Nằm ở Đông Bắc Thừa Thiên Huế, phía Bắc và Tây giáp huyện Phong Điền, phía Nam giáp huyện Hương Trà và Thành phố Huế, phía Đông nhìn ra biển, trên địa thế phía Bắc lưu vực sông Bồ và phía Tây phá Tam Giang, Quảng Điền là huyện vùng trũng của tỉnh nhưng có nhiều ưu thế về tiềm năng tự nhiên và giao thông (1).
1. Vài nét về duyên cách và đặc điểm vùng đất
Nằm ở Đông Bắc Thừa Thiên Huế, phía Bắc và Tây giáp huyện Phong Điền, phía Nam giáp huyện Hương Trà và Thành phố Huế, phía Đông nhìn ra biển, trên địa thế phía Bắc lưu vực sông Bồ và phía Tây phá Tam Giang, Quảng Điền là huyện vùng trũng của tỉnh nhưng có nhiều ưu thế về tiềm năng tự nhiên và giao thông (1).
Theo sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Quảng Điền thời thuộc Hán là đất quận Nhật Nam, thời Chiêm Thành là Lý Châu, thời nhà Trần đổi tên là huyện Trà Kệ (hay Trà Kiệt), thuộc đất châu Hóa. Sang thời Lê đổi tên thành huyện Đan Điền thuộc phủ Triệu Phong. Khi chúa Nguyễn Hoàng vào Nam mới đổi tên thành huyện Quảng Điền. Nhưng địa phận lúc đó còn rất rộng. Năm Minh Mạng thứ 2 (1822), cho lệ vào phủ Thừa Thiên; đến năm thứ 16 (1835), cắt bớt 2 tổng (ghép với đất 3 tổng cắt ra từ huyện Hương Trà để lập huyện Phong Điền). Quảng Điền từ lúc này chỉ còn 5 tổng, quản 58 xã, thôn, phường, ấp, giáp(2). So với 6 huyện thuộc phủ Thừa Thiên lập năm 1835, Quảng Điền có quy mô trung bình, chiều đông - tây hơn 38 dặm, chiều bắc - nam 25 dặm, giới hạn như sau:
“Từ bờ bắc sông Phú Ốc về phần sông Phú Lễ thuận dòng đến cảng Kim Đôi ngang qua Thành Công, An Lộc, Đông Ấp, Tây Ấp của Cương Gián và vũng biển Tam Giang đến phía bắc giáp với Tây giáp xã Thế Chí, lại chạy ngang qua Phú Lễ giáp với Đường Long rồi chuyển về hướng Nam đến các xã Lai Xá, Cổ Tháp”(3).
Theo đề xuất của 2 đại thần Lê Văn Quý và Vương Hữu Quang (năm 1834), Quảng Điền suýt mang tên là Phong Điền, tuy nhiên, vua Minh Mạng vẫn giữ lại tên gọi Quảng Điền vốn do Tiên chúa Nguyễn Hoàng đặt từ xưa(4).
Quảng Điền có nhiều sông ngòi. Sông Bồ bắt nguồn từ dãy núi Sơn Hồ chảy qua bến Phú Ốc đến Phú Lễ chia ra một chi chảy quanh ra phía Bắc đến các làng Cổ Tháp, Sơn Tùng, chảy qua Nam Dương hiệp với sông Nam Phù chảy vòng lại phía Đông Bắc đến thôn An Xuân rồi đổ ra vùng phá Tam Giang. Sông Kim Đôi ở phía Đông Nam huyện là một nhánh của sông Hương. Từ địa giới làng Thanh Phước thuộc huyện Hương Trà chia ra một nhánh chảy về phía Bắc, đến sông Kim Đôi hiệp lưu với sông Thanh Hà chảy đến chỗ Quán Cửa rồi trút vào vùng biển Tam Giang. Đây là hai con sông lớn nối liền với nhiều kênh, hói, ngang dọc khác, là nguồn nước, nguồn phù sa màu mỡ bồi đắp cho nhiều cánh đồng phì nhiêu của các xã Quảng Thọ, Quảng Phước, Quảng An, Quảng Thành, Quảng Vinh, Quảng Phú... Từ giữa thế kỷ XV, Dương Văn An đã ca ngợi địa thế của Quảng Điền gắn liền với dòng sông này: “Sông lớn ở huyện Đan Điền (tức Quảng Điền) nguồn sông rất xa, dòng sông rất dài, miếu cỏ Minh Uy chận trên đầu núi, thành lớn Hóa Châu dài đến cửa sông, có những hoa thôn lục dã đất rộng dân đông, Hợi Thị, Ngọ Kiều người sang của báu, đều ở rải rác phía nam và phía bắc sông ấy”(5).
Quảng Điền lại có nhiều đầm phá thông với biển cả. Theo Đại Nam nhất thống chí, vùng biển Tam Giang (phá Tam Giang) - xưa gọi là “biển cạn” (Hạc Hải), năm Minh Mạng thứ 2 (1821), đổi tên là phá Tam Giang. Từ bờ phía Nam đến bờ phía Bắc dài 35 dặm, từ bờ phía Đông đến bờ phía Tây rộng độ 6 dặm; từ sông Lương Điền chảy xuống vũng biển, phía Tây Nam có 3 ngả sông: Cửa Tả Giang, Cửa Trung Giang, Cửa Hữu Giang. Mỗi sông đều chảy 2 - 3 dặm rồi nhập lại, cho nên gọi là vũng biển Tam Giang; lại chảy qua Đông Nam 25 dặm rồi hiệp với sông Hương chảy ra cửa biển Thuận An. Đầm Bác Vọng, đầm Hạ Lạc nằm giữa địa phận 2 huyện Hương Trà và Quảng Điền, đầm An Gia và An Xuân nằm ở phía Đông và Đông Nam huyện. Quảng Điền có 12km đường bờ biển. Đây cũng là một lợi thế không nhỏ của huyện.
Với địa thế độc đáo như trên, Quảng Điền là địa bàn lý tưởng cho sự phát triển nông nghiệp, giao lưu kinh tế, văn hóa, phòng thủ quân sự... Và trên thực tế, đây là vùng đất văn vật với các di sản văn hóa lịch sử phong phú.
2. Vùng đất với bề dày lịch sử
Trên vùng đất đa dạng về hình thế và giàu yếu tố “Nước” như vậy, Quảng Điền (vốn bao gồm cả đất Phong Điền) đã là địa bàn cư trú lâu đời của cư dân bản địa thời tiền sử. Những phát hiện từ khảo cổ học và nghiên cứu điền dã cho thấy vô số các di chỉ, di tích thời tiền - sơ sử, di tích Champa tại khu vực này, tiêu biểu như thành Hóa Châu, Sịa, Sơn Tùng... và rộng ra (trên đất Phong Điền - khu vực vốn thuộc đất Quảng Điền cũ) là Ưu Điềm, Phước Tích v.v...
Trong thời kỳ đầu xây dựng đất Thuận Hóa, thành Hóa Châu là trung tâm chính trị, kinh tế văn hóa của phủ Triệu Phong hồi bấy giờ (có địa bàn rộng, kéo dài từ Quảng Trị đến huyện Hương Trà). Ô Châu cận lục mô tả về tòa thành này như sau: “Thành ở địa phận huyện Đan Điền, sông cái Đan Điền chảy qua phía tây, lại có một dòng sông con chảy vào trong thành, phía hữu con sông ấy la liệt những trường học, nha môn Đô thừa phủ Triệu Phong. Sông cái Kim Trà rót vào phía nam, đập lớn chằm to ước nghìn vạn khoảnh. Các dòng nước bọc cả bốn bề, giữa có một tòa thành trăm nhận sừng sững như đám mây dài. Đó là nơi địa hình kết hợp, thiên tạo đặt bày vậy”(6).
Kết quả khai quật khảo cổ học khu vực này (1997) cho thấy Hóa Châu là tòa thành có quy mô khá lớn với 2 lớp thành. Thành ngoài trông ra phá Tam Giang, mặt trước dài 570m, mặt sau 590m, mặt trái 1890m, mặt phải 1920m. Thành trong dài từ 260 - 300m, rộng từ 150 - 160m. Các bờ thành đều đắp đất dày hàng chục mét. Bọc quanh 2 lớp thành là các tuyến sông làm hào bảo vệ. Rõ ràng đây là một di tích có giá trị không chỉ trong phạm vi Thừa Thiên Huế.
Sau khi chúa Nguyễn vào Thuận Hóa, trong quá trình Nam tiến và xây dựng Đàng Trong, Quảng Điền đã 2 lần được lựa chọn để xây dựng thủ phủ. Đó là Phước Yên (1626 - 1636) và Bác Vọng (1712 - 1738). Tuy thời gian đóng thủ phủ ở đây không dài (36 năm) nhưng cũng đủ để lưu lại nhiều dấu tích quan trọng. Hai di tích cấp tỉnh (miếu thờ Nguyễn Hữu Dật ở Phước Yên và chùa Thiện Khánh ở Bác Vọng)(7) chỉ là sự phản ánh rất khiêm tốn giá trị di sản to lớn của thời kỳ này trên đất Quảng Điền.
Phủ Phước Yên chỉ giữ vai trò là trung tâm chính trị của Đàng Trong trong 10 năm, nhưng là giai đoạn chuyển tiếp rất quan trọng đối với sự hình thành và phát triển thủ phủ của chúa Nguyễn theo hướng một đô thị(8). Hơn thế, đây còn là thời kỳ gắn liền với tên tuổi của những danh nhân kiệt xuất đương thời, như Nguyễn Phúc Nguyên, Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Tiến…
Phủ Bác Vọng tồn tại 26 năm đầu thế kỷ XVIII, là thời kỳ thoái bộ tạm thời của trung tâm Phú Xuân - Huế, nhưng lại gắn liền với thời kỳ Nam tiến mạnh mẽ của dân tộc và những công lao to lớn của chúa Nguyễn Phúc Chu. Tuy không được xây dựng quy mô bề thế, nhưng đến nay dấu tích về thủ phủ này vẫn còn hiện hữu khá rõ(9).
Quảng Điền còn có nhiều danh thắng, cổ tự từng rất nổi tiếng như đền thờ thần Xích Long ở Bác Vọng, chùa Phú Ốc (gần bến đò Phú Ốc cũ), chùa Sơn Tùng, chùa Bác Vọng...
Đền thờ thần Xích Long không rõ lập tự bao giờ nhưng rất cổ. Năm 1836, vua Minh Mạng đã ban sắc “Xích Long chi thần” và vẫn hay đến cầu đảo những năm hạn hán. Chùa Phú Ốc được ghi trong Đại Nam nhất thống chí là một cổ tự, từ đầu thời chúa Nguyễn đã nổi tiếng là ngôi chùa rất linh thiêng, chúa hay đến cầu mưa và thường được ứng nghiệm. Chùa Sơn Tùng thì nổi danh là một ngôi chùa có cảnh trí u tịch, chúa Nguyễn Phúc Tần đã đích thân cho trùng tu năm 1756 và ban cho tấm biển “Sắc tứ Sơn Tùng tự” cùng 4 cặp câu đối ca ngợi cảnh đẹp tuyệt vời của chùa(10). Chùa Bác Vọng vốn gắn liền với thủ phủ Bác Vọng và vị chúa Phật Nguyễn Phúc Chu. Vì vậy, ngay từ xưa đã nổi tiếng là ngôi chùa có quy mô to lớn, bề thế.
*
* *
Địa linh luôn gắn liền với nhân kiệt. Quảng Điền qua các đời luôn xuất hiện bậc anh hào với những văn trị, võ công oanh liệt.
Đời Trần có các danh tướng Đặng Tất, Đặng Dung (Bác Vọng), là tướng giỏi triều Hậu Trần, theo giúp Trần Giản Định và Trần Quý Khoáng, lừng danh qua các trận đánh chống quân xâm lược Minh ở Bô Cô, Thái Cảng.
Đời Lê có Cao Bách Tuế, Phan Tử Linh là những quan lại mẫn cán, trung nghĩa được ghi vào sử sách.
Đặc biệt, đời Nguyễn, Quảng Điền có đến 14 vị được ghi tên họ, tiểu sử và công trạng trong sách Đại Nam nhất thống chí (phần về phủ Thừa Thiên), tiêu biểu như Nguyễn Văn Thành, làm quan đến Tổng trấn Bắc thành, Thân Văn Quyền, Thân Văn Duy nổi tiếng uyên thâm về văn học, Đặng Văn Thiêm, từng được phong hàm Thự Văn Minh điện Đại học sỹ… Đó là chưa kể những người đỗ Tiến sĩ, Phó bảng không chịu ra làm quan, hay những người ra làm quan nhưng vì rất liêm khiết và có dũng khí đấu tranh chống bọn xâm lược nhưng chưa được ghi vào chính sử triều Nguyễn như Trần Thúc Nhẫn (Niêm Phò) - một đại thần đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp giữ cửa biển Thuận An năm 1883; Đặng Hữu Phổ - là tri huyện Quảng Điền cũng từ bỏ con đường hoạn lộ theo Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết chống giặc Pháp xâm lược, bị xử chém; Phò mã Nguyễn Đình Tứ (Phước Yên) cùng hai em là Nguyễn Đình Long và Nguyễn Đình Cán tham gia vụ Hồng Tập chống lại Tự Đức, bị xử chém... Những quan lại thanh liêm nổi tiếng như Cao Đăng Đệ (Phước Yên), Trần Đạo Tiềm (Đông Lâm Hạ); có người học cao nhưng ghét chế độ thối nát đương thời về “ẩn sĩ” như Ngô Thế Lân (Vu Lai).
Tiếp nối truyền thống cha ông, trong hai cuộc trường chinh chống Pháp, chống Mỹ cứu nước (1945 - 1975), đất Quảng Điền đã sản sinh ra những người con ưu tú, những nhà cách mạng trung kiên, những nhà thơ lỗi lạc mà tiêu biểu là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (Niêm Phò), nhà thơ Tố Hữu (Phù Lai) cùng nhiều nhân vật xuất chúng trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, khoa học, đóng góp quan trọng vào công cuộc kháng chiến, kiến quốc của dân tộc. Và gắn liền với tên tuổi của họ là các di tích lịch sử cách mạng phong phú như Khu di tích lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Địa điểm tổ chức hội nghị Nam Dương, đình làng Thủy Lập…
Đến nay Quảng Điền có 3 di tích cấp quốc gia, 6 di tích cấp tỉnh(11), một số lượng quá khiêm tốn so với tiềm năng thực sự của huyện!
Gắn liền với các di sản phong phú trên là phần hồn của chúng - những di sản văn hóa phi vật thể phong phú, bao gồm phong tục, lễ hội, nghề truyền thống, ẩm thực… Quảng Điền nổi tiếng có hội vật xuân làng Thủ Lễ, lễ hội đua ghe trên phá Tam Giang. Nghề truyền thống thì có các mặt hàng đan lát Bao La, làm lưới Thủ Lễ, làng rau xanh Thành Trung… Những nghề truyền thống này vốn có từ lâu đời. Ngót 5 thế kỷ trước, Dương Văn An đã ca ngợi: “Bác Vọng khéo làm đăng, Thủ Lễ khéo đan lưới, lụa Phù Nam nhiều hồ, giấy Lương Cổ rộng khổ… Lụa Niêm Phò sợi thô, vải Thư Chí mặt nhỏ”. Trong thời Nguyễn, nhiều nghệ nhân danh tiếng về nhã nhạc, ẩm thực trong chốn cung đình đều xuất thân từ vùng đất Quảng Điền.
Các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú trên không chỉ là thể hiện truyền thống, niềm tự hào của một vùng đất văn vật, mà còn thực sự là thế mạnh to lớn cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của Quảng Điền.
3. Vấn đề khai thác và phát huy giá trị
Mặc dù có địa bàn khá xa trung tâm thành phố Huế, không thuận lợi để nối kết với các tour du lịch chính đến cố đô nhưng trong những năm qua, Quảng Điền đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, phát triển du lịch, dịch vụ. Trong vài năm trở lại đây, lễ hội “Sóng nước Tam Giang” do huyện chủ trì đã thu hút khá đông đảo quần chúng nhân dân và du khách tham gia, bước đầu khẳng định được thương hiệu của một vùng đất. Lễ hội này cũng đã trở thành một bộ phận của Festival quốc tế Huế tổ chức vào các năm chẵn.
Tuy nhiên, so với tiềm năng vốn có, việc khai thác các di sản văn hóa truyền thống phục vụ cho phát triển kinh tế văn hóa xã hội của Quảng Điền vẫn còn ở mức rất khiêm tốn. Các lễ hội văn hóa của huyện mới thu hút phần đông là người địa phương, người trong tỉnh, còn đối với du khách thì còn khá hạn chế. Các mặt hàng thủ công truyền thống gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra. Các tour du lịch thực sự đến với Quảng Điền vẫn còn rất ít. Bên cạnh đó, việc quan tâm đầu tư để bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa hoàn toàn chưa tương xứng với các tiềm năng vốn có của huyện…
Vậy, giải pháp nào để Quảng Điền sớm khắc phục được các hạn chế, bất cập trên?
Theo tôi, cần phải có một sự đánh giá nhìn nhận toàn diện về vấn đề này, mà trước hết cần đặt Quảng Điền trong mối quan hệ tổng thể với các địa phương khác trong tỉnh và trong khu vực các tỉnh bắc miền Trung, đặc biệt là trên “Con đường di sản miền Trung”. Trước mắt, theo thiển ý của người viết, Quảng Điền cần tập trung chú vào các vấn đề sau:
- Vấn đề liên kết vùng và liên kết các đơn vị làm du lịch, dịch vụ: Đây là điều hết sức quan trọng vì, du lịch dịch vụ của huyện chỉ có thể phát triển nếu có sự liên kết chặt chẽ giữa các địa phương, nhất là giữa Thành phố Huế, huyện Phong Điền, Hương Trà với Quảng Điền. Cần tận dụng tối đa thế mạnh đặc thù của các địa phương nhưng phải đặt trong sự phối hợp chung nhịp nhàng thì ngành du lịch, dịch vụ mới có thể khai thác tốt các ưu thế vốn có về di sản văn hóa của vùng đất. Nhìn rộng hơn, Quảng Điền cần tạo ra một điểm nhấn để nói kết với “Con đường di sản miền Trung”. Nếu thành công, thì đây sẽ là một bước đột phá đối với du lịch, dịch vụ của huyện.
- Đề xuất một số tour: Ngoài tour “Sóng nước Tam Giang” chủ yếu tại khu vực thị trấn Sịa, Quảng Lợi, Quảng Ngạn, Quảng Điền cần nghiên cứu, tổ chức các tour du lịch khám phá mới, chẳng hạn:
+ Tour du lịch khám khá thành cổ Hóa Châu gắn liền với phố cổ Thanh Hà - Bao Vinh và làng rau Thành Trung cùng các làng trồng cây kiểng lân cận.
+ Tour du lịch khám phá dấu vết các thủ phủ xưa ở Phước Yên, Bác Vọng gắn liền với việc tham quan, tìm hiểu các nghề thủ công truyền thống, mua sắm đặc sản của địa phương (chột nưa, rau má ở Phước Yên; sản phẩm đan lát Bao La…).
- Xã hội hóa việc bảo tồn và phát huy các di sản: Điều này đòi hỏi phải có sự đổi mới tư duy và những cơ chế thông thoáng hơn. Việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị các di sản, không thể chỉ trông chờ hoàn toàn vào nguồn vốn đầu tư của nhà nước, mà địa phương cần phát huy tối đa nội lực, huy động sự đóng góp của nhân dân, nhất là các doanh nghiệp trên địa bàn, những người thành đạt có gốc gác hay liên quan mật thiết với vùng đất. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu đề xuất các cơ chế mới để người dân có thể tham gia vào việc khai thác, phát huy giá trị di sản, bao gồm cả di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.
4. Thay lời kết
Rõ ràng, nhìn từ di sản văn hóa lịch sử, Quảng Điền là vùng đất có nhiều ưu thế với rất nhiều tiềm năng. Bên cạnh đó, với ưu thế giao thông thuận lợi, các sản vật địa phương phong phú, nhất là sự giàu có về mặt nước (hơn 3.500 ha đầm phá và 12km đường biển), khiến vùng đất này càng thêm hấp dẫn đối với du khách và các doanh nghiệp về du lịch, dịch vụ; hơn nữa, Quảng Điền lại có sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo tỉnh. Những lợi thế cả về khách quan và chủ quan như trên đủ để Quảng Điền vươn lên và bứt phá trong sự phát triển. Tuy nhiên, để biến các lợi thế thành sức mạnh thật sự hoàn toàn không đơn giản. Và hy vọng, đây sẽ là vấn đề được Quảng Điền từng bước tháo gỡ trong thời gian tới.
Phan Thanh Hải (*)
(Ảnh: Bản đồ Huyện Quảng Điền và Phong Điền trong "Đồng Khánh địa dư chí"
(*) TS. Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
(1) Địa phận huyện Quảng Điền hiện nay nằm trong khoảng giới hạn từ 16030’58” - 16040’13” vĩ độ Bắc và 107021’38” - 107034’ kinh độ Đông.
(2) QSQ triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Thừa Thiên phủ, tập Thượng. Bản Duy Tân năm thứ 3 (1909), Tu Trai Nguyễn Tạo dịch. Nha Văn hóa, Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, Sài Gòn, 1960, tr 26-27.
(3) QSQ triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Thừa Thiên phủ, tập Thượng, sđd, tr 27.
(4) Theo đề xuất này, Quảng Điền sẽ mang tên là Phong Điền, còn huyện mới sẽ mang tên là Quảng Trạch. Tuy nhiên, vua Minh Mạng vẫn giữ tên cũ của Quảng Điền, còn huyện mới lập thì đặt tên Phong Điền.
(5) QSQ triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, sđd, tập Thượng, tr.62.
(6) Vô danh thị, Ô Châu cận lục, Dương Văn An san định, Bùi Lương phiên dịch. Văn hóa Á châu xuất bản, Sài Gòn, 1961, tr 65.
(7) Hai di tích này được UBND tỉnh TTH ra quyết định công nhận là Di tích cấp Tỉnh ngày 21/3/2011.
(8) Xem thêm bài khảo cứu của cùng tác giả: “Thủ phủ các chúa Nguyễn trên đất Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, 1558-1775, phần 2: Thủ phủ Phước Yên (1626-1636). Tạp chí Thông tin Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học Công nghệ Thừa Thiên Huế, số 2/1998.
(9) Xem thêm bài khảo cứu của cùng tác giả: “Thủ phủ các chúa Nguyễn trên đất Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, 1558-1775, phần 5: Thủ phủ Bác Vọng (1712-1738). Tạp chí Thông tin Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học Công nghệ Thừa Thiên Huế, số 1/1999. Kết quả thám sát khảo cổ học khu vực thủ phủ Bác Vọng cũng cho thấy nhiều phát hiện quan trọng về thời kỳ này, trong đó có dấu tích móng tường ngoài của phủ chính, các loại gạch xây…
(10) Các cặp câu đối này được ghi trong sách Đại Nam nhất thống chí, tiêu biểu là: 1-Thủy tú sơn minh, hải phước vô song nguyên phước địa; Trùng hưng cổ tự, Nam thiên đệ nhất thị Sơn Tùng (nghĩa là: Núi sông tốt đẹp, trong biển phước này không đất nào sánh kịp; Chùa xưa tu bổ lại, Sơn Tùng là cảnh đứng đầu của trời Nam). 2- Pháp vũ tân phân, song thọ chi đầu liên bối diệp. Hương vân liệu nhiễu, đàm hoa ảnh lý hiện kim dung (nghĩa là: Mưa phép rộn ràng, đầu cành song thụ , liền với cây bối diệp; Mây làng phảng phất, bóng hoa ưu đàm xuất hiện kim dung).
(11) Ba di tích cấp quốc gia là Khu lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Miếu mộ Đặng Hữu Phổ, đình làng Thủ Lễ. Năm di tích cấp tỉnh là: Chùa làng Thành Trung, Địa điểm tổ chức hội nghị Nam Dương, đình làng Thủy Lập, chùa Thiện Khánh, miếu thờ Nguyễn Hữu Dật và Chùa Thủ Lễ.
(Sóng nước tam giang)