Làng Thành Trung Quảng Thành

Thành Trung là làng thành lập muộn hơn, không có tên trong sách Ô Châu cận lục (năm 1555) và sách Phủ biên tạp lục (năm 1776), vào thời Gia Long được xếp là khách phường, có tổng diện tích 34 mẫu, 8 sào, 6 thước, 0 tấc, 5phân; đến thời Đồng Khánh (chép trong sách Đồng Khánh sắc chế ngự lãm) là một ấp của tổng An Thành, huyện Quảng Điền. Làng nằm gọn trong khu vực nội thành của thành cổ, hiện nay là một trong 10 thôn của xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền.



Số gia phả đã khảo sát là 8 họ: Đào, Trần (Văn), Nguyễn (Quang), Trần (Hữu), Bùi, Nguyễn (Đình), Nguyễn (Văn) phe Đông, Nguyễn (Văn) phe Trung. Hầu hết gia phả đều ghi chép rõ ràng, được bảo quản cẩn thận, không mất mát hư hỏng nhiều. Qua xem xét có thể kết luận rằng các họ đã đến Thành Trung theo 3 mốc thời gian sớm muộn khác nhau:

- Sớm nhất là họ Đào và họ Trần (Văn); bởi vì trong gia phả đều có ghi quê gốc ở Sơn Nam thừa tuyên. Thừa tuyên Sơn Nam bắt đầu được thành lập từ năm 1469, đến năm 1490 đổi là xứ Sơn Nam; năm 1541 chia làm 2 lộ Sơn Nam Thượng và Sơn Nam Hạ. Gia phả họ Đào đến nay là 20 đời, gia phả họ Trần (Văn) đến nay là 19 đời, như vậy họ đã sinh sống ở Thành Trung từ 400 đến 500 năm; đến đây sớm nhất là cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI.
- Tiếp theo là các họ Nguyễn (Quang) và Nguyễn (Đình). Bởi vì trong gia phả họ Nguyễn (Quang) ghi “Sơn Nam Thượng xứ... tự hỗ tòng”, nghĩa là quê gốc ở xứ Sơn Nam Thượng, theo chúa Nguyễn Hoàng vào Nam trong lần ông ấy vào Thuận Hóa năm 1600; gia phả họ Nguyễn (Đình) lại ghi quê gốc tỉnh Thanh Hoa, cả hai dòng họ này đến nay đã được 17 đời sinh sống tại Thành Trung khoảng từ 340 đến 400 năm vào cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII.
 - Muộn về sau là các họ Trần (Hữu), Bùi, Nguyễn (Văn) phe Đông và Nguyễn (Văn) phe Trung; trong đó có họ Trần (Hữu) quê ở phủ Chương Châu, tỉnh Phúc Kiến đời Minh đến Thuận Hóa, ông tổ họ này tên Trần Hữu Hiền, lấy vợ là bà Cảnh (không rõ họ) quê ở làng Kim Đôi, các họ này sinh sống ở đây 15 đời, khoảng 300 đến 370 năm, cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII.

Ảnh từ panoramio

Trong cách biên soạn đều có sự thống nhất là có hai phần; một là “phổ ông” chỉ ghi tên những người nam giới trong họ đầy đủ rõ ràng qua các đời, hai là “phổ cô” chỉ ghi tên những người nữ giới trong họ.

Trong làng nguyên có một miếu thờ Quan Thánh 3 gian 2 chái quy mô rất to lớn tại phe Tây nhưng đã bị hư hỏng nặng vào năm 1947, hằng năm tế vào ngày 26 tháng 3 Âm lịch. Nay ngôi miếu thờ Quan Thánh được đưa vào bên trong đình làng nhưng với quy mô nhỏ hơn.

Cạnh đình làng là lăng mộ Thành hoàng làng Thế Lại (một làng cổ ở xứ Thuận Hóa), mộ chí ghi “Bản xã đương cảnh Thành hoàng Vũ Duệ Hồ đại tướng”, nhân vật này được đề cập trong sách Đại Việt sử ký toàn thư: “Nhâm Tý, Thiệu Khánh năm thứ 3 (1372)... Tháng 5... lấy người Hóa Châu là Hồ Long làm Tri châu
Hóa Châu” (2).

Một số nhận xét
Qua khảo sát gia phả 14 dòng họ của 3 làng trên địa bàn thành cổ Hóa Châu kết hợp điền dã thực địa, chúng tôi có một số ý kiến
như sau:
- Hầu hết các dòng họ ở các làng nói trên đã đến định cư tại khu vực này vào khoảng đầu thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XVIII, giai
đoạn nhà Mạc suy tàn, các chúa Nguyễn vào trấn trị xứ Thuận Hóa (dời dinh phủ từ Quảng Trị vào Thừa Thiên Huế).
- Mặc dù theo Dương Văn An ghi chép trong Ô Châu cận lục rằng vào khoảng năm 1555 khu vực này là trấn trị của phủ Triệu Phong, rất sầm uất: “Thành ở địa phận huyện Đan Điền, sông cái Đan Điền chảy qua phía tây, lại có một dòng sông con chảy vào trong thành, phía hữu con sông ấy la liệt những trường học, nha môn Đô thừa phủ Triệu Phong.

Sông cái Kim Trà rót vào phía nam, đập lớn chằm to ước nghìn vạn khoảnh. Các dòng nước bọc cả bốn bề, giữa có một tòa thành trăm nhấn sừng sững như đám mây dài. Đó là nơi địa hình kết hợp, thiên tạo đặt bày vậy. Khoảng năm thứ 5 niên hiệu Đại Tự đời Dụ Tông nhà Trần (1358-1369) sai Đỗ Tử Bình xếp đặt làm dinh quận Lâm Bình, Thuận Hóa mới tu bổ tòa thành này”,(3) nhưng không hiểu vì sao họ Nguyễn lại không tiếp tục phát huy thế mạnh của trung tâm đô thị cổ này.
- Căn cứ vào một số di tích, kết quả khảo cổ học và truyền thuyết dân gian tại làng Thành Trung và Phú Lương như trình bày trên thì khu vực này có liên quan đến các thời kỳ lịch sử từ thời Chămpa (bia Phú Lương thế kỷ IX) trải qua thời Trần trở về sau, nhưng dấu tích cư trú của cư dân chỉ xác định được là đã có mặt từ thế kỷ XVI (căn cứ gia phả các dòng họ), phải chăng trước đó đây chỉ là nơi đồn trú của các đơn vị quân đội của thành Hóa Châu và trấn trị phủ Triệu Phong?
- Có thể những thông tin từ các gia phả này chưa đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu chung, nhưng cũng đã góp phần làm sáng tỏ giai đoạn từ thế kỷ XVI ở đây vậy.

(2) Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 2, Bản dịch của Hoàng Văn Lâu, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998, tr. 156.182
(3) Dương Văn An, Ô Châu cận lục, Bản dịch của Bùi Lương, Nxb Văn hóa Á châu, Sài Gòn, 1961, tr. 65

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét