Hiển thị các bài đăng có nhãn Quảng Điền. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Quảng Điền. Hiển thị tất cả bài đăng

Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập GĐPT Kim Đôi, 59 năm xây dựng, phát triển

Ngày 21/02/2012 (Ngày 14 tháng Giêng năm Bính Thân), tại NPĐ Kim Đôi, xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đã trang nghiêm diễn ra Lễ kỷ niệm 35 năm chính thức thành lập (1981-2016), 59 năm xây dựng, phát triển (1957-2016) và Khánh thành Đoàn quán Gia đình Phật tử Kim Đôi.
Quang lâm chứng minh, tham dự buổi lễ có HT. Thích Quang Nhuận - Phó Trưởng Ban Trị sự kiêm Trưởng Ban Hoằng Pháp GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế, HT. Thích Toàn Thiệt - Chứng minh BTS GHPGVN huyện Quảng Điền, ĐĐ. Thích Hải Đức - UV BTS tỉnh, Trưởng BTS GHPGVN huyện Quảng Điền, ĐĐ. Thích Tịnh Thường - Phó Trưởng BTS GHPGVN huyện Quảng Điền, ĐĐ. Thích Tâm Đạo - Trưởng Ban HDPT GHPGVN huyện Quảng Điền; Chư tôn đức BTS GHPGVN huyện; Chư tôn đức trú xứ tại các NPĐ trên địa bàn huyện và chư tôn đức đồng hương.
Về phía BHD PB GĐPT tỉnh Thừa Thiên Huế có Huynh trưởng cấp Dũng Thiện Điều - Nguyễn Thắng Nhu, Trưởng BHD PB GĐPT tỉnh Thừa Thiên Huế, Huynh trưởng cấp Tấn Tâm Toại - Nguyễn Viết Kế, Phó BHD PB GĐPT tỉnh Thừa Thiên Huế, Huynh trưởng cấp Tấn Tâm Ngọc - Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó BHD PB GĐPT tỉnh Thừa Thiên Huế cùng quý anh chị là Ủy viên BHD PB GĐPT tỉnh Thừa Thiên Huế. Về phía BĐH GĐPT huyện Quảng Điền có Huynh trưởng cấp Tấn Nhật Tâm - Hồ Tấn Hoàng, Ủy viên BHD PB GĐPT tỉnh Thừa Thiên Huế kiêm trưởng BĐH GĐPT huyện Quảng Điền, Huynh trưởng cấp Tấn Quảng Nhơn – Ngô Quân, Phó Ban Điều hành GĐPT huyện Quảng Điền cùng toàn thể quý anh chị Ủy viên BĐH; Qúy bác BHT, Ban Huynh trưởng các NPĐ lân cận, Huynh trưởng, Đoàn sinh GĐPT Kim Đôi qua các thời kì, quý đạo hữu Phật tử gần xa.

Nhân rộng mô hình nuôi gà đệm lót sinh học cho các hộ dễ bị tổn thương tại huyện Quảng Điền.

Quảng Điền là một huyện có quy mô chăn nuôi tương đối lớn trong địa bàn tỉnh. Với 28.300 nghìn con trâu bò, lợn và hơn 30.000 con gia cầm, người dân nơi đây coi chăn nuôi là một trong những hoạt động sinh kế chính của họ. Với quy mô nuôi lớn như vậy sẽ tồn tại một vấn đề rất lớn đó là ô nhiễm môi trường do chất thải trong chăn nuôi gây ra.
              Trong thời gian qua, Trạm Khuyến nông lâm ngư của huyện đã thực hiện thành công mô hình nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học. Hiện nay, mô hình này là một phương thức chăn nuôi tốt nhất với người dân tại địa phương, mô hình trên không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn xử lý triệt để chất thải chăn nuôi, bảo vệ môi trường.
               Tuy nhiên, người dân ở địa phương nhất là các hộ nghèo và dễ bị tổn thương vẫn chưa đủ điều kiện về kinh tế để có thể thực hiện được mô hình nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học. Được sự hỗ trợ của Dự án sáng kiến và phát triển địa phương thích ứng với biến đổi khí hậu, Trạm Khuyến nông thực hiện hoạt động “ Nhân rộng mô hình nuôi gà đệm lót sinh học cho các hộ dễ bị tổn thương”. Hoạt động được thực hiện với 80 hộ tham gia, tại các xã Quảng Phước, Quảng An, Quảng Lợi, Quảng Thái, Quảng Thọ, Quảng Phú, Quảng Công và Quảng Ngạn nhằm mục đích hỗ trợ phát triển sản xuất, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, tăng thu nhập cho người nghèo.
                Mỗi hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ 50 con gà kiến vàng 22 ngày tuổi, 100 % thuốc thú y để phòng bệnh và 2 kg chế phẩm Balasa N01 để làm đệm lót. Ngoài ra, các hộ được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật và được cán bộ kỹ thuật theo dõi hướng dẫn kỹ thuật hàng tuần. Bước đầu, gà sinh trưởng phát triển tốt, các hộ dân rất vui mừng vì có thêm việc làm và kỹ thuật nuôi mới. Hy vọng hoạt động này sẽ tăng thu nhập cho những người dân còn khó khăn của huyện Quảng Điền.
                                                                                   KimOanh
                                                               Trạm Khuyến NLN Quảng Điền

Bài viết liên quan

Vang danh tiếng trống O Thương

(CAO) Dành trọn hơn 40 năm cuộc đời cho nghề làm trống, giờ đây, tiếng trống của bàThương đã gắn bó với đời sống đất Cố Đô và được nhiều người biết đến.

Đến đường Lê Thánh Tôn, thành Phố Huế hỏi thăm đến nhà bà Hồ Thị Thương không ai là không biết đến. Bà Thương là người phụ nữ đang giữ lửa cho nghề làm trống nổi tiếng ở Huế bởi vì chỉ có bà là người phụ nữ làm nghề trống cũng là duy nhất ở Huế.
Bà Thương quê gốc ở làng Thủ Lễ, xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Bà là con gái của nghệ nhân Hồ Khách, một nhạc công và cũng là nghệ nhân làm trống nổi tiếng dưới triều Nguyễn.

Bà Thương là người phụ nữ đang giữ lửa cho nghề làm trống nổi tiếng ở Huế
Năm bà Thương lên 10 tuổi, bà đã theo mẹ bà học nghề, thấy con gái có vẻ yêu nghề nên sau khi cha mất, mẹ truyền cho con gái kỹ thuật và bí quyết để tạo ra những chiếc trống hay có âm thanh vang dội. Sau bao năm nhằn nhọc suy nghẫm, đây là vốn nghề truyền thống để lại bà Thương không đành lòng nên đã quyết định nối nghiệp. Từ đó, mẹ con bà trở thành hai người phụ nữ duy nhất làm trống. Hồi đó, khách đặt cho sản phẩm của nhà bà là trống "Hai O", ý là chỉ có bà Thương và mẹ cùng làm trống (O: cô, dì - PV).
Bà Thương tâm sự: "Trống được chia thành nhiều loại như trống làng, trống họ, trống trường, trống lân, trống nhạc lễ… mỗi loại mang một âm thanh khác nhau. Trống làng, trống họ, trống trường phải điều chỉnh da vừa để có âm thanh dày. Trống dùng múa lân thì da thường dày nhất vì đánh mạnh và cần âm phát to, rõ.

Bà Thương cũng không nhớ là đã làm bao nhiêu chiếc trống cho khách
Bà Thương cũng không nhớ là đã làm bao nhiêu chiếc trống cho khách. Dủ nhoc nhằn, bà Thương vẫn gắn bó miệt mài, gìn giữ nghề làm trống, bởi cái nghề này đã từng nuôi sống bao thế hệ của gia đình và quan trọng hơn là bà không muốn để cái nghề mang tính văn hóa, truyền thống này bị mai một theo thời gian.
Bà Thương kể: "Hồi đó, chưa có công cụ máy móc để bào xẻ gỗ như bây giờ nên bà cùng mẹ bà phải xẻ gỗ bằng phương pháp thủ công rất vất vả. Cả ngày hai mẹ con chỉ xẻ được hơn chục thanh gỗ dăm từ thân cây mít, bào nhẵn để làm thân trống".
Để có được một chiếc trống hoàn chỉnh phải trải qua ba công đoạn và tỷ mĩ, khéo léo: Làm da, làm tang và bưng trống. 
Công đoạn khó nhất trong nghề làm trống khi bào da, cũng phải chú ý tùy theo loại trống để bào, đây là quyết định độ bền, tuổi thọ của trống. Theo bà Thương, phải sử dụng da trâu cái đem bào hết lớp màng, sau đó ngâm nước, khử mùi, chống thối rồi phơi khô ba nắng, không để da trâu ươn.
Làm thân trống phải dùng gỗ mít do loại gỗ này dẻo, mềm, không bị cong vênh, nứt vỡ. Gỗ được cắt thành nhiều khúc sau đó pha thành từng dăm. Tùy theo kích cỡ của trống mới định ra bao nhiêu dăm, cũng như phải tính toán độ cong và độ dẻo của dăm để khi khép với thân trống vừa khít, không có kẽ hở.
Ngày nay, theo thị hiếu của thị trường, trống được sản xuất hàng loạt bằng máy móc hiện đại, tuy nhiên bà Thương vẫn muốn làm trống theo cách thủ công để giữ lại nghề truyền thống của gia đình cho con cháu sau này.

Một chiếc trống được bà Thương làm
Dành trọn hơn 40 năm cuộc đời cho nghề làm trống, giờ đây, tiếng trống của bàThương đã gắn bó với đời sống đất Cố Đô và được nhiều người biết đến. Đó cũng là kết quả của sự kiên nhẫn của một người phụ nữ đảm đang và giữ lữa cho nghề trống gia truyền.
Nghề làm trống thu nhập không cao, nhưng với lòng yêu nghề, niềm tự hào truyền thống quê hương đã khiến bà Thương gắn bó cuộc đời mình với nghề này chưa bao giờ hối tiếc.
"Tính đến thời điểm hiện tại, Thừa Thiên Huế không có mấy cơ sở làm trống. Những người đam mê như chúng tôi cố gắng giữ gìn và phát huy nghề truyền thống này đến khi nào không còn sức để làm", bà Thương chia sẻ.

chương trình "Vượt lên chính mình"


Vượt Lên Chính Mình tại huyện Quảng Điền

Quảng Điền: Nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển dịch vụ

UBND huyện Quảng Điền vừa ban hành một số chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển dịch vụ tại các khu dịch vụ: Cồn Tộc, xã Quảng Lợi; hai bên cầu Tứ Phú, xã Quảng Phú và thôn An Lộc, xã Quảng Công, huyện Quảng Điền

Theo đó, sẽ miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 7 năm đối với dự án đầu tư tại các khu quy hoạch phát triển dịch vụ nói trên; giảm 50% tiền thuê đất, mặt nước cho các dự án đầu tư trong thời gian ngừng sản xuất, kinh doanh khi bị thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất khả kháng xảy ra. Ngoài ra, các đơn vị đầu tư sẽ được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp; mặt bằng sản xuất; lãi suất tiền vay đầu tư; thủ tục hành chính; hỗ trợ đầu tư mới và mở rộng dự án đầu tư trong hàng rào; hỗ trợ các công trình kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào...

Nuôi gà lấy trứng, gà ta lai đá nhà anh Loan

Mô hình nuôi gà hộ gia đình nhỏ được anh Loan phát huy hiệu quả  ở làng Kim Đôi, thu được một số thành quả nhất định, được bà con áp dụng và học hỏi rất nhiều, không những trong thôn mà còn cả các hộ gia đình trong khu vực gần xã Quảng Thành.

Nuôi gà lấy trứng hay nuôi để bán là cách bà con ta thường kinh doanh, mô hình nuôi gà thả vườn quy mô nhỏ lẻ rất phù hợp với nông thôn Việt Nam. Mô hình nuôi gà được bà con trong làng áp dụng rộng rãi do tính chất dễ áp dụng, sân vườn rộng rãi thoáng mát. Tuy nhiên quá trình nuôi là từ lúc ấp trứng cho đến khi trưởng thành là cả một quá trình. Khi nuôi với số lượng lớn đòi hỏi người nuôi phải có nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc gà, vệ sinh chuồng trại.



Anh Loan không ngần ngại chuẩn bị cho mình máy ấp trứng dùng để ấp trứng cho mình và bà con. Máy ấp trứng gà với tỉ lệ nở khá cao trên 85%. Giúp cho quá trình nuôi gà của anh chủ động hơn. anh đỡ công đi xa ấp trứng.

Bà con khu vực xung quanh xã và các làng của xã Hương Phong, Hương Vinh cũng thường xuyên mua gà con 1 tuần tuổi, gà ta, gà lai đá trưởng thành từ anh.

Liên hệ với anh Loan  - Kim Đôi, Quảng Thành, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế
SDT : O945. 71. 2226

  • Ấp trứng
  • Gà con
  • Gà ta, gà lai đá trưởng thành

Quảng Điền - Hơn 1.000 trường hợp khó khăn được nhận quà qua kênh Thriive

Dự án “Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ - Phát triển cộng đồng” - Thriive đã có đợt trả vốn tháng 5 tại địa bàn 2 xã Quảng Phước và Quảng Thành (huyện Quảng Điền).
Đối tượng được hưởng lợi lần này gồm: 339 hộ cận nghèo, 269 hộ nghèo và 439 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, với tổng kinh phí trao quà lên đến 459,5 triệu đồng. Trong đó, phần quà mà các hộ nghèo và hộ cận nghèo nhận được, gồm: Thực phẩm (bánh ngọt, bánh mỳ, chả, nước uống tinh khiết) và vật dụng gia đình (áo quần, chăn, chiếu, giá để chén bát nhiều tầng, bếp lò…), với tổng số tiền hơn 356 triệu đồng; phần quà mà các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được nhận, gồm: bánh ngọt, áo quần, vở, đồ chơi, với tổng trị giá hơn 103 triệu đồng.

Niềm vui của người dân khó khăn khi được nhận quà
Dự án “Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ - Phát triển cộng đồng” do Hội thân hữu Huế (FHF – Hoa Kỳ) tài trợ với các hoạt động của dự án là hỗ trợ vốn vay không lãi suất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh cá thể để mua sắm máy móc, trang thiết bị sản xuất. Hình thức trả vốn là chính các sản phẩm, dịch vụ do doanh nghiệp sản xuất ra và có ích cho cộng đồng hay các khóa đào tạo nghề tương ứng với số vốn vay. Trong các phần quà được trao đợt này có cả sản phẩm của những doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn hoạt động qua kênh Thriive.
Theo Đồng Văn (TTH.VN)

TỔNG KẾT GIẢI VÔ ĐỊCH VẬT DÂN TỘC TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIX NĂM 2015

Sáng này 14/4/2015, tại Nhà thi đấu và tập luyện Thể dục thể thao huyện Quảng Điền đã diễn ra 11 trận còn lại của vòng chung kết giải vô địch vật dân tộc toàn quốc lần thứ XIX năm 2015.

        Sau 05 ngày thi đấu từ ngày 10-15/4/2015, với tinh thần thi đấu thượng võ, cống hiến, các đô vật đã đem đến cho các cổ động viên những trận thi đấu sôi nổi, hấp dẫn với những đòn thế đẹp mắt và những tình huống đấu trí vô cùng gay cấn, quyết liệt.
        Kết quả: Nhất toàn đoàn thuộc về đoàn Hà Nội, Nhì toàn đoàn thuộc về đoàn Vĩnh Phúc, Ba toàn đoàn thuộc về đoàn Quân đội.

        Giải vật dân tộc toàn quốc lần thứ XIX năm 2015 là hoạt động thể thao mang đậm bản sắc dân tộc, được tổ chức hàng năm nhằm đánh giá phong trào tập luyện và thi đấu của các địa phương về môn vật, góp phần đẩy mạnh phong trào tập luyện và thi đấu thể dục thể thao, nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm thi đấu cho các đô vật, thúc đẩy sự phát triển của môn vật Việt Nam. Đồng thời, cũng là dịp để thúc đẩy phong trào “toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, bảo tồn, phát huy và lưu giữ giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc.
                                                                                                                                                                                      
trích tong-ket-giai-vo-dich-vat-dan-toc-toan-quoc-lan-thu-xix-nam-2015 ( Xuân Linh )

hội vật làng Thủ Lễ xuân Ất Mùi

Đến hẹn lại lên, mồng 6 tháng Giêng âm lịch, đông đảo bà con thôn Thủ Lễ (xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cùng du khách khắp mọi miền đất nước lại tụ hội về sân đình xem hội vật của làng.
Đánh trống khai hội vật làng Thủ Lễ xuân Ất Mùi.
Nét đẹp văn hóa truyền thống này đã có từ hàng trăm năm nay, góp thêm sắc xuân cho vùng quê bên phá Tam Giang.
Mở đầu hội vật là tiếng trống khai hội thôi thúc người dân làng Thủ Lễ và du khách gần xa tụ về đình làng cùng vui hội vật.
Để khai hội vật đầu năm, hai đô vật cao niên trong làng cùng lên sới vật biểu diễn các đòn thế điêu luyện thể hiện ý muốn lớp trẻ hôm nay nối tiếp truyền thống thượng võ của quê hương, đồng thời gợi nhắc bề dày lịch sử của hội vật làng Thủ Lễ.
Theo các bậc cao niên trong làng, hội vật Thủ Lễ mồng 6 Tết ra đời từ thời các chúa Nguyễn với mục đích tuyển chọn những thanh niên trai tráng, sức vóc cho nhiệm vụ bảo vệ đát nước. Hội vật còn là ngày hội vui đầu xuân mang ý nghĩa tinh thần rất lớn cho nhân dân của làng.
Hội vật truyền thống làng Thủ Lễ xuân Ất Mùi 2015 có sự tham gia của hơn 70 đô vật thuộc hai lứa tuổi: thiếu niên và thanh niên.
Kể từ khi được khôi phục cách đây hơn 10 năm sau một thời gian gián đoạn, hội vật làng Thủ Lễ đã ghi nhận sự tiến bộ về chất lượng chuyên môn qua từng năm thi đấu. Kinh nghiệm và kỹ chiến thuật thi đấu của các đô vật được nâng lên đáng kể.
 

Lễ hội, thể thao, du lịch dịp Tết Ất Mùi Thừa Thiên Huế

Lên chùa lễ Phật ngày mùng 1 Tết
Vào những ngày Tết, vạn vật đâm chồi nảy lộc, hoa nở rộ đủ sắc màu làm cho những ngôi chùa Huế như chốn bồng lai tiên cảnh. Ngoài việc đi chùa để cầu sức khỏe, may mắn và làm ăn thịnh vượng, du khách còn có thể tham quan cảnh trí của chùa ngày xuân, thưởng thức trà bánh, xin chữ đầu năm.
Một số ngôi chùa du khách nên đến viếng thăm ở Huế ngày Tết là chùa Thiên Mụ, chùa Từ Đàm, chùa Diệu Đế, chùa Huyền Không Sơn Thượng...
Xem đua ghe truyền thống
Người Huế thường chọn ngày tốt để tổ chức cuộc đua ghe. Bấy giờ, những chiếc ghe đủ màu sắc, từ các thôn làng tập hợp về một quãng sông để tranh tài. Hai bên bờ sông, dân chúng tụ tập đông đúc, luôn miệng hò reo cổ vũ cho đội nhà trong tiếng trống dồn dập, náo nức. Cuộc đua kéo dài từ sáng cho đến tận xế chiều. Tiêu biểu có các lễ hội đua ghe ở thị trấn Lăng Cô - Phú Lộc (mùng 6 Tết), thị trấn Sịa - Quảng Điền (mùng 7 Tết); đua trãi trên Sông Vực - Hương Thủy (mùng 10 tháng Giêng)...

Đua ghe trên sông Hương. (Ảnh: NetCodo)
Đua ghe là một trong những là trò giải trí lâu đời, có mặt ở Huế từ buổi đầu người Việt theo chân các chúa Nguyễn vào Nam mở cõi. Đến xem đua ghe, du khách có thể thụ hưởng thêm một nét văn hóa độc đáo của Huế trong những ngày Tết Âm lịch.
Đi chơi chợ Gia Lạc ngày mùng 3 Tết
Đây là một phiên chợ đặc biệt, chứa đựng nhiều nét đẹp văn hóa, ứng xử của người dân Huế. Chợ mỗi năm chỉ họp đúng ba ngày Tết. Người ta đến chợ không phải vì nhu cầu mua bán, mà vì thói quen, vì một tập tục đẹp đã có từ lâu đời. Họ lấy vui, lấy việc cầu may làm chính nên ai nấy đều ăn mặc chỉnh tề, sang trọng, đặc biệt là việc đi lại, nói năng trao đổi với nhau đều ý tứ, lịch thiệp. Họ không tranh luận, không to tiếng như các phiên chợ trong năm. Đó là tinh thần mong muốn sự hoà đồng, tốt đẹp trong các mối quan hệ xã hội mỗi khi năm mới đến.
Ngoài ra, ở Quảng Điền còn có chợ phiên Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền) tổ chức từ ngày mùng 01 đến mùng 03 Tết.

Nhiều lễ hội hấp dẫn

Từ mùng 1 Tết cho đến rằm tháng Giêng, ở Thừa Thiên - Huế có hàng loạt lễ hội như: Lễ hội đu tiên ở Điền Hòa - Phong Điền (mùng 02 Tết), Gia Viên - Phong Điền (mùng 4 Tết) và Phước Yên - Quảng Điền (mùng 01 đến mùng 04 Tết); lễ hội cầu ngư ở thị trấn Lăng Cô - huyện Phú Lộc), ở Thuận An (huyện Phú Vang) ở Hải Dương (thị xã Hương Trà); hội vật làng Sình - Phú Vang (mùng 10 tháng Giêng) và lễ hội vật làng Thủ Lễ - Quảng Điền (mùng 6 Tết); lễ hội đền Huyền Trân ở phường An Tây, TP Huế (mùng 8-9 tháng giêng)...
Đi xem lễ hội truyền thống trong dịp Tết là một hoạt động không thể bỏ qua đối với người dân và du khách gần xa khi đến Huế. Qua các hoạt động lễ hội du khách có điều kiện để tìm hiểu, khám phá những nét văn hóa độc đáo của mọi vùng quê của tỉnh Thừa Thiên Huế.
* Ngày 19/02/2015 (mùng 01 Tết)
- Chương trình nghệ thuật phục vụ nhân dân tại tiền sảnh Trung tâm Văn hóa Thông tin vào các tối từ ngày 19/02 (mùng 1 Tết) đến 21/02 (mùng 03 Tết)
+ Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi biểu diễn vào tối 19/02 (mùng 01 Tết)
+ Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế biểu diễn vào tối 20/02 (mùng 2 Tết)
+ Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế biểu diễn vào tối 21/02 (mùng 03 Tết)
- Chợ phiên Quảng Ngạn tại xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền (diễn ra từ mùng 01 đến mùng 03 Tết)
- Chương trình Chợ quê ngày Tết tại xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc (diễn ra từ mùng 01 đến mùng 03 Tết)
- Tổ chức các chương trình nghệ thuật, Hội Hoa xuân, khu vui chơi giải trí, trò chơi dân gian, thả diều, tặng chữ thư pháp,... tại Công viên Thương Bạc, TP Huế (diễn ra trong các ngày từ mùng 01 đến mùng 05 Tết)
- Chương trình nghệ thuật tổng hợp tại tiền sảnh Trung tâm Văn hóa thành phố (65 Trần Hưng Đạo, TP Huế)
- Mở cửa di tích và các nhà trưng bày miễn phí phục vụ khách tham quan (từ ngày 19/02 đến 21/02 (mùng 01 đến mùng 03 Tết)
- Đu tiên Phước Yên (xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền) từ ngày 19/02 đến 22/02/2015 (mùng 01 Tết đến mùng 04 Tết)
* Ngày 22/02/2015 (mùng 4 Tết)
- Giải Cờ tướng tại thị trấn Sịa (Quảng Điền) từ ngày 22-23/02 (mùng 4-5 Tết)
- Đu tiên Phong Hiền tại thôn Gia Viên (Phong Điền)
- Giao hữu bóng chuyền toàn huyện A Lưới tại thị trấn A Lưới
* Ngày 23/02/2015 (mùng 5 Tết)
- Lễ dâng hương tại Tượng đài Quang Trung (9h30)
- Sân chơi dân gian: Tổ chức các trò chơi dân gian phục vụ nhân dân
* Ngày 24/02/2015 (mùng 6 Tết)
- Vật võ làng Thủ Lễ (thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền)
- Lễ hội cầu ngư và đua ghe tại Lăng Cô (Thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc)
* Ngày 28/02/2015 (mùng 10 tháng Giêng)
- Lễ hội vật Làng Sình (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang)
- Hội thi các môn thể thao dân tộc và Đua trãi trên sông Vực (phường Thủy Phương, Hương Thủy)
- Chương trình văn nghệ mừng Đảng, mừng Xuân tại trung tâm huyện Hương Trà (phường Tứ Hạ).
* Ngày 05/3/2015
Tổ chức Ngày thơ Việt Nam và các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội Nguyên Tiêu (Đền Huyền Trân; các địa điểm Tây Nam thành phố Huế, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy)
Ngoài các hoạt động chính trên, mỗi huyện, thị xã tổ chức các điểm vui xuân tại Trung tâm huyện lỵ, thị xã; mỗi xã, phường, thị trấn có một điểm vui xuân tập trung.
Nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huế

Những lễ hội xuân truyền thống ở Quảng Điền

Tết đến Xuân về là dịp để người dân vùng đất giàu truyền thống văn hóa huyện Quảng Điền Quảng Điền tái hiện các lễ hội dân gian mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống với nhiều ý nghĩa tâm linh và nhân văn của dân tộc.
Là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, Quảng Điền mang trong mình nhiều dấu ấn văn hóa đặc trưng như hò bã trạo, múa náp, đua ghe truyền thống đặc biết vào những ngày đầu xuân năm mới nhiều lễ hội dân gian mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống với nhiều ý nghĩa tâm lý và nhân văn như vật Thủ Lễ, đu tiên Phước Yên và các hoạt động đặc trưng khác như bài chòi, bóng chuyền cũng như đua ghe cũng được triển khai đều đặn.
Mỗi lễ hội ngày tết ở Quảng Điền có nhiều đặc điểm, thể thức, hình thức thể hiện khác nhau, nhưng có chung ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, mùa màng bội thu.
Theo Công Cường (TRT

TT. Huế: Thăm và tặng quà từ thiện đến bà con nghèo và khiếm thị tại các huyện, thị xã

Chiều ngày 16 tháng 01 năm 2015 nhằm ngày 26 tháng 11 năm Giáp Ngọ; phái đoàn do Hòa thượng Thích Khế Chơn - Phó Trưởng Ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh TT. Huế, Trú trì chùa Thiên Minh; Đạo tràng Tịnh độ chùa Thiên Minh cùng quý Đạo hữu Phật tử đã có chuyến thăm và tặng quà từ thiện tại Thị xã Hương Trà, huyện Quảng Điền và huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thừa Thiên Huế, Miền Trung diệt hàng vạn chuột đồng, bảo vệ sản xuất vụ xuân

Ở Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị, bà con các huyện vùng thấp cùng nhau ra đồng dùng các loại mũi tên, chĩa đâm tự chế săn bắt chuột đồng tránh nguy cơ thất bát vụ lúa đông xuân 2014-2015.

Quảng Điền Đầu tư nhiều công trình giao thông và thủy lợi để giảm thiểu tình trạng chia cắt do ngập

Quảng Điền là một huyện thấp trũng, thường xuyên bị ngập lụt dài ngày trong mùa mưa lũ. Do đó, công tác đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi trên địa bàn có ý nghĩa quan trọng. Thời gian qua, từ nguồn vốn của trung ương, tỉnh, Quảng Điền đường quan tâm đầu tư nhiều tuyến đường, và công trình thủy lợi quan trọng, góp phần giảm thiểu tình trạng chia cắt do ngập úng cục bộ ở nhiều nơi.

Đường Nguyễn Chí Thanh nối trung tâm huyện Quảng Điền với thành phố Huế vốn đã được đầu tư nâng cấp từ năm 2004, tuy nhiên do khó khăn về nguồn vốn nên vào năm 2009, dự án dừng đầu tư khi chưa hoàn chỉnh. Đến cuối năm 2013, sau khi trung ương cấp kinh phí đầu tư, tỉnh TT Huế đã tiếp tục khởi công dự án đầu tư mở rộng và nâng cấp đường Nguyễn Chí Thanh với tổng chiều dài 8,3 km, mở rộng mặt đường 7m, nền đường 12m, kết cấu mặt đường bằng bê tông nhựa. Công trình trên tuyến quy mô vĩnh cửu, tải trọng HL93, trên tuyến có cầu Tân Xuân Lai được xây dựng mới với chiều dài cầu 41,15m, mặt cắt ngang cầu rộng 12m. Tổng kinh phí đầu tư đợt này gần 110 tỷ đồng.

Khảo sát các di tích văn hoá Chămpa trên địa bàn Quảng Điền


Chiều 10/11, Viện Khảo cổ Hà Nội, Sở VH, TT&DL phối hợp với huyện Quảng Điền tiến hành khảo sát, nghiên cứu các di tích văn hoá Chămpa tại xã Quảng Vinh và xã Quảng Phú.
Tiến hành khảo sát phế tích Cổ tháp tại xã Quảng Vinh cho thấy, Cổ tháp này tọa lạc trên một gò đất cao ở thôn Đức Trọng, xung quanh là những khu lăng mộ và còn dấu vết của nhiều viên gạch Chăm vỡ bị. Ngoài ra, qua khảo sát, còn phát hiện tại thôn Lai Trung (xã Quảng Vinh) có ngôi đền Bà Giàng. Tại ngôi đền này có một tấm bia khắc các ký tự chữ viết người Chăm xưa và một linh vật nhỏ thời nhà Nguyễn.

Khi khảo sát phế tích Tháp Đức Nhuận (thôn Đức Nhuận, xã Quảng Phú), qua lời kể của người dân, trước đây có dấu tích một ngôi tháp Chăm đổ nát cùng tượng Chăm. Năm 1969, tại khu vực này đã tìm thấy tượng bò Nandin (hiện được đặt tại thư viện Nguyễn Chí Thanh).

Như vậy, qua những dấu vết còn lại, có thể thấy di tích văn hoá Chămpa trên địa bàn huyện Quảng Điền còn rất nhiều. Vì vậy, cần những phương án bảo tồn và phát huy những giá trị di tích lịch sử này, đồng thời là cơ sở pháp lý để lập hồ sơ khoa học công nhận di tích lịch sử.

Công Cường (TTH.VN)

Quảng Điền - nhìn từ di sản văn hóa lịch sử.


Nằm ở Đông Bắc Thừa Thiên Huế, phía Bắc và Tây giáp huyện Phong Điền, phía Nam giáp huyện Hương Trà và Thành phố Huế, phía Đông nhìn ra biển, trên địa thế phía Bắc lưu vực sông Bồ và phía Tây phá Tam Giang, Quảng Điền là huyện vùng trũng của tỉnh nhưng có nhiều ưu thế về tiềm năng tự nhiên và giao thông (1).


1. Vài nét về duyên cách và đặc điểm vùng đất


Nằm ở Đông Bắc Thừa Thiên Huế, phía Bắc và Tây giáp huyện Phong Điền, phía Nam giáp huyện Hương Trà và Thành phố Huế, phía Đông nhìn ra biển, trên địa thế phía Bắc lưu vực sông Bồ và phía Tây phá Tam Giang, Quảng Điền là huyện vùng trũng của tỉnh nhưng có nhiều ưu thế về tiềm năng tự nhiên và giao thông (1).

Theo sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Quảng Điền thời thuộc Hán là đất quận Nhật Nam, thời Chiêm Thành là Lý Châu, thời nhà Trần đổi tên là huyện Trà Kệ (hay Trà Kiệt), thuộc đất châu Hóa. Sang thời Lê đổi tên thành huyện Đan Điền thuộc phủ Triệu Phong. Khi chúa Nguyễn Hoàng vào Nam mới đổi tên thành huyện Quảng Điền. Nhưng địa phận lúc đó còn rất rộng. Năm Minh Mạng thứ 2 (1822), cho lệ vào phủ Thừa Thiên; đến năm thứ 16 (1835), cắt bớt 2 tổng (ghép với đất 3 tổng cắt ra từ huyện Hương Trà để lập huyện Phong Điền). Quảng Điền từ lúc này chỉ còn 5 tổng, quản 58 xã, thôn, phường, ấp, giáp(2). So với 6 huyện thuộc phủ Thừa Thiên lập năm 1835, Quảng Điền có quy mô trung bình, chiều đông - tây hơn 38 dặm, chiều bắc - nam 25 dặm, giới hạn như sau:

“Từ bờ bắc sông Phú Ốc về phần sông Phú Lễ thuận dòng đến cảng Kim Đôi ngang qua Thành Công, An Lộc, Đông Ấp, Tây Ấp của Cương Gián và vũng biển Tam Giang đến phía bắc giáp với Tây giáp xã Thế Chí, lại chạy ngang qua Phú Lễ giáp với Đường Long rồi chuyển về hướng Nam đến các xã Lai Xá, Cổ Tháp”(3).

Theo đề xuất của 2 đại thần Lê Văn Quý và Vương Hữu Quang (năm 1834), Quảng Điền suýt mang tên là Phong Điền, tuy nhiên, vua Minh Mạng vẫn giữ lại tên gọi Quảng Điền vốn do Tiên chúa Nguyễn Hoàng đặt từ xưa(4).

Quảng Điền có nhiều sông ngòi. Sông Bồ bắt nguồn từ dãy núi Sơn Hồ chảy qua bến Phú Ốc đến Phú Lễ chia ra một chi chảy quanh ra phía Bắc đến các làng Cổ Tháp, Sơn Tùng, chảy qua Nam Dương hiệp với sông Nam Phù chảy vòng lại phía Đông Bắc đến thôn An Xuân rồi đổ ra vùng phá Tam Giang. Sông Kim Đôi ở phía Đông Nam huyện là một nhánh của sông Hương. Từ địa giới làng Thanh Phước thuộc huyện Hương Trà chia ra một nhánh chảy về phía Bắc, đến sông Kim Đôi hiệp lưu với sông Thanh Hà chảy đến chỗ Quán Cửa rồi trút vào vùng biển Tam Giang. Đây là hai con sông lớn nối liền với nhiều kênh, hói, ngang dọc khác, là nguồn nước, nguồn phù sa màu mỡ bồi đắp cho nhiều cánh đồng phì nhiêu của các xã Quảng Thọ, Quảng Phước, Quảng An, Quảng Thành, Quảng Vinh, Quảng Phú... Từ giữa thế kỷ XV, Dương Văn An đã ca ngợi địa thế của Quảng Điền gắn liền với dòng sông này: “Sông lớn ở huyện Đan Điền (tức Quảng Điền) nguồn sông rất xa, dòng sông rất dài, miếu cỏ Minh Uy chận trên đầu núi, thành lớn Hóa Châu dài đến cửa sông, có những hoa thôn lục dã đất rộng dân đông, Hợi Thị, Ngọ Kiều người sang của báu, đều ở rải rác phía nam và phía bắc sông ấy”(5).

Quảng Điền lại có nhiều đầm phá thông với biển cả. Theo Đại Nam nhất thống chí, vùng biển Tam Giang (phá Tam Giang) - xưa gọi là “biển cạn” (Hạc Hải), năm Minh Mạng thứ 2 (1821), đổi tên là phá Tam Giang. Từ bờ phía Nam đến bờ phía Bắc dài 35 dặm, từ bờ phía Đông đến bờ phía Tây rộng độ 6 dặm; từ sông Lương Điền chảy xuống vũng biển, phía Tây Nam có 3 ngả sông: Cửa Tả Giang, Cửa Trung Giang, Cửa Hữu Giang. Mỗi sông đều chảy 2 - 3 dặm rồi nhập lại, cho nên gọi là vũng biển Tam Giang; lại chảy qua Đông Nam 25 dặm rồi hiệp với sông Hương chảy ra cửa biển Thuận An. Đầm Bác Vọng, đầm Hạ Lạc nằm giữa địa phận 2 huyện Hương Trà và Quảng Điền, đầm An Gia và An Xuân nằm ở phía Đông và Đông Nam huyện. Quảng Điền có 12km đường bờ biển. Đây cũng là một lợi thế không nhỏ của huyện.

Với địa thế độc đáo như trên, Quảng Điền là địa bàn lý tưởng cho sự phát triển nông nghiệp, giao lưu kinh tế, văn hóa, phòng thủ quân sự... Và trên thực tế, đây là vùng đất văn vật với các di sản văn hóa lịch sử phong phú.

2. Vùng đất với bề dày lịch sử


Trên vùng đất đa dạng về hình thế và giàu yếu tố “Nước” như vậy, Quảng Điền (vốn bao gồm cả đất Phong Điền) đã là địa bàn cư trú lâu đời của cư dân bản địa thời tiền sử. Những phát hiện từ khảo cổ học và nghiên cứu điền dã cho thấy vô số các di chỉ, di tích thời tiền - sơ sử, di tích Champa tại khu vực này, tiêu biểu như thành Hóa Châu, Sịa, Sơn Tùng... và rộng ra (trên đất Phong Điền - khu vực vốn thuộc đất Quảng Điền cũ) là Ưu Điềm, Phước Tích v.v...

Trong thời kỳ đầu xây dựng đất Thuận Hóa, thành Hóa Châu là trung tâm chính trị, kinh tế văn hóa của phủ Triệu Phong hồi bấy giờ (có địa bàn rộng, kéo dài từ Quảng Trị đến huyện Hương Trà). Ô Châu cận lục mô tả về tòa thành này như sau: “Thành ở địa phận huyện Đan Điền, sông cái Đan Điền chảy qua phía tây, lại có một dòng sông con chảy vào trong thành, phía hữu con sông ấy la liệt những trường học, nha môn Đô thừa phủ Triệu Phong. Sông cái Kim Trà rót vào phía nam, đập lớn chằm to ước nghìn vạn khoảnh. Các dòng nước bọc cả bốn bề, giữa có một tòa thành trăm nhận sừng sững như đám mây dài. Đó là nơi địa hình kết hợp, thiên tạo đặt bày vậy”(6).

Kết quả khai quật khảo cổ học khu vực này (1997) cho thấy Hóa Châu là tòa thành có quy mô khá lớn với 2 lớp thành. Thành ngoài trông ra phá Tam Giang, mặt trước dài 570m, mặt sau 590m, mặt trái 1890m, mặt phải 1920m. Thành trong dài từ 260 - 300m, rộng từ 150 - 160m. Các bờ thành đều đắp đất dày hàng chục mét. Bọc quanh 2 lớp thành là các tuyến sông làm hào bảo vệ. Rõ ràng đây là một di tích có giá trị không chỉ trong phạm vi Thừa Thiên Huế.

Sau khi chúa Nguyễn vào Thuận Hóa, trong quá trình Nam tiến và xây dựng Đàng Trong, Quảng Điền đã 2 lần được lựa chọn để xây dựng thủ phủ. Đó là Phước Yên (1626 - 1636) và Bác Vọng (1712 - 1738). Tuy thời gian đóng thủ phủ ở đây không dài (36 năm) nhưng cũng đủ để lưu lại nhiều dấu tích quan trọng. Hai di tích cấp tỉnh (miếu thờ Nguyễn Hữu Dật ở Phước Yên và chùa Thiện Khánh ở Bác Vọng)(7) chỉ là sự phản ánh rất khiêm tốn giá trị di sản to lớn của thời kỳ này trên đất Quảng Điền.

Phủ Phước Yên chỉ giữ vai trò là trung tâm chính trị của Đàng Trong trong 10 năm, nhưng là giai đoạn chuyển tiếp rất quan trọng đối với sự hình thành và phát triển thủ phủ của chúa Nguyễn theo hướng một đô thị(8). Hơn thế, đây còn là thời kỳ gắn liền với tên tuổi của những danh nhân kiệt xuất đương thời, như Nguyễn Phúc Nguyên, Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Tiến…

Phủ Bác Vọng tồn tại 26 năm đầu thế kỷ XVIII, là thời kỳ thoái bộ tạm thời của trung tâm Phú Xuân - Huế, nhưng lại gắn liền với thời kỳ Nam tiến mạnh mẽ của dân tộc và những công lao to lớn của chúa Nguyễn Phúc Chu. Tuy không được xây dựng quy mô bề thế, nhưng đến nay dấu tích về thủ phủ này vẫn còn hiện hữu khá rõ(9).

Quảng Điền còn có nhiều danh thắng, cổ tự từng rất nổi tiếng như đền thờ thần Xích Long ở Bác Vọng, chùa Phú Ốc (gần bến đò Phú Ốc cũ), chùa Sơn Tùng, chùa Bác Vọng...

Đền thờ thần Xích Long không rõ lập tự bao giờ nhưng rất cổ. Năm 1836, vua Minh Mạng đã ban sắc “Xích Long chi thần” và vẫn hay đến cầu đảo những năm hạn hán. Chùa Phú Ốc được ghi trong Đại Nam nhất thống chí là một cổ tự, từ đầu thời chúa Nguyễn đã nổi tiếng là ngôi chùa rất linh thiêng, chúa hay đến cầu mưa và thường được ứng nghiệm. Chùa Sơn Tùng thì nổi danh là một ngôi chùa có cảnh trí u tịch, chúa Nguyễn Phúc Tần đã đích thân cho trùng tu năm 1756 và ban cho tấm biển “Sắc tứ Sơn Tùng tự” cùng 4 cặp câu đối ca ngợi cảnh đẹp tuyệt vời của chùa(10). Chùa Bác Vọng vốn gắn liền với thủ phủ Bác Vọng và vị chúa Phật Nguyễn Phúc Chu. Vì vậy, ngay từ xưa đã nổi tiếng là ngôi chùa có quy mô to lớn, bề thế.

*

* *

Địa linh luôn gắn liền với nhân kiệt. Quảng Điền qua các đời luôn xuất hiện bậc anh hào với những văn trị, võ công oanh liệt.

Đời Trần có các danh tướng Đặng Tất, Đặng Dung (Bác Vọng), là tướng giỏi triều Hậu Trần, theo giúp Trần Giản Định và Trần Quý Khoáng, lừng danh qua các trận đánh chống quân xâm lược Minh ở Bô Cô, Thái Cảng.

Đời Lê có Cao Bách Tuế, Phan Tử Linh là những quan lại mẫn cán, trung nghĩa được ghi vào sử sách.

Đặc biệt, đời Nguyễn, Quảng Điền có đến 14 vị được ghi tên họ, tiểu sử và công trạng trong sách Đại Nam nhất thống chí (phần về phủ Thừa Thiên), tiêu biểu như Nguyễn Văn Thành, làm quan đến Tổng trấn Bắc thành, Thân Văn Quyền, Thân Văn Duy nổi tiếng uyên thâm về văn học, Đặng Văn Thiêm, từng được phong hàm Thự Văn Minh điện Đại học sỹ… Đó là chưa kể những người đỗ Tiến sĩ, Phó bảng không chịu ra làm quan, hay những người ra làm quan nhưng vì rất liêm khiết và có dũng khí đấu tranh chống bọn xâm lược nhưng chưa được ghi vào chính sử triều Nguyễn như Trần Thúc Nhẫn (Niêm Phò) - một đại thần đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp giữ cửa biển Thuận An năm 1883; Đặng Hữu Phổ - là tri huyện Quảng Điền cũng từ bỏ con đường hoạn lộ theo Hàm NghiTôn Thất Thuyết chống giặc Pháp xâm lược, bị xử chém; Phò mã Nguyễn Đình Tứ (Phước Yên) cùng hai em là Nguyễn Đình Long và Nguyễn Đình Cán tham gia vụ Hồng Tập chống lại Tự Đức, bị xử chém... Những quan lại thanh liêm nổi tiếng như Cao Đăng Đệ (Phước Yên), Trần Đạo Tiềm (Đông Lâm Hạ); có người học cao nhưng ghét chế độ thối nát đương thời về “ẩn sĩ” như Ngô Thế Lân (Vu Lai).

Tiếp nối truyền thống cha ông, trong hai cuộc trường chinh chống Pháp, chống Mỹ cứu nước (1945 - 1975), đất Quảng Điền đã sản sinh ra những người con ưu tú, những nhà cách mạng trung kiên, những nhà thơ lỗi lạc mà tiêu biểu là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (Niêm Phò), nhà thơ Tố Hữu (Phù Lai) cùng nhiều nhân vật xuất chúng trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, khoa học, đóng góp quan trọng vào công cuộc kháng chiến, kiến quốc của dân tộc. Và gắn liền với tên tuổi của họ là các di tích lịch sử cách mạng phong phú như Khu di tích lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Địa điểm tổ chức hội nghị Nam Dương, đình làng Thủy Lập…

Đến nay Quảng Điền có 3 di tích cấp quốc gia, 6 di tích cấp tỉnh(11), một số lượng quá khiêm tốn so với tiềm năng thực sự của huyện!

Gắn liền với các di sản phong phú trên là phần hồn của chúng - những di sản văn hóa phi vật thể phong phú, bao gồm phong tục, lễ hội, nghề truyền thống, ẩm thực… Quảng Điền nổi tiếng có hội vật xuân làng Thủ Lễ, lễ hội đua ghe trên phá Tam Giang. Nghề truyền thống thì có các mặt hàng đan lát Bao La, làm lưới Thủ Lễ, làng rau xanh Thành Trung… Những nghề truyền thống này vốn có từ lâu đời. Ngót 5 thế kỷ trước, Dương Văn An đã ca ngợi: “Bác Vọng khéo làm đăng, Thủ Lễ khéo đan lưới, lụa Phù Nam nhiều hồ, giấy Lương Cổ rộng khổ… Lụa Niêm Phò sợi thô, vải Thư Chí mặt nhỏ”. Trong thời Nguyễn, nhiều nghệ nhân danh tiếng về nhã nhạc, ẩm thực trong chốn cung đình đều xuất thân từ vùng đất Quảng Điền.

Các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú trên không chỉ là thể hiện truyền thống, niềm tự hào của một vùng đất văn vật, mà còn thực sự là thế mạnh to lớn cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của Quảng Điền.

3. Vấn đề khai thác và phát huy giá trị


Mặc dù có địa bàn khá xa trung tâm thành phố Huế, không thuận lợi để nối kết với các tour du lịch chính đến cố đô nhưng trong những năm qua, Quảng Điền đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, phát triển du lịch, dịch vụ. Trong vài năm trở lại đây, lễ hội “Sóng nước Tam Giang” do huyện chủ trì đã thu hút khá đông đảo quần chúng nhân dân và du khách tham gia, bước đầu khẳng định được thương hiệu của một vùng đất. Lễ hội này cũng đã trở thành một bộ phận của Festival quốc tế Huế tổ chức vào các năm chẵn.

Tuy nhiên, so với tiềm năng vốn có, việc khai thác các di sản văn hóa truyền thống phục vụ cho phát triển kinh tế văn hóa xã hội của Quảng Điền vẫn còn ở mức rất khiêm tốn. Các lễ hội văn hóa của huyện mới thu hút phần đông là người địa phương, người trong tỉnh, còn đối với du khách thì còn khá hạn chế. Các mặt hàng thủ công truyền thống gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra. Các tour du lịch thực sự đến với Quảng Điền vẫn còn rất ít. Bên cạnh đó, việc quan tâm đầu tư để bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa hoàn toàn chưa tương xứng với các tiềm năng vốn có của huyện…

Vậy, giải pháp nào để Quảng Điền sớm khắc phục được các hạn chế, bất cập trên?

Theo tôi, cần phải có một sự đánh giá nhìn nhận toàn diện về vấn đề này, mà trước hết cần đặt Quảng Điền trong mối quan hệ tổng thể với các địa phương khác trong tỉnh và trong khu vực các tỉnh bắc miền Trung, đặc biệt là trên “Con đường di sản miền Trung”. Trước mắt, theo thiển ý của người viết, Quảng Điền cần tập trung chú vào các vấn đề sau:

- Vấn đề liên kết vùng và liên kết các đơn vị làm du lịch, dịch vụ: Đây là điều hết sức quan trọng vì, du lịch dịch vụ của huyện chỉ có thể phát triển nếu có sự liên kết chặt chẽ giữa các địa phương, nhất là giữa Thành phố Huế, huyện Phong Điền, Hương Trà với Quảng Điền. Cần tận dụng tối đa thế mạnh đặc thù của các địa phương nhưng phải đặt trong sự phối hợp chung nhịp nhàng thì ngành du lịch, dịch vụ mới có thể khai thác tốt các ưu thế vốn có về di sản văn hóa của vùng đất. Nhìn rộng hơn, Quảng Điền cần tạo ra một điểm nhấn để nói kết với “Con đường di sản miền Trung”. Nếu thành công, thì đây sẽ là một bước đột phá đối với du lịch, dịch vụ của huyện.

- Đề xuất một số tour: Ngoài tour “Sóng nước Tam Giang” chủ yếu tại khu vực thị trấn Sịa, Quảng Lợi, Quảng Ngạn, Quảng Điền cần nghiên cứu, tổ chức các tour du lịch khám phá mới, chẳng hạn:

+ Tour du lịch khám khá thành cổ Hóa Châu gắn liền với phố cổ Thanh Hà - Bao Vinh và làng rau Thành Trung cùng các làng trồng cây kiểng lân cận.

+ Tour du lịch khám phá dấu vết các thủ phủ xưa ở Phước Yên, Bác Vọng gắn liền với việc tham quan, tìm hiểu các nghề thủ công truyền thống, mua sắm đặc sản của địa phương (chột nưa, rau má ở Phước Yên; sản phẩm đan lát Bao La…).

- Xã hội hóa việc bảo tồn và phát huy các di sản: Điều này đòi hỏi phải có sự đổi mới tư duy và những cơ chế thông thoáng hơn. Việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị các di sản, không thể chỉ trông chờ hoàn toàn vào nguồn vốn đầu tư của nhà nước, mà địa phương cần phát huy tối đa nội lực, huy động sự đóng góp của nhân dân, nhất là các doanh nghiệp trên địa bàn, những người thành đạt có gốc gác hay liên quan mật thiết với vùng đất. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu đề xuất các cơ chế mới để người dân có thể tham gia vào việc khai thác, phát huy giá trị di sản, bao gồm cả di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.

4. Thay lời kết


Rõ ràng, nhìn từ di sản văn hóa lịch sử, Quảng Điền là vùng đất có nhiều ưu thế với rất nhiều tiềm năng. Bên cạnh đó, với ưu thế giao thông thuận lợi, các sản vật địa phương phong phú, nhất là sự giàu có về mặt nước (hơn 3.500 ha đầm phá và 12km đường biển), khiến vùng đất này càng thêm hấp dẫn đối với du khách và các doanh nghiệp về du lịch, dịch vụ; hơn nữa, Quảng Điền lại có sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo tỉnh. Những lợi thế cả về khách quan và chủ quan như trên đủ để Quảng Điền vươn lên và bứt phá trong sự phát triển. Tuy nhiên, để biến các lợi thế thành sức mạnh thật sự hoàn toàn không đơn giản. Và hy vọng, đây sẽ là vấn đề được Quảng Điền từng bước tháo gỡ trong thời gian tới.

Phan Thanh Hải (*)


(Ảnh: Bản đồ Huyện Quảng Điền và Phong Điền trong "Đồng Khánh địa dư chí"




(*) TS. Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.




(1) Địa phận huyện Quảng Điền hiện nay nằm trong khoảng giới hạn từ 16030’58” - 16040’13” vĩ độ Bắc và 107021’38” - 107034’ kinh độ Đông.


(2) QSQ triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Thừa Thiên phủ, tập Thượng. Bản Duy Tân năm thứ 3 (1909), Tu Trai Nguyễn Tạo dịch. Nha Văn hóa, Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, Sài Gòn, 1960, tr 26-27.


(3) QSQ triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Thừa Thiên phủ, tập Thượng, sđd, tr 27.


(4) Theo đề xuất này, Quảng Điền sẽ mang tên là Phong Điền, còn huyện mới sẽ mang tên là Quảng Trạch. Tuy nhiên, vua Minh Mạng vẫn giữ tên cũ của Quảng Điền, còn huyện mới lập thì đặt tên Phong Điền.


(5) QSQ triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, sđd, tập Thượng, tr.62.


(6) Vô danh thị, Ô Châu cận lục, Dương Văn An san định, Bùi Lương phiên dịch. Văn hóa Á châu xuất bản, Sài Gòn, 1961, tr 65.


(7) Hai di tích này được UBND tỉnh TTH ra quyết định công nhận là Di tích cấp Tỉnh ngày 21/3/2011.


(8) Xem thêm bài khảo cứu của cùng tác giả: “Thủ phủ các chúa Nguyễn trên đất Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, 1558-1775, phần 2: Thủ phủ Phước Yên (1626-1636). Tạp chí Thông tin Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học Công nghệ Thừa Thiên Huế, số 2/1998.


(9) Xem thêm bài khảo cứu của cùng tác giả: “Thủ phủ các chúa Nguyễn trên đất Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, 1558-1775, phần 5: Thủ phủ Bác Vọng (1712-1738). Tạp chí Thông tin Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học Công nghệ Thừa Thiên Huế, số 1/1999. Kết quả thám sát khảo cổ học khu vực thủ phủ Bác Vọng cũng cho thấy nhiều phát hiện quan trọng về thời kỳ này, trong đó có dấu tích móng tường ngoài của phủ chính, các loại gạch xây…


(10) Các cặp câu đối này được ghi trong sách Đại Nam nhất thống chí, tiêu biểu là: 1-Thủy tú sơn minh, hải phước vô song nguyên phước địa; Trùng hưng cổ tự, Nam thiên đệ nhất thị Sơn Tùng (nghĩa là: Núi sông tốt đẹp, trong biển phước này không đất nào sánh kịp; Chùa xưa tu bổ lại, Sơn Tùng là cảnh đứng đầu của trời Nam). 2- Pháp vũ tân phân, song thọ chi đầu liên bối diệp. Hương vân liệu nhiễu, đàm hoa ảnh lý hiện kim dung (nghĩa là: Mưa phép rộn ràng, đầu cành song thụ , liền với cây bối diệp; Mây làng phảng phất, bóng hoa ưu đàm xuất hiện kim dung).


(11) Ba di tích cấp quốc gia là Khu lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Miếu mộ Đặng Hữu Phổ, đình làng Thủ Lễ. Năm di tích cấp tỉnh là: Chùa làng Thành Trung, Địa điểm tổ chức hội nghị Nam Dương, đình làng Thủy Lập, chùa Thiện Khánh, miếu thờ Nguyễn Hữu Dật và Chùa Thủ Lễ.

(Sóng nước tam giang)

Công trình Kè sông Quảng Thành chậm tiến độ

Thi công từ giữa năm 2011, đến nay công trình kè bờ sông Quảng Thành (Quảng Điền) vẫn chưa hoàn thành, chậm gần 2 năm so với kế hoạch.




Một đoạn kè sông Quảng Thành xây dựng bằng băng bê tông

Tiến trình hình thành địa giới địa danh Huyện Quảng Điền


Sách Đại Nam nhất thống chí thời Duy Tân (1910) chép về huyện Quảng Điền rằng: “Nguyên xưa là đất quận Nhật Nam của nhà Hán. Chiêm Thành lấy làm Lý Châu; An Nam triều nhà Trần làm huyện Trà Kệ (hay Trà Kiệt), thuộc về Hóa Châu. Đời thuộc Minh cũng nhân theo, đời Lê cải làm huyện Đơn Điền (Đan Điền) thuộc phủ Triệu Phong. Lúc đầu bản triều cải làm huyện Quảng Điền, năm Minh Mạng thứ 3 (1822) cải thuộc phủ Thừa Thiên, năm 16 (1835) trích ra 2 tổng thuộc huyện Phong Điền, còn lãnh 5 tổng, 58 xã, thôn, phường, ấp, giáp” (1). Vậy thực hư thế nào? Dưới đây xin được cơ bản làm rõ tiến trình thành lập huyện Quảng Điền, một trong 9 huyện thị, thành phố của tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nay.

1. Giai đoạn trước năm 1570: từ Trà Kệ đến Đan Điền - Quảng Điền

Xét thư tịch cổ thì vào thời Hùng Vương đất Quảng Điền thuộc vào bộ Việt Thường (Việt Thường thị). Nhà Tần xâm chiếm (246 - 201 TCN) đặt làm Tượng quận, đến nhà Hán (Hán Vũ đế 132 TCN - 25 SCN) lại chia nước ta làm 3 quận là Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam gồm hơn 20 huyện; đất Quảng Điền của Thừa Thiên thời bấy giờ thuộc huyện Lô Dung, quận Nhật Nam.

Cuối đời nhà Hán, năm 190, người địa phương (Chăm) là Khu Liên nổi lên chiếm cứ Tượng Lâm lập nên nước Lâm Ấp. Đến năm 347, Quốc vương Lâm Ấp là Phạm Văn đánh Nhật Nam, bắt giết thái thú Hạ Hầu Lãm, đuổi hết quan lại Trung quốc, lấy Hoành Sơn làm cương giới, đắp thành Khu Túc để phòng ngự, vùng này (từ đèo Ngang đến hết đèo Hải Vân) chia làm 5 châu là Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính, Ô (Vuyar), Rý/Lý (Ulik) bấy giờ Quảng Điền thuộc vùng đất Ulik của Lâm Ấp. Đến thời Đường (Đường Túc tôn) nước Lâm Ấp đổi làm nước Chiêm Thành, đô thành là Sinhapura (Trà Kiệu)

Nước ta, trải qua mấy trăm năm chịu ách thống trị của các triều đại phong kiến phương bắc: Hán, Ngô, Tống, Lương; nhân dân đã đứng lên theo Bà Trưng, Bà Triệu khởi nghĩa giành độc lập. Năm 544 Lý Bôn khởi nghĩa thắng lợi thành lập nước Vạn Xuân, nhưng thế lực chưa vững nên lại bị các triều đại phong kiến Tùy, Đường, Hậu Tần ở phương bắc xâm lược.

Mãi đến năm 980, Lê Hoàn lập nên nhà Tiền Lê đóng đô ở Hoa Lư, đất nước mới bắt đầu thời kỳ độc lập tự chủ, song địa giới vẫn chỉ đến đèo Ngang. Như vậy, bấy giờ Quảng Điền vẫn đang thuộc đất vương quốc Champa.

Mùa xuân năm Kỷ Dậu, niên hiệu Thiên huống Bảo tượng 2 (1069), vua Lý Thánh Tông thân chinh đánh Chiêm Thành, bắt được quốc vương Chế Củ đem về Đại Việt, Chế Củ bèn xin dâng đất 3 châu Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính (địa danh đã được phiên âm Hán Việt) chuộc tội để được tha về. Đến năm Ất Mão, niên hiệu Thái Ninh 4 (1075) vua Lý Nhân Tông sai Lý Thường Kiệt đi tuần biên thùy, vẽ địa đồ hình thế núi sông, đổi tên châu Địa Lý làm Lâm Bình, Ma Linh thành Minh Linh, rồi chiêu mộ dân đinh đến ở. Từ đó, người Việt vùng châu thổ sông Hồng cùng các châu Hoan, Ái (Thanh, Nghệ Tĩnh) lần lượt Nam tiến. Chắc rằng cũng có không ít người dân vượt giới đi sâu vào phía trong, trên đất Thừa Thiên ngày nay, tất nhiên không loại trừ vùng đất Quảng Điền màu mỡ, nhiều thóc gạo, lắm cá tôm, bởi “đất lành chim đậu”. Mặc dù sau đó Chế Ma Na đưa quân chiếm lại 3 châu ấy vào năm Long Phù 3 (1103) và xảy ra sự kiện Chiêm Thành cùng hội quân với Chân Lạp vào đánh Nghệ An (năm Thiên Thuận 5 - 1132), nhưng quân dân Đại Việt đã quản lý, khai thác vùng đất phía nam đèo Ngang, biên thùy tiếp giáp với 2 châu Ulik của vương quốc Champa là vùng đồng bằng của 2 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị ngày nay, tất nhiên việc qua lại làm ăn cũng rất dễ dàng, không cách trở núi đèo như trước nữa.


Sau khi nhường ngôi cho hoàng thái tử Thuyên (vua Trần Anh Tông sau này) vào mùa xuân năm Quý Tỵ (1293), Thượng hoàng Trần Nhân Tông xuất gia, ở núi Yên Tử. Tháng 3/Tân Sửu, Hưng Long thứ 9 (1301), nhân đoàn sứ giả của vương quốc Champa sang giao hảo với Đại Việt trở về nước, thượng hoàng bèn du hành phương Nam.


Tại kinh đô vương quốc (Mạnđàla) Champa, quốc vương Java Sinhavarman III (Chế Mân) đã đàm đạo hòa hiếu với thượng hoàng và được thượng hoàng hứa gả con gái về làm hậu phi. Tháng 9 năm ấy, thượng hoàng Trần Nhân Tông trở về núi Yên Tử.


Sang năm Bính Ngọ, Hưng Long thứ 14 (1306), quốc vương Java Sinhavarman III sai sứ sang dâng biểu cầu hôn, vua Trần Anh Tông thuận gả em gái là công chúa Huyền Trân. Tháng 6 năm ấy hôn lễ được cử hành, quốc vương Chế Mân cắt đất hai châu Ô, Lý (Ulik) làm sính lễ. Năm sau, vua sai Ngự sử trung tán Đoàn Nhữ Hài vào làm Hành khiển tuyên bố đức ý, đổi tên làm châu Thuận, châu Hóa, lấy người địa phương cho làm quan, cấp ruộng đất và giảm tô thuế 3 năm.


Bấy giờ có lẽ lỵ sở châu Hóa đóng tại thành cũ Hóa Châu của người Chiêm với tư cách là một thành quân sự thực hiện nhiệm vụ quản lý đất mới theo chế độ quân quản, còn hệ thống hành chính bên dưới vẫn giữ nguyên và quan lại cũng “lấy người địa phương cho làm quan”. Chắc rằng, trong số người địa phương ấy cũng không ít lưu dân người Việt, hoặc đã có mặt làm ăn trước đó, hoặc là quan quân nhà Trần vào tiếp quản vùng đất mới (2). Tuy vậy, hệ thống quận huyện xã thôn thống thuộc bên dưới vẫn chưa được ổn định củng cố vững chắc. Mặc dù vào năm 1242, vua Trần Thái Tông đã có cuộc cải tổ trực tiếp bổ nhiệm quan chức đến cấp xã theo hướng “đặt chức Đại, Tiểu tư xã, từ ngũ phẩm trở lên là Đại tư xã, từ lục phẩm trở xuống là Tiểu tư xã, hoặc có người kiêm 2, 3, 4 xã cùng xã chính, xã sử, xã giám gọi là xã quan” (3). Không rõ nhà Trần chia đặt phủ huyện thế nào, song vào đời Hồ Hán Thương, niên hiệu Khai Đại 2 (1404), “đặt 1 phủ có 2 châu,... Hóa Châu có 7 huyện: Lợi Bồng, Sĩ Vinh, Sạ Lịnh, Trà Kệ, Tư Dung, Bồ Đài, Bồ Lãng”, đến năm Vĩnh Lạc 17 thuộc Minh (1419), quân đô hộ sắp xếp, sáp nhập các huyện lại ở Hóa Châu chỉ còn 3 huyện là Trà Kệ, Kim Trà và Sĩ Vinh; Trà Kệ chính là Đan Điền - Quảng Điền sau này.


Sau kháng chiến chống Minh thắng lợi, nhà Lê sắp xếp tổ chức bộ máy ở Thuận Hóa, đổi châu làm lộ Thuận Hóa trực thuộc đạo Hải Tây, đặt chức Lộ tổng quản tri phủ để điều hành công việc. Năm Quang Thuận 10 (1469), đặt Thuận Hóa thừa tuyên, đặt tam ty (Đô ty, Thừa ty, Hiến ty). Thừa tuyên Thuận Hóa có 2 phủ là Tân Bình và Triệu Phong. Phủ Triệu Phong có 6 huyện là Kim Trà, Đan Điền, Hải Lăng, Võ Xương, Tư Vinh, Điện Bàn và 2 châu là Sa Bồn và Thuận Bình. Như vậy, đến thời điểm này, đơn vị hành chính huyện Đan Điền đã chính thức được thành lập năm Quang Thuận 10 (thời vua Lê Thánh Tông). Đến năm 1480, vua Lê Thánh Tông chia cả nước làm 13 xứ thừa tuyên, bắt đầu đặt đơn vị tổng, dưới huyện thống thuộc xã; thời gian này cuộc binh đao đã tạm yên, dân cư sinh tụ ngày càng đông, nhà vua lại ban sắc lệnh: “Phàm xã nào tính đủ 500 hộ rồi, mà ngoài ra còn thừa đến 100 hộ trở lên, thì do viên quan sở tại trích từng xã một tâu bày, để chia tách ra làm xã khác, cho bản đồ được rộng thêm” (4). Vì vậy, trên cơ sở một số xã được thành lập trước đó, huyện Đan Điền đã phát triển lên đến 65 xã, chia làm 8 tổng.


Nhà Mạc tiếm ngôi vua Lê năm 1527, Mạc Đăng Dung sai em là Tín Vương Mạc Quyết vào trấn thủ Thuận Hóa. Bấy giờ toàn huyện Đan Điền có 52 xã (5). Nhà Mạc tiến hành phân bổ các sắc thuế cho huyện Đan Điền gồm 18 loại, đồng thời sắp đặt bố trí hệ thống hành chính có quy củ hơn, cụ thể là:


- Cấp phủ có: Tri phủ, Đồng tri phủ, Nho học, Huấn đạo (2 viên), Huấn khoa (tạp lưu) Khuyến nông sứ, Hà đê sứ.


- Cấp huyện có: Đan Điền (2 viên).


- Đặt 8 trạm dịch thừa, trong đó có trạm Trà Kệ.


- Phát triển các chợ lớn nhằm đẩy mạnh thương mại, trong đó có chợ Đan Lương và cầu Đan Điền nổi tiếng (nay là làng Phú Lương, xã Quảng Thành).


Năm Quý Tỵ (1533), Lê Duy Ninh được Nguyễn Cam đưa lên ngôi trên đất Sầm Hạ nước Ai Lao, tức Lê Trang Tông, niên hiệu Nguyên Hòa, mở đầu thời Lê trung hưng. Năm Mậu Ngọ, niên hiệu Chính Trị 1 (1558), Đoan quận công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, đóng dinh ở Ái Tử, Quảng Trị; đến năm Canh Ngọ (1570), được giao kiêm lãnh trấn thủ Quảng Nam, nhân dịp này chúa Tiên sắp xếp lại hệ thống các phủ huyện ở Thuận Hóa, Quảng Nam, đổi tên Đan Điền thành Quảng Điền.

2. Giai đoạn từ 1570 đến 1835


Từ khi Đoan quận công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa năm 1558, xứ Đàng Trong ngày một phồn vinh, dân cư sinh tụ đông đúc, do đó nhiều làng xã được thành lập, bấy giờ hệ thống hành chính ngày càng được củng cố. Phủ Triệu Phong có 5 huyện, gồm 398 xã, 23 thôn, 122 phường. Riêng huyện Quảng Điền có 8 tổng gồm 74 xã, 7 thôn, 7 phường (6).


Tình hình chia đặt các huyện thống thuộc trên đây ổn định lâu dài suốt thời kỳ các chúa Nguyễn, chỉ có biến động về việc thay đổi tên gọi hoặc thêm bớt, chia tách, thành lập mới một số tổng, xã thống thuộc(7).


Đến thời Gia Long (1802 - 1820), huyện Quảng Điền gồm có 9 tổng (tăng 1 đơn vị tổng do tách chia ấp An Lộc và lập xã mới Khuông Phò (tên cũ là Phò Lê) để thành lập tông Khuông Phò), huyện lỵ đóng tại xã Phú Ốc (8).


Vua Minh Mạng tiến hành các bước cải cách hành chính, chia đặt sắp xếp lại các tỉnh trong cả nước. Năm Minh Mạng thứ 16 (1835), chuẩn định lời tâu năm trước (1834) của các quan phủ doãn Thừa Thiên (Lê Văn Quý, Vương Hữu Quang) xin chia đặt tỉnh Thừa Thiên làm 6 huyện “tùy theo hình thế sông núi và địa thế gần liền huyện nào thì phân phối lệ vào huyện ấy”. Riêng huyện Quảng Điền được phân định địa giới như sau: “Từ giang phận Phú Lễ về bờ phía bắc sông Phú Ốc (sông Bồ), thuận dòng đến kênh Kim Đôi, ngang qua Thành Công, Yên Lộc, ấp Đông, ấp Tây Cương Gián và phá Tam Giang trở sang phía bắc liền với giáp Tây xã Thế Chí, lại ngang qua Phú Lễ giáp Đường Long, chuyển về phía nam, đến các xã Lai Xá và Cổ Tháp, nguyên trước là huyện Quảng Điền nay đổi làm huyện Phong Điền chia làm 5 tổng” (nhà vua cho giữ nguyên tên gọi Quảng Điền, không đổi tên mới như bản tấu) (9).


Lần này Quảng Điền thu hẹp địa giới vì đã cắt các xã Hương Cần, Vĩnh Trị (tổng An Thành), xã Phú Ốc (tổng Phú Ốc), xã Vu Lai Thượng (tổng Phù Ninh) vào huyện Hương Trà; cắt các xã Hoa Lang, Cao Xá Hạ, Cao Xá Thượng, Đông Lâm Thượng (tổng Hoa Lang), các xã An Lỗ, Cổ Lão, Phù Ninh, (tổng Phù Ninh) để thành lập huyện mới Phong Điền. Toàn huyện chỉ còn lại 5 tổng là An Thành, Đông Lâm, Khuông Phò, Phù Lê, Phước Yên; tổng cộng có 58 xã, thôn, phường, giáp, ấp. Huyện lỵ đóng tại xã Bác Vọng.


3. Giai đoạn từ năm 1835 đến năm 1945



Sau khi sắp xếp lại hệ thống hành chính, tỉnh Thừa Thiên nói chung, huyện Quảng Điền nói riêng bước vào thời kỳ phát triển về nhiều mặt kinh tế xã hội. Năm Tự Đức 4 (1851), dời huyện lỵ đến xã Hạ Lang (nay thuộc xã Quảng Phú).


Cuối đời Tự Đức, tình hình đất nước ngày càng rối ren trước họa xâm lăng, năm Quý Mùi (1883) hải quân Pháp tấn công thành Trấn Hải ở cửa biển Thuận An, quân triều đình chống cự mãnh liệt nhưng đành thất thủ trước hỏa lực hiện đại của Tây phương. Trong trận này, người con ưu tú đất Quảng Điền là tham tri bộ Lễ Trần Thúc Nhẫn, từng được vua Tự Đức giao làm trưởng đoàn điều đình với quân Pháp; sự bất thành, ông đã trầm mình tuẫn tiết tại giang phận ngã Ba Sình để vẹn lòng trung với nước. Mùa hè năm Ất Dậu (1885), Tôn Thất Thuyết lãnh đạo quân dân vũ trang đánh Pháp ở kinh thành; một lần nữa, người con anh liệt đất Quảng Điền là Đặng Hữu Phổ, (con trai phò mã đô úy Đặng Văn Cát cùng công chúa Thuận Lễ, Nguyễn Phúc Tĩnh Hòa) tham gia chỉ huy đội quân Đoàn Kiệt đã phải thọ án tử hình sau khi đại cuộc bất thành, kinh đô thất thủ, vua Hàm Nghi xuất bôn.


Bấy giờ, trưởng tử của Kiên Thái vương là Nguyễn Phúc Biện được người Pháp chọn lên ngôi, lấy niên hiệu Đồng Khánh vào tháng 8 năm Ất Dậu (1885), do đó dân gian đã nhanh chóng truyền nhau câu vè:


“Ngẫm xem thế sự mà rầu,


Ở giữa Đồng Khánh, hai đầu Hàm Nghi”


Mặc dù tình hình đất nước như vậy, song vào cuối đời Tự Đức, Quốc Sử quán cũng đã kịp chuẩn bị tư liệu biên soạn bộ sách Địa chí theo phương pháp triều đình ban chỉ dụ cho các lỵ thần trong nước, từ biên giới phía Bắc đến Bình Thuận là địa bàn do triều đình Huế đang trực tiếp cai quản phải biên vẽ bản đồ tấu trình. Đồng Khánh địa dư chí ra đời trong khoảng thời gian 1886 đến 1887, ghi chép khá đầy đủ về hệ thống hành chính của huyện Quảng Điền như sau: “Huyện Quảng Điền là huyện thống hạt thuộc phủ Thừa Thiên, kiêm nhiếp huyện Phong Điền (Trước đây đặt làm hai huyện, huyện lỵ Quảng Điền đóng ở địa phận giáp Đông xã Bác Vọng,..., năm Tự Đức 4 (1851) vâng mệnh hợp làm một huyện).


Huyện hạt đóng tại xã Hạ Lang, tổng Hạ Lang, nhà tranh ba gian hai chái, hướng đông nam, xung quanh trồng rào tre, đông tây mỗi chiều đều dài 12 trượng 4 thước, nam bắc mỗi chiều đều dài 12 trượng 3 thước. Nhà học xá ba gian hai chái, lợp tranh.


Huyện Quảng Điền 5 tổng, gồm 59 xã, thôn, ấp, giáp, với dân số 6.807 người, ruộng đất 11.542 mẫu 6 sào 3 thước 5 phân 5 ly (10).


Tình hình này ổn định cho đến ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công; bấy giờ toàn huyện Quảng Điền vẫn còn có 5 tổng song số xã ấp phường giáp đã tăng lên một vài đơn vị (66 xã ấp, phường giáp) (11).


Đến đầu thế kỷ XX, theo thống kê từ Annuaire général de l’Indochin (IDEO, Hanoi, 1910) thì dân đinh các tổng của huyện Quảng Điền là:


-Tổng Thanh Cần có 12 làng, 1.232 dân đinh


-Tổng Khuông Phò có 12 làng, 1.349 dân đinh


-Tổng Hạ Lang có 14 làng, 1.211 dân đinh


-Tổng An Thành có 11 làng, 1.728 dân đinh


-Tổng Phước Yên có 15 làng, 1.709 dân đinh


Tổng cộng toàn huyện có 5 tổng, 64 làng, 7.229 dân đinh

4. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, thành lập chính quyền nhân dân


Sau khi Nhật đảo chính Pháp đêm 9/3/1945, tình hình ở Huế diễn biến mau lẹ theo chiều hướng cách mạng phát triển dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Thừa Thiên. Ngày 20/5/1945, hội nghị lịch sử đầm Cầu Hai do Tỉnh ủy tổ chức (huyện Quảng Điền có đồng chí Nguyễn Dĩnh tham dự) đã quyết định chủ trương chuẩn bị tổng khởi nghĩa thành lập Việt Minh tỉnh. Đến đầu tháng 6/1945, hội nghị cán bộ Việt Minh toàn huyện Quảng Điền được tổ chức tại thôn Hà Lạc, thành lập Việt Minh huyện lấy bí danh “Việt Minh Trường Giang”.


Sau hội nghị Thường vụ Tỉnh ủy họp ngày 10/8/1945, Việt Minh huyện Quảng Điền đã tích cực khẩn trương triển khai khởi nghĩa trong toàn huyện. Lúc này, cơ quan Việt Minh và Ủy ban Khởi nghĩa huyện đóng trụ sở tại làng Niêm Phò (tại đình làng và trường học). Ngày 23/8/1945, quần chúng nhân dân toàn huyện tuần hành biểu dương lực lượng kéo về huyện lỵ Hạ Lang giành chính quyền về tay nhân dân, tri huyện Đoàn Thức rút lui, đồng chí Trần Bá Song được cử làm chủ nhiệm Việt Minh kiêm chủ tịch UBND Cách mạng huyện Quảng Điền, lễ ra mắt ngày 25/8/1945.


Trong giai đoạn đầu khởi nghĩa dành chính quyền, các xã (làng) tùy theo điều kiện thực tế đã thành lập các Ủy ban khởi nghĩa đồng thời là UBND Cách mạng xã (vẫn sử dụng tên gọi cũ). Đến tháng 10/1945, thực hiện chủ trương của tỉnh giải thể cấp tổng thành lập xã là cấp hành chính ở cơ sở cho thống nhất với toàn quốc, lúc này huyện Quảng Điền từ 5 tổng được tổ chức thành 13 xã (12).

5. Giai đoạn 1946 - 1975

Sau khi tham gia bầu cử Quốc hội nước Việt Nam DCCH thành công vào ngày 6/1/1946, nhân dân huyện Quảng Điền đã tham gia bầu cử HĐND cấp tỉnh, huyện và xã, chính thức thành lập chính quyền nhân dân cấp huyện và xã tại địa phương. Đến đầu tháng 12/1946, Ủy ban Kháng chiến hành chính được thành lập, kịp thời tổ chức lãnh đạo nhân dân tham gia “Toàn quốc kháng chiến” vào ngày 19/12/1946.


Sau khi mặt trận Huế vỡ, quân Pháp chiếm đóng Quảng Điền, cơ quan lãnh đạo của huyện chuyển lên đóng ở sông Kềm (thuộc địa bàn xã Phong Thu). Vào cuối năm 1947, Thường vụ Tỉnh ủy có chủ trương bàn giao xã Phong Phú (gồm các xã Điền Lộc, Điền Hòa, Điền Hải, Phong Hải thuộc huyện Phong Điền) cho Quảng Điền cho đến cuối năm 1949 giao lại cho Phong Điền chỉ đạo. Khoảng tháng 3 năm 1948, quân Pháp tập kích vào chiến khu Hòa Mỹ, căn cứ sông Kềm bị địch phát hiện đánh chiếm, Tỉnh ủy chỉ đạo hai huyện Phong Điền, Quảng Điền lập căn cứ tại Ba Đa - Câu Nhi (giáp ranh Quảng Trị). Sang năm 1949, phong trào đồng bằng mở ra, toàn bộ cơ quan lãnh đạo của Huyện ủy, Ủy ban Kháng chiến hành chánh, quân sự và công an ở căn cứ Câu Nhi đã lần lượt chuyển về đồng bằng, lúc đầu đóng tại các xã Quảng Giang, Quảng Tín (13).


Đến ngày 7/6/1949, Chủ tịch nước Việt Nam DCCH đã ra sắc lệnh số 47/SL thành lập xã Phong Chương thuộc huyện Phong Điền trên cơ sở hợp nhất hai xã Phong Hải và Phong Khánh (huyện Phong Điền) với các thôn Phú Ân và Phú Lễ (huyện Quảng Điền). Ngày 20/9/1950, Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu IV ra Quyết nghị số 1134 QN/P5 thành lập 2 xã mới ở huyện Quảng Điền, là xã Quảng Hưng (hợp nhất các thôn Thủy Lập, Mỹ Thạnh, An Cư, An Lạc, thuộc xã Quảng Tín với xã Quảng Sĩ); xã Quảng Thái (hợp nhất các thôn Cổ Tháp, Đức Nhuận, Hà Du và Sơn Công thuộc xã Quảng Tín với xã Quảng Giang).


Như vậy, đến thời điểm này, không còn đơn vị hành chính xã Quảng Tín, Quảng Sĩ và Quảng Giang nữa. Toàn huyện được sắp xếp lại 7 xã là: Quảng Đại (gồm Quảng An và Quảng Thành), Quảng Ninh (gồm Quảng Đức và Quảng Phước), Quảng Hòa (gồm Quảng Vinh và Quảng Lợi), Quảng Thuận (gồm Quảng Xuyên và Quảng Thắng), Quảng Hưng (gồm Quảng Sĩ và một phần Quảng Tín), Quảng Thái (gồm Quảng Giang và một phần Quảng Tín), Quảng Ngạn (gồm Quảng Ngạn và Quảng Công).


Tháng 3/1947, thực dân Pháp thành lập Quốc gia Việt Nam do Bảo Đại làm Quốc trưởng, tiến hành phân chia địa giới hành chánh trở lại thời kỳ trước năm 1945. Huyện Quảng Điền có 5 tổng 66 xã ấp, gồm các tổng Khuông Phò, Hạ Lang, An Thành, Thanh Cần, Phước Yên. Đến ngày 19/9/1951, Thủ hiến Trung Việt ra Nghị định số 1393-NĐ-PC thành lập tại tỉnh Thừa Thiên 15 khu vực hành chính; huyện Quảng Điền chia làm 2 là Khu vực hành chính Sịa (2 tổng Khuông Phò, An Thành), Khu vực hành chính Hạ Lang (3 tổng: Hạ Lang, Thanh Cần, Phước Yên (14).


Các Khu vực hành chính này chỉ tồn tại trong vòng 3 năm, đến năm 1953, quân chiếm đóng lại chia tỉnh Thừa Thiên làm 7 quận và thành phố Huế, quận Quảng Điền tái lập trên cơ sở địa giới cũ.


Sau năm 1954, Quảng Điền nằm trong vùng bị tạm chiếm, cùng với miền Nam, chính quyền cách mạng cơ sở bị mất, chỉ còn sự lãnh đạo của tổ chức Đảng nhưng cũng bị địch đánh phá tìm cách tiêu diệt tàn khốc. Cuối tháng 6/1954, Mỹ đưa Ngô Đình Diệm lên làm Thủ tướng, đến ngày 23/10/1955, tổ chức “trưng cầu dân ý” truất phế Bảo Đại rồi lên làm Tổng thống Việt Nam cộng hòa.


Trên địa bàn Thừa Thiên, chính quyền Ngô Đình Diệm đã xóa bỏ toàn bộ đơn vị hành chính của ta đã xây dựng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp để lập lại đơn vị hành chính mới của bộ máy ngụy quyền. Chính quyền Sài Gòn đã tiến hành tổ chức lại toàn bộ cơ cấu hành chính từ cấp tỉnh đến cơ sở, thành lập các quận mới và bỏ hẳn cấp tổng, sáp nhập nhiều xã nhỏ thành một xã lớn trực thuộc quận. Ngày 20/4/1956, Thủ hiến Trung Việt ra Nghị định số 711-NĐ/PC, thành lập 6 quận mới và 2 Nha đại diện hành chính ở Thừa Thiên, trong đó quận Quảng Điền gồm có 7 xã:


1-Xã Quảng Phú: gồm các làng (thôn): Phú Lễ, Hà Cảng, Hạ Lang, Bác Vọng Đông, Bác Vọng Tây, Đức Nhuận, Xuân Tùy, vạn Hạ Lang (nguyên thuộc tổng Hạ Lang), làng Bao La (tổng Thanh Cần), các làng Nghĩa Lộ, Đông Lâm, Nam Phù, Nho Lâm (tổng Phước Yên).


2-Xã Quảng Thọ: gồm các làng Niêm Phò, Mông Dương, Phò Nam, Tân Thành, Phước Yên, La Vân Thượng, La Vân Hấp Lương Cổ (Tổng Phước Yên), ấp Lai Trung, vạn Tân Thọ (tổng Thanh Cần).


3-Xã Quảng Lộc: gồm các làng An Xuân, Kim Đôi, Thủy Điền, Thành Trung, Tây Thành, Phú Ngạn, Thanh Hà, An Thành, Phú Lương, Đông Xuyên, Mỹ Xá (nguyên thuộc tổng An Thành), làng Phước Thanh Đông (tổng Phước Yên), vạn Hòa Xuân (tổng Chánh Lộc, huyện Phong Điền).


4-Xã Quảng Phước: gồm các làng Khuông Phò, Thủ Lễ, Uất Mậu, Thạch Bình, Tráng Lực, An Gia (nguyên thuộc tổng Khuông Phò), làng Lương Cổ (tổng Phước Yên), làng Vân Căn (tổng Thanh Cần), làng Hà Đỗ (tổng Hạ Lang).


5-Xã Quảng Ngạn: gồm các làng Lãnh Thủy, Thành Công, Cương Gián Đông, Cương Gián Tây, Tân Mỹ, An Lộc (nguyên thuộc tổng Khuông Phò), ấp Minh Hương (thuộc huyện Hương Trà).


6-Xã Quảng Vinh: gồm các làng Lai Trung, Cao Xá Hạ, Đức Trọng, Ô Sa, Nam Dương, Thanh Cần, Phổ Lại (nguyên thuộc tổng Thanh Cần), làng Sơn Tùng (tổng Phước Yên), các làng Đồng Bào, Lai Xã, Cổ Tháp (tổng Hạ Lang).


7-Xã Quảng Lợi: gồm các làng Lai Hà, Thủy Lập, Phong Lai (nguyên thuộc tổng Thanh Cần), các ấp An Cư, An Lạc (tổng Phước Yên), các làng Hà Lạc, Phú Ân, ấp Cổ Tháp (tổng Hạ Lang), làng Mỹ Thành (tách ra từ làng Sơn Tùng, tổng Phước Yên), ấp Đức Nhuận (tách ra từ làng Đức Trọng, tổng Hạ Lang)(15).


Trước làn sóng đấu tranh của nhân dân miền Nam đòi nhà đương cục Sài Gòn thi hành hiệp định Giơ-ne-vơ, ngụy quyền Ngô Đình Diệm đã chia nhỏ các quận ở tỉnh Thừa Thiên để thắt chặt sự kiểm soát. Cụ thể là ngày 17/5/1958, Bộ trưởng Nội vụ đã ra Nghị định số 214-HV/P6/NĐ tổ chức lại hệ thống hành chính tỉnh, tỉnh lỵ đặt tại Huế, toàn tỉnh có 9 quận. Quận Quảng Điền có 7 xã, quận lỵ chuyển về tại Quảng Phước (16).


Riêng hệ thống hành chính cách mạng thì từ năm 1960, tỉnh Thừa Thiên được đổi thành Thừa Thiên Huế gồm có thị xã Huế, 6 huyện đồng bằng và 3 quận miền núi, huyện Quảng Điền gồm 7 xã với địa danh như cũ là Quảng Đại, Quảng Ninh, Quảng Hòa, Quảng Thuận, Quảng Hưng, Quảng Thái, Quảng Ngạn.

6. Giai đoạn từ 1975 đến nay

Ngày 26/3/1975, tỉnh Thừa Thiên Huế được hoàn toàn giải phóng. Đầu tháng 4, Tỉnh ủy đã tăng cường bổ sung cán bộ lãnh đạo, cử đồng chí Nguyễn Đình Thu về làm Bí thư huyện ủy, đồng chí Trần Đăng Cạnh về làm chủ tịch UBND cách mạng lâm thời huyện Quảng Điền. Chính quyền nhân dân ở huyện, xã, thôn được nhanh chóng thiết lập. Dưới sự lãnh đạo của các chi bộ Đảng, nhân dân đã họp đề cử ban tự quản thôn. Huyện tạm thời chỉ định UBND cách mạng lâm thời xã; tỉnh chỉ định UBND cách mạng lâm thời huyện. Theo chủ trương của tỉnh, các đơn vị xã lấy theo ranh giới và tên gọi của chế độ cũ để tiện việc quản lý điều hành (17).


Đến đây, huyện Quảng Điền có 7 xã: Quảng Hòa, Quảng Lộc, Quảng Lợi, Quảng Phú, Quảng Phước, Quảng Thọ, Quảng Vinh. Đến tháng 3/1976, tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành điều chỉnh địa giới, sáp nhập 6 xã của quận Hương Điền cũ vào huyện Phong Điền, còn lại 2 xã cũ của quận Hương Điền la Điền Mỹ và Điền Thành (đổi tên mới là xã Quảng Ngạn) và sáp nhập vào huyện Quảng Điền, đồng thời đổi tên xã Quảng Hòa của quận Quảng Điền cũ làm xã Hương Phong rồi cắt nhập vào huyện Hương Trà.


Thực hiện chủ trương hoàn thành thống nhất đất nước về mặt Nhà nước sau ngày giải phóng miền Nam, ngày 20/9/1975, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 245 NQ/TƯ về việc hợp nhất các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên với tỉnh Quảng Bình và khu vực Vĩnh Linh. Tiếp đó, ngày 27/12/1975, Quốc Hội khóa V, kỳ họp thứ 2 ra Nghị quyết giao cho Chính phủ nước Việt Nam DCCH hiệp thương với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam để chuẩn bị hợp nhất Thực hiện Nghị quyết trên. Tháng 2/1976, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đã ra Nghị định về việc giải thể khu, hợp nhất tỉnh ở Miền Nam Việt Nam, tỉnh Bình Trị Thiên được thành lập gồm Quảng Bình, Vĩnh Linh (miền Bắc) và Quảng Trị, Thừa Thiên (miền Nam). Ngày 11/3/1977, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 62-CP hợp nhất huyện Phong Điền, huyện Quảng Điền, huyện Hương Trà thành một huyện mới lấy tên là huyện Hương Điền (huyện lỵ đóng tại Tứ Hạ, Hương Trà). Cho đến ngày 29/9/1990, huyện Hương Điền lại được tách ra thành 3 huyện Hương Trà, Phong Điền, Quảng Điền như cũ.


Ngày 6/1/1983, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 3-HĐBT thay đổi các đơn vị hành chính, ở huyện Hương Điền có 3 xã được chia tách thành lập 6 đơn vị xã mới: Quảng Lợi chia thành 2 xã lấy tên là Quảng Lợi và Quảng Thái; Quảng Lộc chia thành 2 xã lấy tên là Quảng An, Quảng Thành; Quảng Ngạn chia thành 2 xã lấy tên là Quảng Công, Quảng Ngạn. Tất cả các xã này đều thuộc địa giới huyện Quảng Điền sau này.


Ngày 29/9/1990, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 345-HĐBT điều chỉnh lại địa giới các đơn vị hành chính thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, huyện Quảng Điền được thành lập gồm 10 xã: Quảng Ngạn, Quảng Công, Quảng Lợi, Quảng Thái, Quảng Phước, Quảng Vinh, Quảng Phú, Quảng Thọ, Quảng Thành, Quảng An, huyện lỵ đóng tại Quảng Phước.


Đến ngày 17/3/1997, Chính phủ ra Nghị định số 22-CP thành lập thị trấn Sịa - thị trấn huyện lỵ thuộc huyện Quảng Điền, trên cơ sở 1.118,4 ha diện tích tự nhiên và 8.610 nhân khẩu của xã Quảng Phước; sáp nhập thôn Mai Dương thuộc xã Quảng An vào phần còn lại của xã Quảng Phước (18).


Theo số liệu thống kê công bố năm 2009, huyện Quảng Điền có diện tích 16.307,7 km2, dân số 83.276 người (19).


Như vậy, trải qua hàng trăm năm thành lập, chia tách, sáp nhập, đến nay địa giới và địa danh hành chính huyện Quảng Điền đã cơ bản ổn định. Tuy nhiên, với xu thế phát triển theo kết luận số 48 của Bộ Chính trị, xác định phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020 là:“Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong vài năm tới, là trung tâm của khu vực miền Trung và một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch, khoa học - công nghệ, y tế chuyên sâu và giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Phấn đấu đến năm 2020, Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, một trong những trung tâm kinh tế văn hóa, khoa học - công nghệ, y tế, đào tạo lớn của cả nước và khu vực các nước Đông Nam Châu Á; có quốc phòng, an ninh được tăng cường, chính trị - xã hội ổn đinh, vững chắc; có hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng được nâng cao rõ rệt; có đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện”.


Chắc chắn rằng đến năm 2020 địa danh và địa giới hành chính của huyện Quảng Điền cũng sẽ được điều chỉnh theo hướng đô thị hóa, xứng tầm với sự phát triển đi lên theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa của cả tỉnh, cả nước.


■ Huỳnh Đình Kết (*)

(*) Giám đốc Nhà Bảo tàng Huế, Phòng Văn hóa Thành phố Huế.


(2) Do tướng quân Lý Thường Kiệt và Trương Hán Siêu phụng mệnh bình Chiêm vào các năm 1104 và 1353, cùng với cuộc thân chinh Chiêm phạt của vua Trần Anh Tông năm 1312


(3) Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch, tr 17.


(4) Nội các triều Nguyễn, Khâm định Ðại Nam hội điển sự lệ (bản dịch của Viện Sử học), Huế: (1993) Nxb. Thuận Hóa, tập I, tr. 1136.


(5) Bao gồm: Tây Pha, Hà Cùng, An Mục, Tiền Thành, Văn Quật, Hoài Lai, Sa Đôi, Sa Ngạn, Tam Chế, Đan Lương, La Vân, Bác Vọng, Niêm Phù, Đông Dã, Nam Phù, Nghĩa Lộ, Vân Căn, Hoa Lang, Lỗ Xá, Đông Xuyên, Phù Đồ, Hà Cảng, Thượng Lộ, Bồ Điền, Báo Đáp, Phù Đái, Cổ Bi, Lại Bình, Khúc Ốc, Vũ Xá, Thanh Kệ, Dương Loan, Đào Cù, Phấn Cần, Hồ Đỉnh, Tân Bả, Cổ Tháp, Thế Chí, Tráng Liệt, Thạch Bình, Toản Vũ, Hiền sĩ, Sài Tang, Phổ Lại, Nam Bì. Có ý kiến cho rằng hiện nay còn 22 xã (làng) vẫn còn giữ lại tên xưa, 3 xã mất dấu vết, không tra cứu được là Tam Chế, Hồ Đỉnh và Tân Bả còn lại 27 xã (làng) đã đổi tên gọi mới bởi nhiều lý do khác nhau (so với năm 1469 trước đó giảm mất 13 xã không rõ lý do) (Trần Đại Vinh, Hoàng Văn Phúc; Ô châu cận lục, Tân dịch hiệu chú, Huế.: Nxb. Thuận Hóa, 2001, tr. 59).


(6) Chia ra: Tổng Hoa Lang: 8 xã, 2 thôn, 2 phường; Tổng Phù Lê: 14 xã; Tổng Yên Thành: 16 xã, 1 thôn; Tổng Hạ Lang: 7 xã, 1 thôn; Tổng Đông Lâm: 9 xã, 1 thôn; Tổng Phúc An: 7 xã, 1 thôn; Tổng Phù Ninh: 9 xã, 1 thôn, 1 phường; Tổng Phú Ốc: 4 xã, 2 phường.


(7) Như những trường hợp: Hà Cùng đổi làm An Dương, An Mục ð An Lỗ, Hoài Lai ð Vu Lai, Sa Đôi ð Kim Đôi, Sa Ngạn ð Phú Ngạn, Đan Lương ð Phú Lương, Hoa Lang ð Hiền Lương, Ông Gia ð An Gia, Thượng Lộ ð Thượng An, Bái Đáp ð Phú Lễ, Phù Đái ð Phù Ninh, Lỗ Xá ð Mỹ Xá, Phò Lê ð Khuông Phò, Khúc Ốc ð Phú Ốc, Võ Xá ð Văn Xá, Thanh Kệ ð Thanh Lương, Dương Loan ð Dương Sơn, Đào Cù ð Vân Cù, U Cần ð Hương Cần, Tráng Liệt ð Tráng Lực, Toản Vũ ð Thành Công, Sài Tang ð Nho Lâm, Nam Bì ð Nam Dương.


(8) Cụ thể như sau:


1. Tổng An Thành (Yên Thành): 18 xã, 1 phường, gồm các xã An Thành, An Xuân, Đông Xuyên, Kim Đôi, La Vân Hạ, La Vân Thượng, Mỹ Xá, Phú Lương, Phú Ngạn, Tây Thành, Thanh Hà, Thành Công, An Phú, Hương Cần, Phú Sản, Thủy Tụ, Tiền Thành, Vĩnh Trị, phường Thành Trung.


2. Tổng Đông Lâm: 4 xã, gồm các xã Đông Lâm, Nam Phù, Nho Lâm, Nghĩa Lộ.


3. Tổng Hạ Lang: 5 xã, 1 thôn, gồm các xã Bái Đáp, Đức Trọng, Hạ Lang, Thiên Tùy, Đồng Bào, thôn Đức Trọng Hạ.


4. Tổng Hoa Lang: 7 xã, 3 thôn, 1 phường, gồm các xã Cao Xá Hạ, Cổ Tháp, Lãnh Tuyền, Nam Dương, Ô Sa, Cao Xá Thượng, Hoa Lang, các thôn Cao Xá Thượng, Cương Gián, Đông Lâm Thượng, phường Cương Gián Tây.


5. Tổng Khuông Phò: 1 xã, 1 ấp gồm xã Khuông Phò, ấp An Lộc.


6. Tổng Phú Ốc: 7 xã, 2 phường, 1 giáp, gồm Bác Vọng Đông, Bác Vọng, Bao La, Đại Lộc, Lai Hà, Phú Ốc, Thế Chí, các phường Bao La, Thủy Lập, Hà Lạc, giáp Thế Chí Đông.


7. Tổng Phù Lê: 14 xã, 1 phường, gồm các xã An Gia Hà Cảng, Mạc Gia, Mông Tuyền, Phổ Lại, Phù Lê, Sơn Tùng, Thạch Bình, Thanh Đương, Thủ Lễ, Tráng Lực, Vân Căn, Vu Lai, phường Vu Lai Hà Bạc.


8. Tổng Phù Ninh: 5 xã gồm Bồ Điền, Lai Xá, An Lỗ, Cổ Lão, Phù Ninh, Vu Lai Thượng.


9. Tổng Phước Yên: 4 xã, 3 phường gồm các xã Lương Cổ, Niêm Phù, Phù Nam, Phước Yên, các phường Thủy Điền Thượng, An Lộc Tứ Chánh, Chiêu Phù.


(Nguyễn Ðình Ðầu, 1997, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn - Thừa Thiên, Tp.Hồ Chí Minh: Nxb. Tp.Hồ Chí Minh, tr. 152).


(9) QSQ triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, bản dịch Tu Trai Nguyễn Tạo, tập 10, S.: Nha Văn hóa, 1961, t.10, tr26.


(10) I. Tổng Hạ Lang: 13 xã, thôn, ấp, giáp: 1. Xã Hạ Lang; 2. Xã Hà Cảng; 3. Xã Phú Lễ; 4. Xã Lai Xá; 5. Thôn Đức Trọng Hạ; 6. Xã Đồng Bào; 7. Xã Xuân Tùy; 8. Giáp Tây xã Bác Vọng; 9. Giáp Đông xã Bác Vọng; 10. Xã Cổ Tháp; 11. Ấp Cổ Tháp; 12. Ấp Hà Lạc; 13. Ấp Hà Đồ.


II. Tổng Khuông Phò, 11 xã ấp: 1-Xã Khuông Phò; 2-Xã An Gia; 3-Ấp Uất Mậu; 4-Xã Thủ Lễ; 5-Xã Thạch Bình; 6-Xã Tráng Lực ; 7-Xã Thành Công; 8-Xã Lãnh Thủy; 9-Xã An Lộc; 10-Ấp Cương Gián Đông ; 11-Ấp Cương Gián Tây.


III-Tổng An Thành, 11 xã, ấp: 1-Xã An Thành; 2-Xã Tây Thành; 3-Ấp Thành Trung ; 4-Xã Kim Đôi; 5-Xã An Xuân; 6-Xã Đông Xuyên ; 7-Xã Phú Ngạn; 8-Xã Mỹ Xá; 9-Xã Phú Lương ; 10-Ấp Thủy Điền Thượng ; 11-Xã Thanh Hà.


IV-Tổng Phúc Yên, 12 xã: 1-Xã Phúc Yên; 2-Xã Lương Cổ; 3-Xã La Vân Thượng; 4-Xã La Vân Hạ; 5-Xã Phù Nam; 6-Xã Nho Lâm; 7-Xã Niêm Phò; 8-Xã Mông Dưỡng; 9-Xã Nam Phò; 10-Xã Đông Lâm; 11- Xã Sơn Tùng; 12-Xã Nghĩa Lộ.


V-Tổng Thanh Cần, 12 xã, ấp, giáp: 1-Xã Thanh Cần; 2-Xã Phổ Lại; 3-Xã Vân Căn ; 4-Xã Ô Sa; 5-Xã Đức Trọng ; 6-Xã Bao La; 7-Xã Thủy Lập; 8-Xã Phong Lai; 9-Xã Lai Hà; 10-Giáp Lai Trung; 11-Xã Nam Dương; 12-Xã Cao Xá Hạ.


(QSQ triều Nguyễn, 2003, Ðồng Khánh địa dư chí (Ngô Đức Thọ d.), H.: Viện Viễn Ðông Bác Cổ Pháp, Trường Cao học Thực hành Pháp & Viện Nghiên cứu Hán Nôm - Nxb. Thế giới).


(11) Cụ thể như sau:


I. Tổng Hạ Lang, 14 xã ấp: Hạ lang, Xuân Tùy, Bác Vọng Đông, Bác Vọng Tây, Hà Lạc, Phú Ân, Phú Lễ, Đồng Bào, Hà Cảng, Cổ Tháp, Lai Xá, Đức Thuận, và ấp Cổ Tháp.


II. Tổng Khuông Phò, 13 xã: Khuông Phò, Thạch Bình, An Gia, Tráng Lực, Thủ Lễ, An Lộc, Cương Gián Đông, Cương Gián Tây, Thành Công, Lãnh Thủy, Tráng Lực Đông, Tân Mỹ.


III-Tổng An Thành, 11 xã: An Thành, Đông Xuyên, Kim Đôi, Tây Thành, Thanh Hà, Mỹ Xá, Phú Lương, Phú Ngạn, An Xuân, Thành Trung, Thủy Điền.


IV-Tổng Phước Yên, 16 xã: Phước Yên, Nghĩa Lộ, Niêm Phò, La Vân Hạ, Mông Dương, Phò Nam, Nho Lâm, Đông Lâm, Lương Cổ, Nam Phù, Sơn Tùng, La Vân Thượng, Phước Thanh Đông, An Cư, An Lạc, Tân Thành.


V-Tổng Thanh Cần, 12 xã: Thanh Cần, Lai Trung, Lai Hà, Phong Lai, Nam Dương, Phổ Lại, Bao La, Cao Xá Hạ, Thủy Lập, Ô Sa, Vân Căn, Đức Trọng.


(12) Cụ thể là: 1-Xã Quảng An (tổng An Thành cũ); 2-Xã Quảng Thành (tổng An Thành cũ); 3-Xã Quảng Đức (tổng Phước Yên cũ); 4-Xã Quảng Phước (tổng Phước Yên cũ); 5-Xã Quảng Vinh (tổng Thanh Cần cũ); 6-Xã Quảng Lợi (tổng Thanh Cần cũ); 7-Xã Quảng Xuyên (tổng Hạ Lang); 8-Xã Quảng Thắng (tổng Hạ Lang cũ); 9-Xã Quảng Sĩ (một phần các tổng Thanh Cần, Khuông Phò, Hạ Lang, Phước Yên cũ); 10-Xã Quảng Tín (một phần các tổng Thanh Cần, Khuông Phò, Hạ Lang, Phước Yên cũ); 11-Xã Quảng Giang (một phần các tổng Thanh Cần, Khuông Phò, Hạ Lang, Phước Yên cũ); 12-Xã Quảng Ngạn (tổng Khuông Phò cũ); 13-Xã Quảng Công (tổng Khuông Phò cũ) (Phạm Xuân Thạch, Những thay đổi địa danh và địa giới hành chính..., Luận văn thạc sĩ khoa học, Huế 2004, tr12,13).


(13) Dẫn theo Lịch sử Đảng bộ huyện Quảng Điền (sơ thảo), Huế.: Nxb. Thuận Hóa, 1995.


(14) Phạm Xuân Thạch, Những thay đổi địa danh…, Tlđd, tr. 12 - 25.


(15) Phạm Xuân Thạch, Những thay đổi địa danh…, Tlđd, tr. 45 - 49.


(16) Gồm các xã: Quảng Lộc, Quảng Lợi, Quảng Phú, Quảng Phước, Quảng Thọ, Quảng Vinh, Quảng Hòa. Lần này xã Quảng An đã được tách ra và đổi tên gọi Điền An để sáp nhập vào quận Hương Điền, xã Quảng Hòa nguyên trước là xã Hương Hòa thuộc quận Hương Trà gồm các làng Thanh Phước, Thuận Hòa, Tiền Thành, An Lai, Vân Quật Thượng, Vân Quật Đông.


(17) Lịch sử Đảng bộ huyện Quảng Điền, Tlđd, tr. 215.


(18) Phạm Xuân Thạch, Những thay đổi địa danh…, Tlđd, tr. 87.


(19) Diện tích và dân số cụ thể của các xã, thị trấn là: Thị trấn Sịa: 1.189 km2, 9.937 người; Xã Quảng An: 1.424km2, 7.744 người; Xã Quảng Công: 1.260 km2, 5.178 người; Xã Quảng Lợi: 3.238 km2, 7.680 người; Xã Quảng Phú: 1.190 km2, 10.082 người; Xã Quảng Ngạn: 1.110 km2, 5.645 người; Xã Quảng Phước: 1.048 km2, 6.914 người; Xã Quảng Thái: 1.836 km2, 4.623 người; Xã Quảng Thành: 1.082 km2, 9.475 người; Xã Quảng Thọ: 957,7 km2, 6.916 người; Xã Quảng Vinh: 1.976 km2, 9.081 người.

Tài liệu tham khảo


1. Ban trị sự Nguyễn Phước tộc (1995), Nguyễn Phúc tộc thế phả, Huế.: Nxb. Thuận Hóa.


2. BCH Đảng bộ huyện Quảng Điền (1995), Lịch sử Đảng bộ huyện Quảng Điền (sơ thảo), Huế.: Nxb.Thuận Hóa.


3. Danh sách xã thôn Trung Kỳ, bản in rônêô.


4. Lê Quý Đôn (1964), Phủ biên tạp lục, bản dịch Đỗ Mộng Khương, H.: Nxb.KHXH.


5. Nguyễn Ðình Ðầu (1997), Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn - Thừa Thiên, Tp.Hồ Chí Minh: Nxb. Tp.Hồ Chí Minh.


6. Phạm Xuân Thạch (2004), Những thay đổi địa danh và địa giới hành chính ở Thừa Thiên Huế từ 1945 đến 2001, Huế.: Luận văn thạc sĩ khoa học Lịch sử, Đại học Khoa học Huế.


7. QSQ triều Nguyễn (1961), Ðại Nam nhất thống chí (Tu Trai Nguyễn Tạo d.), S.: Nha Văn hóa, Bộ Quốc gia Giáo dục.


8. QSQ triều Nguyễn (2003), Ðồng Khánh địa dư chí (Ngô Đức Thọ d.), H.: Viện Viễn Ðông Bác Cổ Pháp, Trường Cao học Thực hành Pháp & Viện Nghiên cứu Hán Nôm - Nxb. Thế giới.


9. Vô danh thị (1961), Ô châu cận lục, Dương Văn An nhuận sắc, tập thành; Bùi Lương phiên dịch, Văn hóa Á châu Xb.


10. Vô danh thị (2001), Ô châu cận lục, Dương Văn An nhuận sắc, tập thành, Trần Đại Vinh, Nguyễn Văn Phước tân dịch, hiệu chú, Huế: Nxb. Thuận Hoá.






từ Sóng nước tam Giang