Làng Triều Sơn Nam và Triều Sơn Đông Hương Vinh

Làng Triều Sơn Nam và Triều Sơn Đông thực ra là hai giáp
trong cùng một làng, vì cư dân ở đây có mối liên hệ về cội nguồn
lịch sử, chung một nguồn gốc dân cư, chung một quá trình hình
thành và phát triển. Vùng đất nầy có tên gọi là xã Triều Sơn, một
trong 67 xã thuộc huyện Tư Vinh có tên trong sách Ô Châu cận lục
do Dương Văn An viết năm 1553.

Triều Sơn được thành lập vào khoảng đời vua Lê Nhân Tông
giữa thế kỷ XV. Thời các chúa Nguyễn (1558-1775), Triều Sơn gồm
4 làng thuộc tổng Vĩnh Trị huyện Hương Trà. Chiếu theo gia phả
của các dòng họ, Triều Sơn được thành lập trên cơ sở 11 họ tộc khai
canh lập làng. Gia phả nhiều dòng họ ghi chép rằng tổ tiên nguyên
là người xã Bạch Cao, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa thuộc đất
Hoan Châu xưa, đến triều Lê Nhân Tông năm Thái Hòa thứ 3 (chiếu
theo Dương lịch là năm 1445) di cư đến vùng Thuận Hóa và thành
lập nên xã Triều Sơn.
Các họ ở Triều Sơn đều cùng khai canh lập địa, nhưng đến năm
1769, sau 3 lần triệu tập họp bàn, 11 họ quyết định phân chia Triều
Sơn gồm 4 giáp: Giáp Đông, Giáp Tây, Giáp Nam, Giáp Trung. Về
mặt địa giới hành chính, Triều Sơn Nam, Triều Sơn Đông nằm gần
nhau dọc sông Hương, thuộc về Hương Vinh. Triều Sơn Tây ở hai
bên đường quốc lộ I thuộc phường Hương Sơ. Triều Sơn Trung nằm
ở xã Hương Toàn.
Ngày nay vẫn còn một ngôi đình chung cho dân của 4 làng
Triều Sơn. Đình làng do Ngài Đỗ Văn An làm quan cùng con cháu
trong 11 họ xây cất để ghi nhớ công đức các vị tiền bối khai canh,
hữu công khai khẩn. Đình được lập tại Triều Sơn Đông, đó là nơi tế
lễ chung của 4 thôn Tứ Triều. Hằng năm lễ tế tại đình làng được tổ
chức vào ngày 01 tháng 7 Âm lịch, để con cháu có dịp gần gũi đoàn
kết, gắn bó nhau.
Triều Sơn Nam có bốn họ chính là Lê, Đỗ, Trần, Phùng
(riêng họ Phùng về sau vô tự) và các họ phái đến sau như Phạm,
Châu Công, Nguyễn Viết, Hứa, Nguyễn Duy, Châu Văn, Nguyễn
Văn, Hồ, Trần. Các phái họ này có mặt tại Triều Sơn Nam muộn
hơn, vào khoảng thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX. Điều này được
thể hiện trong gia phả các dòng họ Phạm, Châu Công, Nguyễn Viết,
Nguyễn Duy...
Ở Triều Sơn Đông, sau khi phân chia 4 giáp, vào triều Lê
Hiển Tông năm Cảnh Hưng thứ 36 (1775), trong 11 họ được phân
về các giáp thì tại Triều Sơn Đông có 6 họ Tiền Khai canh, Hậu Khai
khẩn. Trước đây con cháu các họ đều tranh chấp về vị trí cao thấp
của họ mình, họ đã nhiều lần phát đơn khiếu nại với quan cai trị ròng
rã 8 năm 3 tháng. Sau đó Bộ Lễ chiếu theo hương phổ và những giấy
tờ khác có trong giáp duyệt y thứ tự của các dòng họ là Hoàng, Đỗ,
Lê, Hồ, Trần, Mạc, Phùng (vô tự). Điều này đã được sắc phong của
vua Thành Thái năm thứ 17 (12-5-1905) là “Dực bảo Trung hưng
Linh phò chi thần” và các đại quan cấp văn bằng chính thức vào
năm Duy Tân thứ 8 (ngày 02-4-1914).
(trích Văn hóa - lịch sử Huế qua góc nhìn làng xã phụ cận và quan hệ với bên ngoài)

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét