Thành hoàng làng Thanh Phước là ai ?

Do chưa kiểm soát hết di sản Hán Nôm đồ sộ của làng Thanh
Phước nên chúng tôi chỉ trình bày vấn đề trong khuôn khổ những
tư liệu mà chúng tôi đã tiếp cận được, để từng bước góp phần phác
thảo nên diện mạo của vị Thành hoàng làng Thanh Phước.

Xuất phát điểm của chúng tôi là tước vị của một vị Thành hoàng
là nhân thần, và cũng chính là vị Khai canh của làng, theo kết quả
nghiên cứu từ công trình Lịch sử làng Thanh Phước: Bổn thổ Thành
hoàng Quốc vương Đặc tấn Phụ quốc Thượng tướng quân Cẩm Y vệ
Đô chỉ huy sứ Niêm Long hầu.Trong trường hợp này, rõ ràng Thành
hoàng làng Thanh Phước chính là kết quả sau cùng của quá trình tích
hợp, nâng cấp từ vị Khai canh Niêm Long hầu trở thành Thành hoàng
làng. Nếu điều đó xảy ra, sẽ dẫn đến hai khả năng: làng tồn tại đồng
thời hai vị Thành hoàng là Bổn thổ Thành hoàng thuần tuý và vị Bổn
thổ Thành hoàng Quốc vương... Niêm Long hầu, như trường hợp làng
Thế Lại mà phần sau, chúng tôi sẽ đề cập.
Tuy nhiên, cũng cần phải kể đến hai văn bản quan trọng nữa là
sắc phong và văn tế của làng, bởi từ đây, cũng cung cấp thêm nhiều
thông tin tối cần thiết.
Bản sắc phong Thành hoàng thời Thiệu Trị có nội dung như sau:
Sắc: Hồng Phúc xã, Bảo an Chánh trực Thành hoàng chi thần,
hộ quốc tý dân, nhẫm trứ linh ứng, tứ kim phi ưng cảnh mệnh miến
niệm thần hưu, khả gia tặng Bảo An Chánh trực Hựu Thiện chi thần,
nhưng chuẩn Hương Trà huyện, Hồng Phúc xã, y cựu phụng sự.
Thần kỳ tương hựu, bảo ngã lê dân, khâm tai.
Thiệu Trị ngũ  niên, thập nguyệt, nhị thập lục nhật (Ngày 26
tháng 10 năm Thiệu Trị thứ 5).
Như vậy, rõ ràng ở đây, Thành hoàng làng Thanh Phước là
một dạng thổ thần - vị thần bổn thổ, tương tự như hiện tượng phổ
biến ở nhiều làng xã vùng Huế, có mang thêm một số mỹ tự theo
điển chế của triều đình sau mỗi lần gia tặng, ban cấp: Bảo An Chánh
Trực Hựu Thiện Thành hoàng chi thần.

Trong bài vị và chúc văn hiện lưu giữ  tại chùa làng Thanh

Phước, có thể thấy được vị trí của vị Thành hoàng bổn thổ trong
tương quan các vị thần linh được làng thờ tự. Bài vị các vị Khai
canh ghi rõ Khai canh Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân Cẩm
Y vệ Đô chỉ huy sứ Niêm Long hầu Phan Niêm. Đặc tiến phụ quốc
Thượng tướng quân Cẩm Y vệ Kinh lược sứ Đô chỉ huy Lãng Triệt
hầu Phan Lãng. Cũng từ bài vị và chúc văn, có thể thấy được hệ
thống thần linh được thờ tự tại làng, bao gồm:
Nữ thần: Tiên Nhân tại (?) xứ linh ứng chi thần, Ly Cung Điện
nội Hỏa Đức Tiên nương, Thủy Tiên Điện Nội Thủy Long Thần nữ
Tiên nương chi thần, Thiên Ya Na Diễn Phi Chúa Ngọc Tiên nương
chi thần, Kỳ Thạch Trinh Thục gia tặng Kiên Giới Phu nhân chi thần,
Thiên Tiên Công Chúa Hồng Nương Tiên nữ Vân Đình chi thần,
Trung Quân Điện Nội Thổ Đức Tiên nương, Hoàng Hỏa Lôi Phong
Thủy Tiên Hồ Ly cửu vĩ Tiên nương chi thần.
Nam thần: Cai Tri Tham Tướng Lục Tấn Bảo Phạm Hữu Mô chi
thần, Linh Trì Thủy Ty Chân Tể, Thần Thạch Trấn bản xứ chi thần, Thần
Nông Hoàng Đế Bách Cốc Tổ chi Thần Quân, Bản Thổ Thành Hoàng
Quốc Cữu Thiên Chính tôn thần, Bản Thổ Xích Lân Long Mã Thọ Quốc
Công tôn thần, Nam Hải Cự Tộc Ngọc  Lân tôn thần, Tứ Nội hiển Linh
Ứng chi thần, Ngân Thanh Đại Phu Thủ Hợp Đức Tài tử Phan Quốc Thế
chi thần.
Nối kết những thông tin ở trên, có thể khẳng định rằng muộn
lắm cũng cho đến thời Thiệu Trị, vị Thành hoàng của làng Thanh
Phước vẫn là Bảo An Chánh Trực Hựu Thiện Thành hoàng chi thần.
Tuy nhiên, danh xưng Thành hoàng hiện nay được ghi nhận qua văn
tế lại là Bổn thổ Thành hoàng Quốc Cữu Thiên Chính tôn thần. Có
lẽ chính từ hai chữ Quốc cữu này, chắc chắn là một nhân thần, lại có
nét phù hợp với hành trạng của ngài Khai canh Niêm Long hầu nên
có thể đó là căn cứ cho nhận xét: “Là một công thần nhà Lê, có quan
hệ bên ngoại của nhà vua, lại có công lập làng nên về sau được nhiều
triều vua phong tặng Bổn thổ Thành hoàng Quốc vương Đặc tấn Phụ
quốc Thượng tướng quân Cẩm Y vệ Đô chỉ huy sứ Niêm Long hầu”.
Sự tích hợp, nâng cấp vị Khai canh trở thành Thành hoàng của
làng trong trường hợp này, là cả một quá trình, và quá trình đó, phát
xuất từ nhu cầu trực tiếp, chính đáng của cộng đồng cư dân làng xã.
Ở mức độ cao nhất, sẽ được công nhận, khẳng định bởi hình thức
ban cấp sắc phong từ triều đình phong kiến Nguyễn, nhất là vào thời
Nguyễn mạt.
(trích Văn hóa - lịch sử Huế qua góc nhìn làng xã phụ cận và quan hệ với bên ngoài)

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét