đặt các huyện thống thuộc trên đây ổn định lâu dài suốt thời kỳ các chúa Nguyễn, chỉ có biến động về việc thay đổi tên gọi hoặc thêm bớt, chia tách, thành lập mới một số tổng, xã thống thuộc(7).
Đến thời Gia Long (1802 - 1820), huyện Quảng Điền gồm có 9 tổng (tăng 1 đơn vị tổng do tách chia ấp An Lộc và lập xã mới Khuông Phò (tên cũ là Phò Lê) để thành lập tông Khuông Phò), huyện lỵ đóng tại xã Phú Ốc (8).
Vua Minh Mạng tiến hành các bước cải cách hành chính, chia đặt sắp xếp lại các tỉnh trong cả nước. Năm Minh Mạng thứ 16 (1835), chuẩn định lời tâu năm trước (1834) của các quan phủ doãn Thừa Thiên (Lê Văn Quý, Vương Hữu Quang) xin chia đặt tỉnh Thừa Thiên làm 6 huyện “tùy theo hình thế sông núi và địa thế gần liền huyện nào thì phân phối lệ vào huyện ấy”. Riêng huyện Quảng Điền được phân định địa giới như sau: “Từ giang phận Phú Lễ về bờ phía bắc sông Phú Ốc (sông Bồ), thuận dòng đến kênh Kim Đôi, ngang qua Thành Công, Yên Lộc, ấp Đông, ấp Tây Cương Gián và phá Tam Giang trở sang phía bắc liền với giáp Tây xã Thế Chí, lại ngang qua Phú Lễ giáp Đường Long, chuyển về phía nam, đến các xã Lai Xá và Cổ Tháp, nguyên trước là huyện Quảng Điền nay đổi làm huyện Phong Điền chia làm 5 tổng” (nhà vua cho giữ nguyên tên gọi Quảng Điền, không đổi tên mới như bản tấu) (9).
Lần này Quảng Điền thu hẹp địa giới vì đã cắt các xã Hương Cần, Vĩnh Trị (tổng An Thành), xã Phú Ốc (tổng Phú Ốc), xã Vu Lai Thượng (tổng Phù Ninh) vào huyện Hương Trà; cắt các xã Hoa Lang, Cao Xá Hạ, Cao Xá Thượng, Đông Lâm Thượng (tổng Hoa Lang), các xã An Lỗ, Cổ Lão, Phù Ninh, (tổng Phù Ninh) để thành lập huyện mới Phong Điền. Toàn huyện chỉ còn lại 5 tổng là An Thành, Đông Lâm, Khuông Phò, Phù Lê, Phước Yên; tổng cộng có 58 xã, thôn, phường, giáp, ấp. Huyện lỵ đóng tại xã Bác Vọng.
3. Giai đoạn từ năm 1835 đến năm 1945
Sau khi sắp xếp lại hệ thống hành chính, tỉnh Thừa Thiên nói chung, huyện Quảng Điền nói riêng bước vào thời kỳ phát triển về nhiều mặt kinh tế xã hội. Năm Tự Đức 4 (1851), dời huyện lỵ đến xã Hạ Lang (nay thuộc xã Quảng Phú).
Cuối đời Tự Đức, tình hình đất nước ngày càng rối ren trước họa xâm lăng, năm Quý Mùi (1883) hải quân Pháp tấn công thành Trấn Hải ở cửa biển Thuận An, quân triều đình chống cự mãnh liệt nhưng đành thất thủ trước hỏa lực hiện đại của Tây phương. Trong trận này, người con ưu tú đất Quảng Điền là tham tri bộ Lễ Trần Thúc Nhẫn, từng được vua Tự Đức giao làm trưởng đoàn điều đình với quân Pháp; sự bất thành, ông đã trầm mình tuẫn tiết tại giang phận ngã Ba Sình để vẹn lòng trung với nước. Mùa hè năm Ất Dậu (1885), Tôn Thất Thuyết lãnh đạo quân dân vũ trang đánh Pháp ở kinh thành; một lần nữa, người con anh liệt đất Quảng Điền là Đặng Hữu Phổ, (con trai phò mã đô úy Đặng Văn Cát cùng công chúa Thuận Lễ, Nguyễn Phúc Tĩnh Hòa) tham gia chỉ huy đội quân Đoàn Kiệt đã phải thọ án tử hình sau khi đại cuộc bất thành, kinh đô thất thủ, vua Hàm Nghi xuất bôn.
Bấy giờ, trưởng tử của Kiên Thái vương là Nguyễn Phúc Biện được người Pháp chọn lên ngôi, lấy niên hiệu Đồng Khánh vào tháng 8 năm Ất Dậu (1885), do đó dân gian đã nhanh chóng truyền nhau câu vè:
“Ngẫm xem thế sự mà rầu,
Ở giữa Đồng Khánh, hai đầu Hàm Nghi”
Mặc dù tình hình đất nước như vậy, song vào cuối đời Tự Đức, Quốc Sử quán cũng đã kịp chuẩn bị tư liệu biên soạn bộ sách Địa chí theo phương pháp triều đình ban chỉ dụ cho các lỵ thần trong nước, từ biên giới phía Bắc đến Bình Thuận là địa bàn do triều đình Huế đang trực tiếp cai quản phải biên vẽ bản đồ tấu trình. Đồng Khánh địa dư chí ra đời trong khoảng thời gian 1886 đến 1887, ghi chép khá đầy đủ về hệ thống hành chính của huyện Quảng Điền như sau: “Huyện Quảng Điền là huyện thống hạt thuộc phủ Thừa Thiên, kiêm nhiếp huyện Phong Điền (Trước đây đặt làm hai huyện, huyện lỵ Quảng Điền đóng ở địa phận giáp Đông xã Bác Vọng,..., năm Tự Đức 4 (1851) vâng mệnh hợp làm một huyện).
Huyện hạt đóng tại xã Hạ Lang, tổng Hạ Lang, nhà tranh ba gian hai chái, hướng đông nam, xung quanh trồng rào tre, đông tây mỗi chiều đều dài 12 trượng 4 thước, nam bắc mỗi chiều đều dài 12 trượng 3 thước. Nhà học xá ba gian hai chái, lợp tranh.
Huyện Quảng Điền 5 tổng, gồm 59 xã, thôn, ấp, giáp, với dân số 6.807 người, ruộng đất 11.542 mẫu 6 sào 3 thước 5 phân 5 ly (10).
Tình hình này ổn định cho đến ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công; bấy giờ toàn huyện Quảng Điền vẫn còn có 5 tổng song số xã ấp phường giáp đã tăng lên một vài đơn vị (66 xã ấp, phường giáp) (11).
Đến đầu thế kỷ XX, theo thống kê từ Annuaire général de l’Indochin (IDEO, Hanoi, 1910) thì dân đinh các tổng của huyện Quảng Điền là:
-Tổng Thanh Cần có 12 làng, 1.232 dân đinh
-Tổng Khuông Phò có 12 làng, 1.349 dân đinh
-Tổng Hạ Lang có 14 làng, 1.211 dân đinh
-Tổng An Thành có 11 làng, 1.728 dân đinh
-Tổng Phước Yên có 15 làng, 1.709 dân đinh
Tổng cộng toàn huyện có 5 tổng, 64 làng, 7.229 dân đinh
4. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, thành lập chính quyền nhân dân
Sau khi Nhật đảo chính Pháp đêm 9/3/1945, tình hình ở Huế diễn biến mau lẹ theo chiều hướng cách mạng phát triển dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Thừa Thiên. Ngày 20/5/1945, hội nghị lịch sử đầm Cầu Hai do Tỉnh ủy tổ chức (huyện Quảng Điền có đồng chí Nguyễn Dĩnh tham dự) đã quyết định chủ trương chuẩn bị tổng khởi nghĩa thành lập Việt Minh tỉnh. Đến đầu tháng 6/1945, hội nghị cán bộ Việt Minh toàn huyện Quảng Điền được tổ chức tại thôn Hà Lạc, thành lập Việt Minh huyện lấy bí danh “Việt Minh Trường Giang”.
Sau hội nghị Thường vụ Tỉnh ủy họp ngày 10/8/1945, Việt Minh huyện Quảng Điền đã tích cực khẩn trương triển khai khởi nghĩa trong toàn huyện. Lúc này, cơ quan Việt Minh và Ủy ban Khởi nghĩa huyện đóng trụ sở tại làng Niêm Phò (tại đình làng và trường học). Ngày 23/8/1945, quần chúng nhân dân toàn huyện tuần hành biểu dương lực lượng kéo về huyện lỵ Hạ Lang giành chính quyền về tay nhân dân, tri huyện Đoàn Thức rút lui, đồng chí Trần Bá Song được cử làm chủ nhiệm Việt Minh kiêm chủ tịch UBND Cách mạng huyện Quảng Điền, lễ ra mắt ngày 25/8/1945.
Trong giai đoạn đầu khởi nghĩa dành chính quyền, các xã (làng) tùy theo điều kiện thực tế đã thành lập các Ủy ban khởi nghĩa đồng thời là UBND Cách mạng xã (vẫn sử dụng tên gọi cũ). Đến tháng 10/1945, thực hiện chủ trương của tỉnh giải thể cấp tổng thành lập xã là cấp hành chính ở cơ sở cho thống nhất với toàn quốc, lúc này huyện Quảng Điền từ 5 tổng được tổ chức thành 13 xã (12).
5. Giai đoạn 1946 - 1975
Sau khi tham gia bầu cử Quốc hội nước Việt Nam DCCH thành công vào ngày 6/1/1946, nhân dân huyện Quảng Điền đã tham gia bầu cử HĐND cấp tỉnh, huyện và xã, chính thức thành lập chính quyền nhân dân cấp huyện và xã tại địa phương. Đến đầu tháng 12/1946, Ủy ban Kháng chiến hành chính được thành lập, kịp thời tổ chức lãnh đạo nhân dân tham gia “Toàn quốc kháng chiến” vào ngày 19/12/1946.Sau khi mặt trận Huế vỡ, quân Pháp chiếm đóng Quảng Điền, cơ quan lãnh đạo của huyện chuyển lên đóng ở sông Kềm (thuộc địa bàn xã Phong Thu). Vào cuối năm 1947, Thường vụ Tỉnh ủy có chủ trương bàn giao xã Phong Phú (gồm các xã Điền Lộc, Điền Hòa, Điền Hải, Phong Hải thuộc huyện Phong Điền) cho Quảng Điền cho đến cuối năm 1949 giao lại cho Phong Điền chỉ đạo. Khoảng tháng 3 năm 1948, quân Pháp tập kích vào chiến khu Hòa Mỹ, căn cứ sông Kềm bị địch phát hiện đánh chiếm, Tỉnh ủy chỉ đạo hai huyện Phong Điền, Quảng Điền lập căn cứ tại Ba Đa - Câu Nhi (giáp ranh Quảng Trị). Sang năm 1949, phong trào đồng bằng mở ra, toàn bộ cơ quan lãnh đạo của Huyện ủy, Ủy ban Kháng chiến hành chánh, quân sự và công an ở căn cứ Câu Nhi đã lần lượt chuyển về đồng bằng, lúc đầu đóng tại các xã Quảng Giang, Quảng Tín (13).
Đến ngày 7/6/1949, Chủ tịch nước Việt Nam DCCH đã ra sắc lệnh số 47/SL thành lập xã Phong Chương thuộc huyện Phong Điền trên cơ sở hợp nhất hai xã Phong Hải và Phong Khánh (huyện Phong Điền) với các thôn Phú Ân và Phú Lễ (huyện Quảng Điền). Ngày 20/9/1950, Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu IV ra Quyết nghị số 1134 QN/P5 thành lập 2 xã mới ở huyện Quảng Điền, là xã Quảng Hưng (hợp nhất các thôn Thủy Lập, Mỹ Thạnh, An Cư, An Lạc, thuộc xã Quảng Tín với xã Quảng Sĩ); xã Quảng Thái (hợp nhất các thôn Cổ Tháp, Đức Nhuận, Hà Du và Sơn Công thuộc xã Quảng Tín với xã Quảng Giang).
Như vậy, đến thời điểm này, không còn đơn vị hành chính xã Quảng Tín, Quảng Sĩ và Quảng Giang nữa. Toàn huyện được sắp xếp lại 7 xã là: Quảng Đại (gồm Quảng An và Quảng Thành), Quảng Ninh (gồm Quảng Đức và Quảng Phước), Quảng Hòa (gồm Quảng Vinh và Quảng Lợi), Quảng Thuận (gồm Quảng Xuyên và Quảng Thắng), Quảng Hưng (gồm Quảng Sĩ và một phần Quảng Tín), Quảng Thái (gồm Quảng Giang và một phần Quảng Tín), Quảng Ngạn (gồm Quảng Ngạn và Quảng Công).
Tháng 3/1947, thực dân Pháp thành lập Quốc gia Việt Nam do Bảo Đại làm Quốc trưởng, tiến hành phân chia địa giới hành chánh trở lại thời kỳ trước năm 1945. Huyện Quảng Điền có 5 tổng 66 xã ấp, gồm các tổng Khuông Phò, Hạ Lang, An Thành, Thanh Cần, Phước Yên. Đến ngày 19/9/1951, Thủ hiến Trung Việt ra Nghị định số 1393-NĐ-PC thành lập tại tỉnh Thừa Thiên 15 khu vực hành chính; huyện Quảng Điền chia làm 2 là Khu vực hành chính Sịa (2 tổng Khuông Phò, An Thành), Khu vực hành chính Hạ Lang (3 tổng: Hạ Lang, Thanh Cần, Phước Yên (14).
Các Khu vực hành chính này chỉ tồn tại trong vòng 3 năm, đến năm 1953, quân chiếm đóng lại chia tỉnh Thừa Thiên làm 7 quận và thành phố Huế, quận Quảng Điền tái lập trên cơ sở địa giới cũ.
Sau năm 1954, Quảng Điền nằm trong vùng bị tạm chiếm, cùng với miền Nam, chính quyền cách mạng cơ sở bị mất, chỉ còn sự lãnh đạo của tổ chức Đảng nhưng cũng bị địch đánh phá tìm cách tiêu diệt tàn khốc. Cuối tháng 6/1954, Mỹ đưa Ngô Đình Diệm lên làm Thủ tướng, đến ngày 23/10/1955, tổ chức “trưng cầu dân ý” truất phế Bảo Đại rồi lên làm Tổng thống Việt Nam cộng hòa.
Trên địa bàn Thừa Thiên, chính quyền Ngô Đình Diệm đã xóa bỏ toàn bộ đơn vị hành chính của ta đã xây dựng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp để lập lại đơn vị hành chính mới của bộ máy ngụy quyền. Chính quyền Sài Gòn đã tiến hành tổ chức lại toàn bộ cơ cấu hành chính từ cấp tỉnh đến cơ sở, thành lập các quận mới và bỏ hẳn cấp tổng, sáp nhập nhiều xã nhỏ thành một xã lớn trực thuộc quận. Ngày 20/4/1956, Thủ hiến Trung Việt ra Nghị định số 711-NĐ/PC, thành lập 6 quận mới và 2 Nha đại diện hành chính ở Thừa Thiên, trong đó quận Quảng Điền gồm có 7 xã:
1-Xã Quảng Phú: gồm các làng (thôn): Phú Lễ, Hà Cảng, Hạ Lang, Bác Vọng Đông, Bác Vọng Tây, Đức Nhuận, Xuân Tùy, vạn Hạ Lang (nguyên thuộc tổng Hạ Lang), làng Bao La (tổng Thanh Cần), các làng Nghĩa Lộ, Đông Lâm, Nam Phù, Nho Lâm (tổng Phước Yên).
2-Xã Quảng Thọ: gồm các làng Niêm Phò, Mông Dương, Phò Nam, Tân Thành, Phước Yên, La Vân Thượng, La Vân Hấp Lương Cổ (Tổng Phước Yên), ấp Lai Trung, vạn Tân Thọ (tổng Thanh Cần).
3-Xã Quảng Lộc: gồm các làng An Xuân, Kim Đôi, Thủy Điền, Thành Trung, Tây Thành, Phú Ngạn, Thanh Hà, An Thành, Phú Lương, Đông Xuyên, Mỹ Xá (nguyên thuộc tổng An Thành), làng Phước Thanh Đông (tổng Phước Yên), vạn Hòa Xuân (tổng Chánh Lộc, huyện Phong Điền).
4-Xã Quảng Phước: gồm các làng Khuông Phò, Thủ Lễ, Uất Mậu, Thạch Bình, Tráng Lực, An Gia (nguyên thuộc tổng Khuông Phò), làng Lương Cổ (tổng Phước Yên), làng Vân Căn (tổng Thanh Cần), làng Hà Đỗ (tổng Hạ Lang).
5-Xã Quảng Ngạn: gồm các làng Lãnh Thủy, Thành Công, Cương Gián Đông, Cương Gián Tây, Tân Mỹ, An Lộc (nguyên thuộc tổng Khuông Phò), ấp Minh Hương (thuộc huyện Hương Trà).
6-Xã Quảng Vinh: gồm các làng Lai Trung, Cao Xá Hạ, Đức Trọng, Ô Sa, Nam Dương, Thanh Cần, Phổ Lại (nguyên thuộc tổng Thanh Cần), làng Sơn Tùng (tổng Phước Yên), các làng Đồng Bào, Lai Xã, Cổ Tháp (tổng Hạ Lang).
7-Xã Quảng Lợi: gồm các làng Lai Hà, Thủy Lập, Phong Lai (nguyên thuộc tổng Thanh Cần), các ấp An Cư, An Lạc (tổng Phước Yên), các làng Hà Lạc, Phú Ân, ấp Cổ Tháp (tổng Hạ Lang), làng Mỹ Thành (tách ra từ làng Sơn Tùng, tổng Phước Yên), ấp Đức Nhuận (tách ra từ làng Đức Trọng, tổng Hạ Lang)(15).
Trước làn sóng đấu tranh của nhân dân miền Nam đòi nhà đương cục Sài Gòn thi hành hiệp định Giơ-ne-vơ, ngụy quyền Ngô Đình Diệm đã chia nhỏ các quận ở tỉnh Thừa Thiên để thắt chặt sự kiểm soát. Cụ thể là ngày 17/5/1958, Bộ trưởng Nội vụ đã ra Nghị định số 214-HV/P6/NĐ tổ chức lại hệ thống hành chính tỉnh, tỉnh lỵ đặt tại Huế, toàn tỉnh có 9 quận. Quận Quảng Điền có 7 xã, quận lỵ chuyển về tại Quảng Phước (16).
Riêng hệ thống hành chính cách mạng thì từ năm 1960, tỉnh Thừa Thiên được đổi thành Thừa Thiên Huế gồm có thị xã Huế, 6 huyện đồng bằng và 3 quận miền núi, huyện Quảng Điền gồm 7 xã với địa danh như cũ là Quảng Đại, Quảng Ninh, Quảng Hòa, Quảng Thuận, Quảng Hưng, Quảng Thái, Quảng Ngạn.
6. Giai đoạn từ 1975 đến nay
Ngày 26/3/1975, tỉnh Thừa Thiên Huế được hoàn toàn giải phóng. Đầu tháng 4, Tỉnh ủy đã tăng cường bổ sung cán bộ lãnh đạo, cử đồng chí Nguyễn Đình Thu về làm Bí thư huyện ủy, đồng chí Trần Đăng Cạnh về làm chủ tịch UBND cách mạng lâm thời huyện Quảng Điền. Chính quyền nhân dân ở huyện, xã, thôn được nhanh chóng thiết lập. Dưới sự lãnh đạo của các chi bộ Đảng, nhân dân đã họp đề cử ban tự quản thôn. Huyện tạm thời chỉ định UBND cách mạng lâm thời xã; tỉnh chỉ định UBND cách mạng lâm thời huyện. Theo chủ trương của tỉnh, các đơn vị xã lấy theo ranh giới và tên gọi của chế độ cũ để tiện việc quản lý điều hành (17).Đến đây, huyện Quảng Điền có 7 xã: Quảng Hòa, Quảng Lộc, Quảng Lợi, Quảng Phú, Quảng Phước, Quảng Thọ, Quảng Vinh. Đến tháng 3/1976, tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành điều chỉnh địa giới, sáp nhập 6 xã của quận Hương Điền cũ vào huyện Phong Điền, còn lại 2 xã cũ của quận Hương Điền la Điền Mỹ và Điền Thành (đổi tên mới là xã Quảng Ngạn) và sáp nhập vào huyện Quảng Điền, đồng thời đổi tên xã Quảng Hòa của quận Quảng Điền cũ làm xã Hương Phong rồi cắt nhập vào huyện Hương Trà.
Thực hiện chủ trương hoàn thành thống nhất đất nước về mặt Nhà nước sau ngày giải phóng miền Nam, ngày 20/9/1975, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 245 NQ/TƯ về việc hợp nhất các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên với tỉnh Quảng Bình và khu vực Vĩnh Linh. Tiếp đó, ngày 27/12/1975, Quốc Hội khóa V, kỳ họp thứ 2 ra Nghị quyết giao cho Chính phủ nước Việt Nam DCCH hiệp thương với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam để chuẩn bị hợp nhất Thực hiện Nghị quyết trên. Tháng 2/1976, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đã ra Nghị định về việc giải thể khu, hợp nhất tỉnh ở Miền Nam Việt Nam, tỉnh Bình Trị Thiên được thành lập gồm Quảng Bình, Vĩnh Linh (miền Bắc) và Quảng Trị, Thừa Thiên (miền Nam). Ngày 11/3/1977, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 62-CP hợp nhất huyện Phong Điền, huyện Quảng Điền, huyện Hương Trà thành một huyện mới lấy tên là huyện Hương Điền (huyện lỵ đóng tại Tứ Hạ, Hương Trà). Cho đến ngày 29/9/1990, huyện Hương Điền lại được tách ra thành 3 huyện Hương Trà, Phong Điền, Quảng Điền như cũ.
Ngày 6/1/1983, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 3-HĐBT thay đổi các đơn vị hành chính, ở huyện Hương Điền có 3 xã được chia tách thành lập 6 đơn vị xã mới: Quảng Lợi chia thành 2 xã lấy tên là Quảng Lợi và Quảng Thái; Quảng Lộc chia thành 2 xã lấy tên là Quảng An, Quảng Thành; Quảng Ngạn chia thành 2 xã lấy tên là Quảng Công, Quảng Ngạn. Tất cả các xã này đều thuộc địa giới huyện Quảng Điền sau này.
Ngày 29/9/1990, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 345-HĐBT điều chỉnh lại địa giới các đơn vị hành chính thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, huyện Quảng Điền được thành lập gồm 10 xã: Quảng Ngạn, Quảng Công, Quảng Lợi, Quảng Thái, Quảng Phước, Quảng Vinh, Quảng Phú, Quảng Thọ, Quảng Thành, Quảng An, huyện lỵ đóng tại Quảng Phước.
Đến ngày 17/3/1997, Chính phủ ra Nghị định số 22-CP thành lập thị trấn Sịa - thị trấn huyện lỵ thuộc huyện Quảng Điền, trên cơ sở 1.118,4 ha diện tích tự nhiên và 8.610 nhân khẩu của xã Quảng Phước; sáp nhập thôn Mai Dương thuộc xã Quảng An vào phần còn lại của xã Quảng Phước (18).
Theo số liệu thống kê công bố năm 2009, huyện Quảng Điền có diện tích 16.307,7 km2, dân số 83.276 người (19).
Như vậy, trải qua hàng trăm năm thành lập, chia tách, sáp nhập, đến nay địa giới và địa danh hành chính huyện Quảng Điền đã cơ bản ổn định. Tuy nhiên, với xu thế phát triển theo kết luận số 48 của Bộ Chính trị, xác định phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020 là:“Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong vài năm tới, là trung tâm của khu vực miền Trung và một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch, khoa học - công nghệ, y tế chuyên sâu và giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Phấn đấu đến năm 2020, Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, một trong những trung tâm kinh tế văn hóa, khoa học - công nghệ, y tế, đào tạo lớn của cả nước và khu vực các nước Đông Nam Châu Á; có quốc phòng, an ninh được tăng cường, chính trị - xã hội ổn đinh, vững chắc; có hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng được nâng cao rõ rệt; có đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện”.
Chắc chắn rằng đến năm 2020 địa danh và địa giới hành chính của huyện Quảng Điền cũng sẽ được điều chỉnh theo hướng đô thị hóa, xứng tầm với sự phát triển đi lên theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa của cả tỉnh, cả nước.
■ Huỳnh Đình Kết (*)
(*) Giám đốc Nhà Bảo tàng Huế, Phòng Văn hóa Thành phố Huế.
(2) Do tướng quân Lý Thường Kiệt và Trương Hán Siêu phụng mệnh bình Chiêm vào các năm 1104 và 1353, cùng với cuộc thân chinh Chiêm phạt của vua Trần Anh Tông năm 1312
(3) Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch, tr 17.
(4) Nội các triều Nguyễn, Khâm định Ðại Nam hội điển sự lệ (bản dịch của Viện Sử học), Huế: (1993) Nxb. Thuận Hóa, tập I, tr. 1136.
(5) Bao gồm: Tây Pha, Hà Cùng, An Mục, Tiền Thành, Văn Quật, Hoài Lai, Sa Đôi, Sa Ngạn, Tam Chế, Đan Lương, La Vân, Bác Vọng, Niêm Phù, Đông Dã, Nam Phù, Nghĩa Lộ, Vân Căn, Hoa Lang, Lỗ Xá, Đông Xuyên, Phù Đồ, Hà Cảng, Thượng Lộ, Bồ Điền, Báo Đáp, Phù Đái, Cổ Bi, Lại Bình, Khúc Ốc, Vũ Xá, Thanh Kệ, Dương Loan, Đào Cù, Phấn Cần, Hồ Đỉnh, Tân Bả, Cổ Tháp, Thế Chí, Tráng Liệt, Thạch Bình, Toản Vũ, Hiền sĩ, Sài Tang, Phổ Lại, Nam Bì. Có ý kiến cho rằng hiện nay còn 22 xã (làng) vẫn còn giữ lại tên xưa, 3 xã mất dấu vết, không tra cứu được là Tam Chế, Hồ Đỉnh và Tân Bả còn lại 27 xã (làng) đã đổi tên gọi mới bởi nhiều lý do khác nhau (so với năm 1469 trước đó giảm mất 13 xã không rõ lý do) (Trần Đại Vinh, Hoàng Văn Phúc; Ô châu cận lục, Tân dịch hiệu chú, Huế.: Nxb. Thuận Hóa, 2001, tr. 59).
(6) Chia ra: Tổng Hoa Lang: 8 xã, 2 thôn, 2 phường; Tổng Phù Lê: 14 xã; Tổng Yên Thành: 16 xã, 1 thôn; Tổng Hạ Lang: 7 xã, 1 thôn; Tổng Đông Lâm: 9 xã, 1 thôn; Tổng Phúc An: 7 xã, 1 thôn; Tổng Phù Ninh: 9 xã, 1 thôn, 1 phường; Tổng Phú Ốc: 4 xã, 2 phường.
(7) Như những trường hợp: Hà Cùng đổi làm An Dương, An Mục ð An Lỗ, Hoài Lai ð Vu Lai, Sa Đôi ð Kim Đôi, Sa Ngạn ð Phú Ngạn, Đan Lương ð Phú Lương, Hoa Lang ð Hiền Lương, Ông Gia ð An Gia, Thượng Lộ ð Thượng An, Bái Đáp ð Phú Lễ, Phù Đái ð Phù Ninh, Lỗ Xá ð Mỹ Xá, Phò Lê ð Khuông Phò, Khúc Ốc ð Phú Ốc, Võ Xá ð Văn Xá, Thanh Kệ ð Thanh Lương, Dương Loan ð Dương Sơn, Đào Cù ð Vân Cù, U Cần ð Hương Cần, Tráng Liệt ð Tráng Lực, Toản Vũ ð Thành Công, Sài Tang ð Nho Lâm, Nam Bì ð Nam Dương.
(8) Cụ thể như sau:
1. Tổng An Thành (Yên Thành): 18 xã, 1 phường, gồm các xã An Thành, An Xuân, Đông Xuyên, Kim Đôi, La Vân Hạ, La Vân Thượng, Mỹ Xá, Phú Lương, Phú Ngạn, Tây Thành, Thanh Hà, Thành Công, An Phú, Hương Cần, Phú Sản, Thủy Tụ, Tiền Thành, Vĩnh Trị, phường Thành Trung.
2. Tổng Đông Lâm: 4 xã, gồm các xã Đông Lâm, Nam Phù, Nho Lâm, Nghĩa Lộ.
3. Tổng Hạ Lang: 5 xã, 1 thôn, gồm các xã Bái Đáp, Đức Trọng, Hạ Lang, Thiên Tùy, Đồng Bào, thôn Đức Trọng Hạ.
4. Tổng Hoa Lang: 7 xã, 3 thôn, 1 phường, gồm các xã Cao Xá Hạ, Cổ Tháp, Lãnh Tuyền, Nam Dương, Ô Sa, Cao Xá Thượng, Hoa Lang, các thôn Cao Xá Thượng, Cương Gián, Đông Lâm Thượng, phường Cương Gián Tây.
5. Tổng Khuông Phò: 1 xã, 1 ấp gồm xã Khuông Phò, ấp An Lộc.
6. Tổng Phú Ốc: 7 xã, 2 phường, 1 giáp, gồm Bác Vọng Đông, Bác Vọng, Bao La, Đại Lộc, Lai Hà, Phú Ốc, Thế Chí, các phường Bao La, Thủy Lập, Hà Lạc, giáp Thế Chí Đông.
7. Tổng Phù Lê: 14 xã, 1 phường, gồm các xã An Gia Hà Cảng, Mạc Gia, Mông Tuyền, Phổ Lại, Phù Lê, Sơn Tùng, Thạch Bình, Thanh Đương, Thủ Lễ, Tráng Lực, Vân Căn, Vu Lai, phường Vu Lai Hà Bạc.
8. Tổng Phù Ninh: 5 xã gồm Bồ Điền, Lai Xá, An Lỗ, Cổ Lão, Phù Ninh, Vu Lai Thượng.
9. Tổng Phước Yên: 4 xã, 3 phường gồm các xã Lương Cổ, Niêm Phù, Phù Nam, Phước Yên, các phường Thủy Điền Thượng, An Lộc Tứ Chánh, Chiêu Phù.
(Nguyễn Ðình Ðầu, 1997, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn - Thừa Thiên, Tp.Hồ Chí Minh: Nxb. Tp.Hồ Chí Minh, tr. 152).
(9) QSQ triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, bản dịch Tu Trai Nguyễn Tạo, tập 10, S.: Nha Văn hóa, 1961, t.10, tr26.
(10) I. Tổng Hạ Lang: 13 xã, thôn, ấp, giáp: 1. Xã Hạ Lang; 2. Xã Hà Cảng; 3. Xã Phú Lễ; 4. Xã Lai Xá; 5. Thôn Đức Trọng Hạ; 6. Xã Đồng Bào; 7. Xã Xuân Tùy; 8. Giáp Tây xã Bác Vọng; 9. Giáp Đông xã Bác Vọng; 10. Xã Cổ Tháp; 11. Ấp Cổ Tháp; 12. Ấp Hà Lạc; 13. Ấp Hà Đồ.
II. Tổng Khuông Phò, 11 xã ấp: 1-Xã Khuông Phò; 2-Xã An Gia; 3-Ấp Uất Mậu; 4-Xã Thủ Lễ; 5-Xã Thạch Bình; 6-Xã Tráng Lực ; 7-Xã Thành Công; 8-Xã Lãnh Thủy; 9-Xã An Lộc; 10-Ấp Cương Gián Đông ; 11-Ấp Cương Gián Tây.
III-Tổng An Thành, 11 xã, ấp: 1-Xã An Thành; 2-Xã Tây Thành; 3-Ấp Thành Trung ; 4-Xã Kim Đôi; 5-Xã An Xuân; 6-Xã Đông Xuyên ; 7-Xã Phú Ngạn; 8-Xã Mỹ Xá; 9-Xã Phú Lương ; 10-Ấp Thủy Điền Thượng ; 11-Xã Thanh Hà.
IV-Tổng Phúc Yên, 12 xã: 1-Xã Phúc Yên; 2-Xã Lương Cổ; 3-Xã La Vân Thượng; 4-Xã La Vân Hạ; 5-Xã Phù Nam; 6-Xã Nho Lâm; 7-Xã Niêm Phò; 8-Xã Mông Dưỡng; 9-Xã Nam Phò; 10-Xã Đông Lâm; 11- Xã Sơn Tùng; 12-Xã Nghĩa Lộ.
V-Tổng Thanh Cần, 12 xã, ấp, giáp: 1-Xã Thanh Cần; 2-Xã Phổ Lại; 3-Xã Vân Căn ; 4-Xã Ô Sa; 5-Xã Đức Trọng ; 6-Xã Bao La; 7-Xã Thủy Lập; 8-Xã Phong Lai; 9-Xã Lai Hà; 10-Giáp Lai Trung; 11-Xã Nam Dương; 12-Xã Cao Xá Hạ.
(QSQ triều Nguyễn, 2003, Ðồng Khánh địa dư chí (Ngô Đức Thọ d.), H.: Viện Viễn Ðông Bác Cổ Pháp, Trường Cao học Thực hành Pháp & Viện Nghiên cứu Hán Nôm - Nxb. Thế giới).
(11) Cụ thể như sau:
I. Tổng Hạ Lang, 14 xã ấp: Hạ lang, Xuân Tùy, Bác Vọng Đông, Bác Vọng Tây, Hà Lạc, Phú Ân, Phú Lễ, Đồng Bào, Hà Cảng, Cổ Tháp, Lai Xá, Đức Thuận, và ấp Cổ Tháp.
II. Tổng Khuông Phò, 13 xã: Khuông Phò, Thạch Bình, An Gia, Tráng Lực, Thủ Lễ, An Lộc, Cương Gián Đông, Cương Gián Tây, Thành Công, Lãnh Thủy, Tráng Lực Đông, Tân Mỹ.
III-Tổng An Thành, 11 xã: An Thành, Đông Xuyên, Kim Đôi, Tây Thành, Thanh Hà, Mỹ Xá, Phú Lương, Phú Ngạn, An Xuân, Thành Trung, Thủy Điền.
IV-Tổng Phước Yên, 16 xã: Phước Yên, Nghĩa Lộ, Niêm Phò, La Vân Hạ, Mông Dương, Phò Nam, Nho Lâm, Đông Lâm, Lương Cổ, Nam Phù, Sơn Tùng, La Vân Thượng, Phước Thanh Đông, An Cư, An Lạc, Tân Thành.
V-Tổng Thanh Cần, 12 xã: Thanh Cần, Lai Trung, Lai Hà, Phong Lai, Nam Dương, Phổ Lại, Bao La, Cao Xá Hạ, Thủy Lập, Ô Sa, Vân Căn, Đức Trọng.
(12) Cụ thể là: 1-Xã Quảng An (tổng An Thành cũ); 2-Xã Quảng Thành (tổng An Thành cũ); 3-Xã Quảng Đức (tổng Phước Yên cũ); 4-Xã Quảng Phước (tổng Phước Yên cũ); 5-Xã Quảng Vinh (tổng Thanh Cần cũ); 6-Xã Quảng Lợi (tổng Thanh Cần cũ); 7-Xã Quảng Xuyên (tổng Hạ Lang); 8-Xã Quảng Thắng (tổng Hạ Lang cũ); 9-Xã Quảng Sĩ (một phần các tổng Thanh Cần, Khuông Phò, Hạ Lang, Phước Yên cũ); 10-Xã Quảng Tín (một phần các tổng Thanh Cần, Khuông Phò, Hạ Lang, Phước Yên cũ); 11-Xã Quảng Giang (một phần các tổng Thanh Cần, Khuông Phò, Hạ Lang, Phước Yên cũ); 12-Xã Quảng Ngạn (tổng Khuông Phò cũ); 13-Xã Quảng Công (tổng Khuông Phò cũ) (Phạm Xuân Thạch, Những thay đổi địa danh và địa giới hành chính..., Luận văn thạc sĩ khoa học, Huế 2004, tr12,13).
(13) Dẫn theo Lịch sử Đảng bộ huyện Quảng Điền (sơ thảo), Huế.: Nxb. Thuận Hóa, 1995.
(14) Phạm Xuân Thạch, Những thay đổi địa danh…, Tlđd, tr. 12 - 25.
(15) Phạm Xuân Thạch, Những thay đổi địa danh…, Tlđd, tr. 45 - 49.
(16) Gồm các xã: Quảng Lộc, Quảng Lợi, Quảng Phú, Quảng Phước, Quảng Thọ, Quảng Vinh, Quảng Hòa. Lần này xã Quảng An đã được tách ra và đổi tên gọi Điền An để sáp nhập vào quận Hương Điền, xã Quảng Hòa nguyên trước là xã Hương Hòa thuộc quận Hương Trà gồm các làng Thanh Phước, Thuận Hòa, Tiền Thành, An Lai, Vân Quật Thượng, Vân Quật Đông.
(17) Lịch sử Đảng bộ huyện Quảng Điền, Tlđd, tr. 215.
(18) Phạm Xuân Thạch, Những thay đổi địa danh…, Tlđd, tr. 87.
(19) Diện tích và dân số cụ thể của các xã, thị trấn là: Thị trấn Sịa: 1.189 km2, 9.937 người; Xã Quảng An: 1.424km2, 7.744 người; Xã Quảng Công: 1.260 km2, 5.178 người; Xã Quảng Lợi: 3.238 km2, 7.680 người; Xã Quảng Phú: 1.190 km2, 10.082 người; Xã Quảng Ngạn: 1.110 km2, 5.645 người; Xã Quảng Phước: 1.048 km2, 6.914 người; Xã Quảng Thái: 1.836 km2, 4.623 người; Xã Quảng Thành: 1.082 km2, 9.475 người; Xã Quảng Thọ: 957,7 km2, 6.916 người; Xã Quảng Vinh: 1.976 km2, 9.081 người.
Tài liệu tham khảo
1. Ban trị sự Nguyễn Phước tộc (1995), Nguyễn Phúc tộc thế phả, Huế.: Nxb. Thuận Hóa.
2. BCH Đảng bộ huyện Quảng Điền (1995), Lịch sử Đảng bộ huyện Quảng Điền (sơ thảo), Huế.: Nxb.Thuận Hóa.
3. Danh sách xã thôn Trung Kỳ, bản in rônêô.
4. Lê Quý Đôn (1964), Phủ biên tạp lục, bản dịch Đỗ Mộng Khương, H.: Nxb.KHXH.
5. Nguyễn Ðình Ðầu (1997), Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn - Thừa Thiên, Tp.Hồ Chí Minh: Nxb. Tp.Hồ Chí Minh.
6. Phạm Xuân Thạch (2004), Những thay đổi địa danh và địa giới hành chính ở Thừa Thiên Huế từ 1945 đến 2001, Huế.: Luận văn thạc sĩ khoa học Lịch sử, Đại học Khoa học Huế.
7. QSQ triều Nguyễn (1961), Ðại Nam nhất thống chí (Tu Trai Nguyễn Tạo d.), S.: Nha Văn hóa, Bộ Quốc gia Giáo dục.
8. QSQ triều Nguyễn (2003), Ðồng Khánh địa dư chí (Ngô Đức Thọ d.), H.: Viện Viễn Ðông Bác Cổ Pháp, Trường Cao học Thực hành Pháp & Viện Nghiên cứu Hán Nôm - Nxb. Thế giới.
9. Vô danh thị (1961), Ô châu cận lục, Dương Văn An nhuận sắc, tập thành; Bùi Lương phiên dịch, Văn hóa Á châu Xb.
10. Vô danh thị (2001), Ô châu cận lục, Dương Văn An nhuận sắc, tập thành, Trần Đại Vinh, Nguyễn Văn Phước tân dịch, hiệu chú, Huế: Nxb. Thuận Hoá.
từ Sóng nước tam Giang
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét