Mạng lưới chợ làng ở Quảng Điền thời quân chủ



Có làng là có chợ, chợ làng phát triển thành chợ liên làng (hoặc chợ phiên, chợ tổng, chợ phủ, chợ huyện…). Tìm hiểu về hệ thống chợ làng quê, chợ liên làng có thể hiểu thêm về truyền thống kinh tế, văn hóa của một vùng đất nào đó trong lịch sử. Việc nghiên cứu về chợ làng trên đất Thừa Thiên Huế đã có một vài công trình (1) đề cập đến dù còn sơ lược. Bài viết này trên cơ sở kế thừa các công trình trước đây, bước đầu nghiên cứu về hệ thống chợ làng trên đất Quảng Điền thời phong kiến nhằm góp phần tìm hiểu về hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội trên quê hương, đồng thời rút kinh nghiệm cho việc xây dựng mạng lưới chợ ở nông thôn hiện nay hợp lý, khoa học góp phần nhỏ vào việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn mà Đảng và Nhà nước ta đang xây dựng hiện nay.


1. Khái quát về làng xã Quảng Điền


Có thể nói huyện Quảng Điền là vùng đất xa xưa, lâu đời nhất của tỉnh Thừa Thiên Huế dưới bàn tay lập nghiệp của người Việt thay thế cư dân Champa trong quá trình Nam tiến. Dưới thời Trần, Hồ, đầu thế kỷ XV “châu Hóa gồm 7 huyện Lợi Bồng, Sĩ Vinh, Sạ Lệnh (hay Sạ Linh), Trà Kệ, Tư Dung, Bồ Đài, Bồ Lãng” (2). Quảng Điền thời bấy giờ nằm trọn trong huyện Trà Kệ.

Triều Lê sơ tăng cường di dân, khai hoang, vùng này thu hút cư dân phía Bắc vào. Theo thống kê của Nguyễn Trãi trong Dư địa chí (viết năm 1438), Quảng Điền thời bấy giờ mang tên huyện Đan Điền thuộc phủ Triệu Phong, một trong 3 huyện của tỉnh Thừa Thiên Huế với số làng xã rất lớn “huyện Đan Điền có 63 xã, 9 thôn, 6 sách”(3).

Sau cuộc hành quân năm 1471, đồn điền “Triệu Phong” được thành lập, quan quân và dân lưu tán đã từ vùng Thanh, Nghệ vào nam lập nên những làng mới trên đất Đan Điền như trường hợp làng Tây Thành “thủy tổ của bốn tộc là Lê, Trần, Cao, Nguyễn đến khẩn hoang khai phá vùng đất Tây Thành vốn từ lâu đã bị bỏ hoang hóa” (4).

Sách Thiên nam dư hạ tập (1481) của triều Lê chép phủ Triệu Phong gồm: “huyện Kim Trà 8 tổng, 71 xã, huyện Đan Điền 8 tổng 65 xã, huyện Tư Vang 6 tổng 52 xã”(5). Đến năm 1555 (thời Mạc), tác phẩmÔ Châu cận lục có danh mục làng xã, Thừa Thiên Huế bấy giờ gồm đất 3 huyện Kim Trà, Tư Vinh, Đan Điền có 180 làng xã. Trong đó, huyện Đan Điền gồm 52 làng xã (6), phần lớn quần tụ ở vùng trung du và hạ lưu sông Bồ, ven phá Tam Giang. Tuyệt đại đa số cư dân làm ruộng, đánh bắt cá trên đầm phá, sông, biển, làm các nghề thủ công.

Thời chúa Nguyễn (1558-1775), rất nhiều làng xã ở Thừa Thiên Huế được thành lập. Nguồn gốc cư dân lúc này chủ yếu là những người ở Thanh Hóa tháp tùng theo chúa Nguyễn Hoàng vào Nam. Họ khai phá lập làng ở vùng ven biển, ven phá, ven gò đồi, đồng thời bắt đầu có hiện tượng tách lập làng mới trên cơ sở làng cũ có từ trước. Nửa sau thế kỷ XVIII, Lê Quý Đôn cho biết 3 huyện Hương Trà, Phú Vang, Quảng Điền có 23 tổng, 234 xã, 23 thôn, 77 phường, 1 giáp, 1 châu, 3 sách(7). Trong đó, huyện Quảng Điền gồm có 8 tổng 74 xã 7 thôn 7 phường. Sự phát triển nông nghiệp, thủ công nghiệp và chính sách mở mang kinh tế đối ngoại đã giúp cho hoạt động thương mại Thừa Thiên Huế phát triển mạnh hình thành phố cảng Thanh Hà, hoạt động nhộn nhịp thế kỷ XVII-XVIII. Những chuyển biến quan trọng đó đã tác động mạnh mẽ đến sự hình thành và phát triển hệ thống chợ làng Thừa Thiên Huế nói chung, Quảng Điền nói riêng.

Số liệu làng xã đầu thế kỷ XIX của phủ Thừa Thiên có thể ước đoán qua việc phân tích địa bạ (làm trong các năm 1810-1818) của tác giả Nguyễn Đình Đầu là 354 làng xã. Trong đó, Quảng Điền có 9 tổng(8). Đầu năm 1835, ba huyện mới được đặt thêm là Phong Điền, Hương Thủy, Phú Lộc trên cơ sở tách đất của 3 huyện cũ Hương Trà, Quảng Điền, Phú Vang. Huyện Quảng Điền lúc này có 5 tổng: Phước Yên, An Thành, Thanh Cần, Khuông Phò và Hạ Lang (9). Cuối thế kỷ XIX, vào thời Đồng Khánh (1885-1888), trong Đồng Khánh dư địa chí huyện Quảng Điền gồm 5 tổng, 59 xã, thôn, ấp, giáp với danh mục làng xã rất cụ thể (10).

Người dân Quảng Điền đã tận dụng ưu thế về nguồn lợi thiên nhiên của một vùng đồng bằng màu mỡ định cư lập nên hệ thống làng xã, mở rộng địa bàn cư trú lấy nghề nông làm gốc, khai thác đánh bắt cá và làm thêm các nghề thủ công. Sự phát triển kinh tế nông lâm ngư trong các làng xã đã đưa đến sự mua bán trao đổi diễn ra ngày càng nhộn nhịp tại một số tụ điểm thuận lợi về mặt địa lý, giao thông của làng hoặc giữa làng này với làng khác, khởi đầu cho sự hình thành các chợ làng, liên làng.

Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa dần từng bước trên vùng đất Thừa Thiên Huế đã tạo nên sự thay đổi về diện mạo của một số làng với sự xuất hiện dinh sở, thủ phủ, đô thành dưới thời các chúa Nguyễn rồi kinh thành Phú Xuân dưới thời Tây Sơn và thời Nguyễn... cũng là điều kiện góp phần thúc đẩy kinh tế của Thừa Thiên Huế ngày càng có những chuyển biến đáng kể. Trong đó, chợ làng với vai trò là cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng ngày càng khẳng định là nhân tố đòn bẩy thúc đẩy sản xuất phát triển, đáp ứng ngày càng nhiều nhu cầu cuộc sống của nhân dân và triều đình.

2. Mạng lưới chợ làng Quảng Điền từ 1306 đến 1945


2.1. Chợ làng nửa đầu thế kỷ XVI


Vào thế kỷ XVI, tác giả Dương Văn An trong sách Ô châu cận lục đã mô tả thành Hóa Châu: “Hóa thành ở địa phận huyện Đan Điền… Phía hữu ngạn sông con này nào các dinh thự, trường học, ty Đô, ty Thừa, nha môn phủ Triệu Phong mọc san sát…. Quanh bốn phía đều có sông nước bao bọc, giữa là tòa thành cao ngất trăm trĩ, tỏa rộng như một đụn mây dài. Vị trí đó thật xung yếu như có bàn tay thợ tạo sắp đặt vậy” (11). Riêng về phần thị (kinh tế chợ, phố...), theo sự mô tả của tác giả, chúng ta cũng biết được ở Thừa Thiên Huế lúc bấy giờ có một số ngôi chợ lớn như: Thế Lại, Đan Lương, Lại Ân, Mậu Tài, Lại Thị, Bái Đáp; trong đó, huyện Quảng Điền có 2 ngôi chợ lớn Đan Lương và Bái Đáp.

* Chợ Đan Lương


Tục danh chợ Cầu, ở làng Phú Lương, Quảng Thành. Tên gọi này có lẽ xuất phát từ địa thế của chợ: chợ nằm bên cây cầu có tên Đan Điền, cây cầu nổi tiếng bậc nhất ở châu Ô thời bấy giờ: “Cầu ở chợ làng Đan Lương, huyện Đan Điền, phía đông chợ có một con ngòi, ngang ngòi có một nhịp cầu, đầu cầu là nhà ở. Dịp giữa cầu nổi cao như sống lưng cá kình rất tiện lợi cho người qua lại. Sớm hôm không ngớt, đúng là cái cầu số một của châu Ô vậy”. Về thời gian họp chợ, Dương Văn An cũng cho biết: “người Đan Lương dậy từ nửa đêm”(12). Trải qua thời gian cùng nhiều biến động lịch sử, ngày nay, chợ Đan Lương đã phần nào có sự thay đổi: cây cầu có mái nhà hình cầu vồng đã được thay thế bằng cây cầu làm bằng ciment; thời gian họp chợ cũng thay đổi, bắt đầu từ 14h-17h trong ngày, chủ yếu phục vụ nhu cầu trao đổi mua bán của nhân dân trong làng. Câu ca trong dân gian xứ Huế: “Mua vôi chợ Quán chợ Cầu” chứng tỏ chợ Cầu trong quá khứ phải là điểm tụ họp khá nhộn nhịp đông đúc, không chỉ giới hạn cho cư dân trong làng mà còn thu hút được cả các vùng lân cận.

* Chợ Bái Đáp


Chợ ở làng Phú Lễ (xã Quảng Phú), một làng cổ bên sông Bồ. Trong thế kỷ XVI, thời gian họp “chợ Bái Đáp họp vào buổi trưa”(13) và được duy trì đến thế kỷ XIX. Năm 1806, trong phần mô tả đường thủy từ sông Văn Xá đi ngược lên nguồn sông Bồ, tác giả Lê Quang Định viết: “Bên trái có chùa xã Phú Ốc, bên phải là chợ xã Bái Đáp, chợ đông vào buổi trưa”(14). Các mặt hàng bày bán tại chợ Bái Đáp cũng được sách Đại Nam nhất thống chí ghi lại: “Chợ Phú Lễ huyện Quảng Điền vốn tên chợ là Bái Đáp, sau đổi tên hiện nay, bán thịt lợn chín ngon hơn các nơi khác”(15). Về sau, khi chợ An Lỗ (Phong Điền) ngày càng phát triển thì sự thu hút của chợ Bái Đáp suy giảm, thương nhân chợ Bái Đáp cũng dần chuyển đi và tiếng danh về một chợ có các hàng thịt chín ngon cũng vắng dần.

Như vậy, trong thế kỷ XVI, qua ghi chép của Dương Văn An, chúng ta biết được rằng nằm kề cận với trung tâm chính trị - quân sự Hóa Thành về phía bắc (huyện Quảng Điền), một số chợ làng đã phát triển mạnh. Các chợ này có thể ra đời từ thời Trần, Hồ; tuy nhiên, phải đến cuối thế kỷ XVI, khi mà người dân vùng Thuận Hóa đã bắt đầu cuộc sống an cư lạc nghiệp thì mới có nhịp độ phát triển nhanh. Về mặt xã hội, sự ra đời và phát triển một số chợ làng ở huyện Quảng Điền trong thế kỷ XVI đã góp phần hình thành nên phần thị của Hóa Châu, đánh dấu bước phát triển của vùng đất Thừa Thiên Huế trong buổi đầu của quá trình đô thị hóa.

2.2. Chợ làng trong các thế kỷ XVII - XVIII


Với địa thế thuận lợi có dòng sông Bồ uốn khúc, huyện Quảng Điền trong quá khứ đã là vùng đất được các chúa Nguyễn chọn làm nơi dựng thủ phủ: Phước Yên (1626-1636) và Bác Vọng (1712-1738). Nằm giữa vùng đồng bằng được xem là màu mỡ nhất của Thừa Thiên Huế, như Dương Văn An từng ca ngợi: “đồng nội xanh tươi, xóm thôn trù mật, chợ nọ cầu kia, người sang vật quí đều tọa lạc hai bờ nam bắc”, dọc theo phần hạ lưu sông Bồ, hai thủ phủ này cách nhau khoảng 6 km. Tuy chỉ tồn tại trong thời gian ngắn như là bước trung chuyển vào Huế nhưng có thể nói, hai thủ phủ chúa Nguyễn ở Quảng Điền có vai trò rất quan trọng đối với thực lực họ Nguyễn và quá trình đô thị hóa, thương mại làng xã nơi đây. Nhu cầu phục vụ cho sinh hoạt của bộ máy chính quyền (các chúa, các thân vương, quan lại cao cấp), quân đội bảo vệ vương phủ... không thể không có các chợ.

Tuy vậy, các tài liệu địa chí thời Nguyễn không thấy đề cập đến sự tồn tại của các chợ ở Phước Yên và Bác Vọng, thay vào đó chỉ có các chợ làng cận phủ như Thanh Kệ, Hương Cần, Văn Xá, Hạ Lang... Điều này có thể do tính chất an toàn về chính trị-quân sự của vương phủ nên chính quyền chúa chỉ cho phép chợ họp trên đất các làng kề cạnh Phước Yên và Bác Vọng. Cụ thể phủ Phước Yên nằm giữa hai chợ Thanh Kệ và Hương Cần, phủ Bác Vọng nằm kề cận hai chợ Hạ Lang và Văn Xá.

* Chợ Thanh Kệ


Chợ Thanh Kệ thế kỷ XVII thuộc xã Thanh Kệ, tổng Hạ Lang (Thanh Kệ nay là Thanh Lương, Hương Trà). Dọc theo sông Bồ xuống ngã ba Thanh Phước, vị trí của chợ được tác giả Lê Quang Định xác định: “950 tầm, bên trái từ đây đi xuống đều có cư dân và đất khô, bên phải có chợ Thanh Lương, tên cũ là chợ Thanh Kệ, chợ đông vào buổi trưa. 900 tầm (gần 2km), bên trái có phủ Phước Yên. 1525 tầm (hơn 3km) hai bên đều có dân cư và đất khô, bên phải có chợ Hương Cần, chợ đông vào buổi sáng”(16). Chợ Thanh Kệ không chỉ nơi trao đổi mua bán giữa dân làng Thanh Kệ với các làng kề cận mà còn là nơi cung cấp nhu yếu phẩm sinh hoạt cho các tầng lớp quan lại, binh lính ở phủ Phước Yên.

* Chợ Hương Cần


Chợ Hương Cần thuộc xã Hương Cần, tổng Đông Lâm (nay thuộc Hương Trà). Trong thế kỷ XVI, thuộc địa phận huyện Đan Điền có trạm Linh Giang - bến trạm quan trọng nhất của miền Ô Châu lúc bấy giờ: “Trạm ở gần xã U Cần, địa phận huyện Đan Điền. Bên cạnh có sông Tam Kỳ, trước mặt có một giả nước. Từ hai xã Trà Kệ, Diêm Trường đều có đường thủy đi tới, rất tiện cho thuyền bè. Quan khách lui tới, sớm tối đi về, chính là trạm số một của châu Ô vậy”(17). Điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, giao thông thủy lộ chắc chắn đã đưa đến sự ra đời rất sớm của một chợ làng nằm kề cạnh trạm Linh Giang - chợ làng Hương Cần. Tuy nhiên, cho đến giữa thế kỷ XVII, khi Phước Yên được chọn làm thủ phủ thì chợ làng Hương Cần mới có điều kiện phát triển mạnh.

* Chợ Hạ Lang


Cách thủ phủ Bác Vọng về phía tây bắc khoảng 2km có chợ Hạ Lang bên bờ phải và chợ Văn Xá ở bờ trái sông Bồ(18). Sự tồn tại của bến đò Văn Xá (ngang qua Hạ Lang) hay bến đò Bác Vọng (ngang qua Văn Xá) đã phần nào nói lên được mức độ giao lưu, trao đổi hàng hóa, vật phẩm giữa các cư dân các làng này với nhau. Chợ Hạ Lang ra đời nằm trong hệ thống trao đổi đó. Đặc biệt, từ khi thủ phủ Bác Vọng được xây dựng, vai trò đầu mối cung ứng các nhu cầu sinh hoạt cho vương phủ của các chợ này càng được xác định rõ nét.

Thế kỷ XVII - XVIII, thuộc địa hạt Quảng Điền còn có một số chợ làng như: Chợ Sa Đôi, tổng An Thành (xã Quảng Thành), chợ Thành Công, chợ Lãnh Tuyền.... Các chợ này không chỉ hoạt động trong phạm vi làng mà còn có tính chất vươn ra liên kết các chợ làng kề cận về phía tây bắc như chợ Thế Chí, Đại Lộc, Kế Môn, Vĩnh Xương, Hương Triền (chợ Thanh Hương) (vùng Ngũ Điền) nằm trên tuyến đường bộ ven phá Tam Giang từ bến Vĩnh Trị (Hương Trà) rẽ theo nhánh hướng bắc đến chợ Hương Triền (Phong Điền) cũng là nơi giáp Quảng Trị. Như vậy, trên tuyến đường thủy, các nguồn hàng từ miền Tây Quảng Trị (nổi tiếng là chợ Phiên Cam Lộ) với đặc sản hồ tiêu, dầu rái… theo các sông Hiếu, Thạch Hãn, Ô Lâu ra phá Tam Giang rồi đi ngang qua các chợ ở huyện Quảng Điền trước khi theo sông Hương ngược lên phố Thanh Hà, Bao Vinh để phân phối ra ngoài tỉnh và cung ứng cho các chợ vùng phụ cận kinh đô Huế.

2.3. Chợ làng thế kỷ XIX đến đầu 1945


Thế kỷ XIX, trên địa hạt Quảng Điền ngoài các chợ cũ như Phù Ninh, Bái Đáp, Hạ Lang, Văn Xá, Thanh Lương (Thanh Kệ), Hương Cần, Phú Lương, Thanh Hà, Kim Đôi, Thành Công, Lãnh Truyền, chợ Tam xã Khuông Phò - Tráng Lực - Thạch Bình... còn xuất hiện thêm các chợ mới như: Nước Lạnh, Niêm Phò, Tráng Lực... Cuối thế kỷ XIX, chợ Ngũ xã thay thế chợ Tam xã (Tráng Lực-Thạch Bình-Thủ Lễ), đồng thời tiếp tục xuất hiện một số chợ mới như: An Xuân, An Thành, Mỹ Xá, Phong Lai, Lai Hà, Sơn Tùng, Nam Phù. Đầu thế kỷ XX, theo thống kê của Đại Nam nhất thống chí đời Duy Tân (1909) thì Quảng Điền có 15 chợ nổi tiếng. Trong đó, chợ Tam xã, Ngũ xã được xem là chợ liên làng tiêu biểu không chỉ cho huyện Quảng Điền mà cả Thừa Thiên Huế.

* Chợ Hội Thông (Ngũ xã - nay là chợ Sịa)


Chợ thuộc địa giới làng Tráng Lực, thị trấn Sịa. Trước khi chợ Ngũ xã ra đời, cư dân nơi đây đã có chợ cũ, tọa lạc trên đất giáp ranh 3 xã Khuông Phò-Tráng Lực-Thạch Bình (chợ Tam xã) ra đời vào khoảng thế kỷ XVI-XVII. Năm Giáp Tuất (1814) chợ Tam xã bị hỏa hoạn(19). Năm 1867, một chợ khác ra đời cách chợ Tam xã 300m, ở địa phận làng Tráng Lực; về sau dân làng Thủ Lễ và Thạch Bình tham gia càng nhiều vào chợ này, gọi là chợ Tam xã mới. Năm Tự Đức 30 (1877), chợ Tam xã mới được chính thức thành lập. Cũng từ đó, chợ Tam xã cũ chỉ còn lại người dân làng Khuông Phò tham gia với cái tên chợ Côi (chợ phía trên)(20). Về sau, dân 2 làng Uất Mậu và An Gia lần lượt xin gia nhập chợ Tam xã mới và chợ Ngũ xã gồm Tráng Lực - Thạch Bình - Thủ Lễ - Uất Mậu - An Gia chính thức ra đời trên địa phận làng Tráng Lực vào năm 1894 (21).

Năm Thành Thái thứ 7 (1895), đội ngũ hương chức Ngũ xã ban hành một số ước định nhằm quản lý và duy trì hoạt động của chợ. Thông qua các văn bản Hán Nôm này, chúng ta biết được qui mô của chợ Ngũ xã rất lớn do các cá nhân bán hoặc cúng đất nhằm mở rộng chợ. Tư liệu Hán Nôm địa phương cũng cho thấy rõ quá trình hình thành và phát triển của chợ làng ở vùng Sịa (22). Theo sách Đại Nam nhất thống chí đời Duy Tân, chợ An Gia (Sịa) đã có phố ngói, người Tàu ở đông. Như vậy, đến đây chợ Ngũ xã đã trở thành nhân tố quan trọng trong sự phát triển của vùng Sịa trước khi trở thành thị tứ sầm uất như ngày nay.

Thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, cùng với sự phát triển của sức sản xuất và sự mở rộng địa bàn dân cư, số lượng các chợ làng ở Thừa Thiên Huế không ngừng gia tăng về mật độ lẫn không gian. Trải qua các triều đại đến đầu thế kỷ XX, Quảng Điền có tất cả 18 chợ (nay còn 16 chợ) được sử sách ghi lại phân bố khắp các đồng bằng và đầm phá. Từ thế kỷ XIX, trong khi các chợ làng ở Thừa Thiên Huế hoạt động mạnh trở thành đầu mối, của các chợ vùng, chợ huyện, trung tâm giao lưu giữa các địa phương trong vùng và với kinh đô Huế thì một số chợ và trung tâm buôn bán trước đó thời chúa Nguyễn như chợ phường Phụ Lũy, phố cảng Thanh Hà vì điều kiện tự nhiên xã hội khác nhau bắt đầu suy tàn.

3. Vài nhận xét về đặc điểm của mạng lưới chợ làng Quảng Điền


- Về tên gọi các chợ: So với các vùng khác, tên chợ ở Quảng Điền rất phong phú với nhiều tên khác nhau, không chỉ theo tên gọi làng thông thường mà sử dụng nhiều tên tục theo đặc điểm địa hình, đặc điểm sinh hoạt kinh tế văn hóa hoặc tên tục của làng. Chẳng hạn như chợ làng Phú Lễ gọi Bái Đáp (tên sông), chợ Đan Lương (chợ Cầu), chợ Lãnh Tuyền/Vĩnh Tu, chợ Thanh Kệ/chợ Kệ, chợ Thành Công/Cồn Gai, chợ Lai Hà/chợ Sáo, chợ Hội Thông/Ngũ xã/Sịa, chợ Phong Lai/chợ Nịu, chợ Sơn Tùng/chợ Nan…

- Về địa điểm họp chợ: Chợ làng Quảng Điền được lập ngay trong các làng ở địa điểm đầu hoặc giữa làng, thuận lợi về giao thông thủy, bộ. Phần lớn các chợ đều tập trung ven sông Bồ, ven phá, ven biển; chợ liên làng như Tam xã, Ngũ xã họp ở giao lộ, ranh giới giữa các làng. Một số chợ làng nổi tiếng hơn trong huyện đều tập trung gần các trung tâm chính trị phủ chúa như chợ Cầu, Báo Đáp phía bắc Hóa Thành; 2 chợ Thanh Kệ, Hương Cần gần phủ Phước Yên, 2 chợ Văn Xá, Hạ Lang nằm gần phủ Bác Vọng.

- Về thời gian họp chợ: Không như các chợ phía bắc, có kiểu thức chợ phiên, chợ làng Quảng Điền họp hàng ngày. Có chợ Hôm (buổi chiều), chợ Mai (buổi sáng), chợ họp buổi trưa như 2 chợ Bái Đáp, Thanh Kệ; có chợ họp vào lúc “nửa đêm” tức từ rất sớm trong ngày như chợ Đan Lương… phù hợp với các loại hàng hóa bày bán trong chợ; chợ nông sản, đồ dùng sinh hoạt thường họp buổi sáng, chợ cá thường họp buổi chiều...

- Về cấu trúc và qui mô: Các chợ đều có đình chợ, cách bố trí lều, quầy hàng theo hình chữ U hoặc chữ nhật; vật liệu thường bằng tranh nên hay xảy ra hỏa hoạn. Một số chợ ven phủ, ven đô có quầy hàng, phố ngói, bán suốt ngày, đặc biệt khi có thương nhân người Hoa kinh doanh buôn bán như chợ An Gia (tức chợ Ngũ xã, chợ Sịa sau này). Các chợ đều chủ yếu thuộc phạm vi chợ làng, một khu chợ liên làng Tam xã phát triển thành Ngũ xã, không có chợ huyện, chợ phủ, chợ dinh theo đúng nghĩa của nó; yếu tố chợ ven đô còn mờ nhạt khi các thủ phủ dời đi nơi khác.

- Mặt hàng bày bán: Hàng hóa bày bán là các mặt hàng nông sản, thổ sản, lâm sản, thủy sản, nông cụ, đồ dùng bằng gỗ, đồng, tre đan, kim chỉ may vá, hàng may mặc, đồ ăn thức uống… phục vụ cho nhu cầu lương thực thực phẩm, sản xuất và sinh hoạt hàng ngày của người dân trong làng, trong khu vực liên làng cũng như quan quân tại các thủ phủ.

- Về phương thức trao đổi, mua bán: Do nằm ở một huyện vùng đồng bằng nên mạng lưới chợ làng Quảng Điền phục vụ chủ yếu cho nhu cầu trao đổi nông sản và nông cụ, hàng tiêu dùng của nông dân trong làng có chợ và một số làng lân cận. Có thể đã có một bộ phận thương nhân buôn bán dọc theo sông Bồ đến thượng nguồn, hoặc dọc theo phá Tam Giang, dọc sông Ô Lâu, ra Quảng Trị, lên Huế để trao đổi nguồn hàng miền xuôi - miền ngược nhưng luồng hàng buôn bán dọc sông đó chưa thật sự nổi bật. Trong mạng lưới chợ làng Quảng Điền, nổi bật không chỉ trong huyện mà của cả tỉnh, chính là chợ liên làng Tam xã (cũ - mới) phát triển thành Ngũ xã, đáp ứng được nhu cầu lưu thông hàng hóa trong khu vực. Cũng chính vì thế mà chợ Ngũ xã đã đẩy nhanh được quá trình đô thị hóa hình thành thị trấn như ngày nay.

Mạng lưới chợ là hệ quả của kinh tế hàng hóa giản đơn phát triển và tiến trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ trên đất Thừa Thiên Huế thời quân chủ. Vai trò của chợ làng tác động trở lại đối với tình hình chính trị, các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, đời sống nhân dân làng xã là rất lớn. Tuy nhiên, trong hoạt động kinh tế ở các chợ làng, liên làng Quảng Điền tầng lớp thương nhân chuyên nghiệp chưa xuất hiện (chỉ một bộ phận nhỏ thương nhân người Hoa hoặc người Việt). Quảng Điền chưa xuất hiện làng buôn như các làng Cảnh Dương, Lý Hòa ở Quảng Bình, hay làng có nhiều người đi buôn như Mỹ Lợi, Hà Thanh, Thai Dương Hạ. Do vậy, quá trình đô thị hóa làng xã diễn ra chậm chạp.

Tóm lại, chợ làng hình thành trước hết là do nhu cầu thiết yếu, có tính tự phát của nhân dân làng xã nhằm thỏa mãn nhu cầu trao đổi có tính tự cung tự cấp của kinh tế làng xã. Chợ làng do làng xã tự tổ chức quản lý thông qua hương ước hoặc lệ họp chợ. Nhu cầu thiết yếu đó qui định địa điểm, thời gian, cấu trúc và qui cách họp chợ rất phong phú và đa dạng; cũng như phương thức trao đổi mua bán tại chợ. Chợ làng chính là mạng lưới thương nghiệp nông thôn hiệu quả đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế tiểu nông, củng cố hơn nữa sự cố kết nông - công - thương nghiệp vốn đã vô cùng bền vững của tổ chức làng xã Việt Nam trong lịch sử. Vì thế, trong công cuộc quản lý nông thôn nói chung, tổ chức quản lý chợ làng hiện nay, một mặt phải hết sức chú ý đến nhu cầu thiết yếu đó của người dân để có tổ chức, qui hoạch mạng lưới chợ, các trung tâm mua bán, siêu thị hợp lý đồng thời phải dựa trên nền tảng phát triển nền kinh tế tiểu nông sản xuất nhỏ thành nền sản xuất nông nghiệp mang tính hàng hóa cao. Có như thế, chúng ta mới có thể đẩy nhanh được tốc độ đô thị hóa nông thôn, xây dựng nông thôn phát triển bền vững như mong muốn.

Nguyễn Văn Đăng (*)

Phạm Thị Minh Tâm (**)




(*) TS. Phó Trưởng khoa - Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Huế.


(**) ThS. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.



Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Văn Đăng, “Chợ Đông Ba với tiến trình phát triển đô thị Huế”, Tạp chí Huế Xưa & Nay,số 94(7-8/2009).

2. Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn Thừa Thiên, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 1997, tr.67.

3. Lê Quang Định, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, Phan Đăng dịch, Nxb Thuận Hóa - Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2005.

4. Lê Quí Đôn toàn tập, Tập 1, Phủ biên tạp lục, H.: Nxb.KHXH, 1977.

5. QSQ triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí (đời Duy Tân), Thừa Thiên phủ, Tập Thượng, Nha Văn hóa - Bộ Quốc gia giáo dục.

6. Trương Thị Thu Thảo, Chợ làng ở Thừa Thiên Huế thế kỷ XVI-XIX, Luận văn Thạc sĩ sử học, Đại học Sư phạm Huế, 2010.

7. Vô danh thị, Ô châu cận lục, Dương Văn An nhuận sắc & tập thành, Bùi Lương dịch, Văn hóa Á châu xb, 1961.





(2) Lê Quí Đôn toàn tập, Tập 1, Phủ biên tạp lục, H.: Nxb.KHXH, 1977, tr. 38.


(3) Nguyễn Trãi, Dư địa chí, H.: Nxb.KHXH, 1776, tr.235.


(4) Huỳnh Công Bá, “Làng Tây Thành”, Tạp chí Huế xưa & nay, số 7, tr.106.


(5) Lê Quí Đôn toàn tập, Tập 1, Phủ biên tạp lục, H.: Nxb.KHXH, 1977, tr. 44.


(6) Vô danh thị, Ô châu cận lục, Dương Văn An nhuận sắc & tập thành, Bùi Lương dịch, Văn hóa Á châu xb, 1961, tr. 40.


(7) Phủ biên, Tlđd, tr. 78-80.


(8) Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn Thừa Thiên, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 1997, tr. 106, tr.66.


(9) Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ…, Tlđd, tr. 67.


(10) Đồng Khánh địa dư chí, Phủ Thừa Thiên, Đĩa file PDF, tr. 1427.


(11) Ô châu cận lục, 1961, Tlđd, tr. 65.


(12) Ô châu cận lục, 1961, Tlđd, tr. 44, 66.


(13) Ô châu cận lục, 1961, Tlđd, tr. 44.


(14) Lê Quang Định, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, Phan Đăng dịch, Nxb Thuận Hóa - Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2005, tr. 213.


(15) QSQ triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí (đời Duy Tân), Thừa Thiên phủ, Tập Thượng, Nha Văn hóa - Bộ Quốc gia giáo dục, 1961, tr.138.


(16) Lê Quang Định, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, Tlđd, tr. 215.


(17) Ô châu cận lục, 1961, Tlđd, tr. 67.


(18) Lê Quang Định, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, Tlđd, tr. 213-215.


(19) Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), 3 xã nói trên cùng lập cam kết xây dựng lại đình chợ. Lý giải việc cháy chợ năm 1814 là do việc không quan tâm cúng bái cho người âm nên người dân 3 xã cũng đồng thời dựng thêm một chợ lộ thiên ở ngoài rú cát (Bạch Sa), cách chợ Tam xã độ 300 thước; chợ này chỉ họp chợ trong 3 ngày tết (mồng 1,2 và 3 âm lịch) với mục đích cầu mong chợ Tam xã không xảy ra hỏa hoạn… [Theo Văn bản Hán Nôm hiện được dịch và đóng thành tập “Lịch sử thôn làng Tráng Lực-Sịa, Tập 1 và 2, hiện do trưởng họ Lê Nhì giữ ở làng Tráng Lực].


(20) Để cạnh tranh buôn bán, người dân làng Khuông Phò đã lôi kéo mộ dân các xã ven phá Tam Giang, các xã lân cận phía nam nhằm không cho dân đến tụ họp ở chợ Tam xã mới, điều này gây ra mâu thuẫn xung đột giữa 3 làng (Tráng Lực, Thạch Bình và Thủ Lễ) với làng Khuông Phò.


(21) Trương Thị Thu Thảo, Chợ làng ở Thừa Thiên Huế thế kỷ XVI-XIX, Luận văn thạc sĩ sử học, Đại học Sư phạm, 2010, Phụ lục 4, P19-20-21.


(22) Tuy nhiên, sách Đại Nam nhất thống chí đời Tự Đức, Tập 1, Nxb Thuận Hóa, Huế 1992, trong khi liệt kê các chợ vùng Sịa chỉ có nêu chợ Thạch Bình (tr.183), đến Đại Nam nhất thống chí đời Duy Tân (1909) thì mỗi xã An Gia, Thạch Bình, Tráng Lực, Uất Mậu, Thủ Lễ đều có chợ (sđd, tr.138). Điều này ngược lại với kết quả tư liệu điền dã ở địa phương; có thể do các quan chép sử nhà Nguyễn thiếu thực tế, thiếu chính xác. Có thể nói đến thời điểm này, các xã nói trên có chợ chung là chợ Ngũ xã.

(trích sóng nước tam giang)

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét