Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập GĐPT Kim Đôi, 59 năm xây dựng, phát triển

Ngày 21/02/2012 (Ngày 14 tháng Giêng năm Bính Thân), tại NPĐ Kim Đôi, xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đã trang nghiêm diễn ra Lễ kỷ niệm 35 năm chính thức thành lập (1981-2016), 59 năm xây dựng, phát triển (1957-2016) và Khánh thành Đoàn quán Gia đình Phật tử Kim Đôi.
Quang lâm chứng minh, tham dự buổi lễ có HT. Thích Quang Nhuận - Phó Trưởng Ban Trị sự kiêm Trưởng Ban Hoằng Pháp GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế, HT. Thích Toàn Thiệt - Chứng minh BTS GHPGVN huyện Quảng Điền, ĐĐ. Thích Hải Đức - UV BTS tỉnh, Trưởng BTS GHPGVN huyện Quảng Điền, ĐĐ. Thích Tịnh Thường - Phó Trưởng BTS GHPGVN huyện Quảng Điền, ĐĐ. Thích Tâm Đạo - Trưởng Ban HDPT GHPGVN huyện Quảng Điền; Chư tôn đức BTS GHPGVN huyện; Chư tôn đức trú xứ tại các NPĐ trên địa bàn huyện và chư tôn đức đồng hương.
Về phía BHD PB GĐPT tỉnh Thừa Thiên Huế có Huynh trưởng cấp Dũng Thiện Điều - Nguyễn Thắng Nhu, Trưởng BHD PB GĐPT tỉnh Thừa Thiên Huế, Huynh trưởng cấp Tấn Tâm Toại - Nguyễn Viết Kế, Phó BHD PB GĐPT tỉnh Thừa Thiên Huế, Huynh trưởng cấp Tấn Tâm Ngọc - Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó BHD PB GĐPT tỉnh Thừa Thiên Huế cùng quý anh chị là Ủy viên BHD PB GĐPT tỉnh Thừa Thiên Huế. Về phía BĐH GĐPT huyện Quảng Điền có Huynh trưởng cấp Tấn Nhật Tâm - Hồ Tấn Hoàng, Ủy viên BHD PB GĐPT tỉnh Thừa Thiên Huế kiêm trưởng BĐH GĐPT huyện Quảng Điền, Huynh trưởng cấp Tấn Quảng Nhơn – Ngô Quân, Phó Ban Điều hành GĐPT huyện Quảng Điền cùng toàn thể quý anh chị Ủy viên BĐH; Qúy bác BHT, Ban Huynh trưởng các NPĐ lân cận, Huynh trưởng, Đoàn sinh GĐPT Kim Đôi qua các thời kì, quý đạo hữu Phật tử gần xa.

Quảng Điền vào vụ rau tết

Việc tiêu thụ rau những năm gần đây khá thuận lợi. Vào dịp Tết, nhu cầu rau tăng cao, các tiểu thương về tận cánh đồng thu mua sản phẩm, đầu ra khá ổn định. Riêng tại Quảng Thọ, người trồng rau được HTX bao tiêu sản phẩm, các tiểu thương từ các tỉnh thành khác cũng tiến hành thu mua nên có sự cạnh tranh vì thế giá luôn ở mức cao.  
Vào vụ
Làng rau sạch Thành Trung, xã Quảng Thành là một trong những vùng chuyên canh rau tập trung nổi tiếng của huyện Quảng Điền. Với lợi thế nguồn nước tưới dồi dào, đất đai màu mỡ cộng với việc ứng dụng công nghệ sản xuất rau an toàn nên thương hiệu rau Thành Trung ngày càng được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến.
Năm nay, gia đình ông Trần Đình Thuận trồng 1,5 sào rau phục vụ Tết Nguyên đán với các chủng loại như: mồng tơi, xà lách, tần ô, ngò... Theo kinh nghiệm, vào dịp Tết, nhu cầu thị trường tập trung vào các loại rau như: ngò, tần ô, rau thơm… nên ông cũng linh động giảm số lượng giống cải, tăng diện tích những loại rau trên. Ông Thuận bộc bạch: “Thời tiết năm nay nắng ấm, ít rét rất thuận lợi cho các loại hoa màu phát triển. Năm ngoái, dù giá rau xanh không cao nhưng gia đình cũng có được nguồn thu nhập khá”.
Vùng chuyên rau tổ dân phố An Gia, thị trấn Sịa cũng rộn ràng không kém, nhiều hộ dân đã hoàn tất công đoạn cày ải, lên luống, chăm bón cho những lứa rau tết. Thời điểm này, giá rau xanh tăng cao, các thương lái phải ra tận đồng lùng sục để mua rau. Tại thời điểm này, rau má có giá 15 ngàn đồng/kg, cải: 10 ngàn/kg; đậu cô ve: 13 ngàn đồng/kg; mồng tơi: 15 ngàn đồng/kg. Nếu giá này duy trì đến thời điểm sau Tết Nguyên đán thì mỗi sào rau cho thu nhập gần 15 triệu đồng.

Tập trung sản xuất theo hướng an toàn

Không chỉ mở rộng diện tích trồng rau để cung ứng cho thị trường Tết, người trồng rau ở Quảng Điền còn tập trung sản xuất các sản phẩm rau sạch, rau an toàn (RAT). Ngoài 59 ha rau sản xuất theo hướng Vietgap, nhiều cá nhân, HTX cũng mạnh dạn ứng dụng mô hình sản xuất rau hữu cơ với kỳ vọng có nguồn cung rau an toàn, đa dạng trong dịp Tết Bính Thân.
HTX Quảng Thọ 2 có 42 ha rau má sản xuất theo hướng an toàn và mạnh dạn đầu tư thêm 2 ha sản xuất rau má hữu cơ. Ông Nguyễn Lương Trí, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Quảng Thọ 2 cho hay: Để nâng cao sức cạnh tranh, chúng tôi vận động bà con xã viên tuân thủ các quy định sản xuất RAT. Ngoài mô hình trồng RAT, rau hữu cơ, chúng tôi cũng đang tiến hành thử nghiệm 0,5 ha rau má sạch trong nhà lưới, nhà kính tiến tới cung cấp rau má sạch cho người tiêu dùng trong và ngoại tỉnh.
Theo ông Hoàng Vọng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Điền: Toàn huyện có 59 ha sản xuất RAT; trong đó, Quảng Thọ 42 ha, Quảng Thành: 17 ha. Nhằm đảm bảo chất lượng rau cũng như bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, chúng tôi khuyến cáo người trồng rau nên áp dụng theo hướng sản xuất RAT. Người dân chỉ nên sử dùng phương pháp thủ công hoặc chăm bón rau bằng phân sinh học, chú ý giảm dần các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu độc hại để nguồn rau cung ứng cho thị trường được đảm bảo an toàn. Khâu làm đất được chú trọng, sau mỗi vụ rau, các hộ dành 3-5 ngày phơi đất và ủ phân chuồng. Muốn chất lượng rau đảm bảo, người trồng rau nên xây dựng hệ thống giàn lưới để hạn chế nắng và giảm tác động của mưa to làm dập lá rau.

Xâm nhập lò chế những chiếc xe '3 không' ở Thừa Thiên Huế

Những chiếc xe không đăng ký, không đăng kiểm, người lái không giấy phép lái xe đang tung hoành khắp các vùng quê ở TT - Huế. Và để cho ra một chiếc xe như thế, chủ lò chế chỉ cần chưa đầy 1 tháng...


Chạy xe trên con đường liên xã Quảng ThànhQuảng An, xã Quảng Thái… của huyện Quảng Điền (Thừa Thiên - Huế), không khó để người đi đường bắt gặp những chiếc xe “không biết phải gọi tên như thế nào”. Nói là xe công nông cũng đúng, xe máy cày cũng chẳng sai… người dân ở đây vẫn gọi chúng là xe tự chế.
Đặc điểm có thể nhận dạng loại xe này là đầu máy nổ để lộ thiên phía trước. Máy nổ này có thể nằm chìm dưới hoặc nằm ngang ngay bên cạnh ghế tài xế. Vô-lăng xe đấu nối với một chiếc bánh đằng trước. Trên sàn của đầu xe có bố trí một bên là má phanh và một bên là bàn đạp ga, bên hông là một hộp số nhỏ. Phía sau kéo theo một thùng khoảng 1-2m3 được nâng bằng 2 hoặc 4 bánh. Trông những chiếc xe này giống như sự lai tạo giữa những chiếc lam với những chiếc công nông trần trước đây.
   Xâm nhập lò chế những chiếc xe '3 không' ở Thừa Thiên Huế - Ảnh 1
Những chiếc xe tự chế tung hoành trên đường
Chúng được người dân sử dụng để chở các vật liệu như đất đá, gạch, nông sản… và được chạy với một tốc độ không hề nhỏ tí nào.

“Nhìn những chiếc xe này lao vun vút trên đường mà hãi. Nhìn chúng sơ sài vậy mà chạy nhanh lắm. Xe này không có còi, nếu nó chạy đằng sau, mình chỉ nhận biết bằng tiếng máy nổ, nhiều khi giật cả mình”, một người dân sống ở thôn Tây Thành, xã Quảng Thành cho biết.
Một người dân đi đường đoạn qua xã Quảng An cho hay: “Mỗi lần nghe tiếng máy nổ của những chiếc xe này là lo mà dẹp một bên đường. Đúng là “ra đường sợ nhất công nông”…”.
Những chiếc xe này có nguồn gốc từ đâu?
VIDEO: Xâm nhập lò chế những chiếc xe “3 không” ở Thừa Thiên Huế
Theo tìm hiểu của PV, để sản xuất những chiếc xe công nông tự chế như thế này không phải cơ sở cơ khí nào cũng có thể làm được. Ngoài nguyên vật liệu, phụ tùng thì đòi hỏi tay nghề của người thợ phải có một trình độ nhất định.
Trong vai một chủ vựa sắn ở vùng Phong Sơn, huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) về thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền tìm mối đặt một con xe công nông tự chế. Sau một buổi sáng dò hỏi, những tay tài xế của những chiếc xe tự chế này “mách” ở vùng Quảng Điền chỉ có 2 cơ sở có thể sản xuất những chiếc xe này: Một cơ sở ở ngay thị trấn Sịa và một cơ sở nằm mãi tận trong một thôn sát đầm phá Tam Giang của xã Quảng An.
Men theo những con đường liên xã, rồi liên thôn, PV tìm về cơ sở sản xuất ở Quảng An. Cơ sở cơ khí này nằm ở thôn Phú Lương B có bảng hiệu đề chuyên sửa chữa máy cày, hàn tiện…
   Xâm nhập lò chế những chiếc xe '3 không' ở Thừa Thiên Huế - Ảnh 2
Bên trong lò sản xuất xe tự chế ở xã Quảng An
Tiếp chúng tôi là một người đàn ông trung niên, người to cao, bề ngoài lem luốc dầu máy, người này giới thiệu tên là S. Khi nghe chúng tôi đặt một chiếc xe tự chế để phục vụ cho việc vận chuyển sắn trên vùng đồi núi. S. tỏ ra khá nhiệt tình, hướng dẫn cụ thể nên chọn loại máy nào. S. đưa cho chúng tôi khá nhiều lựa chọn về loại máy nổ, cầu, hộp số, lốp, về kích thước thùng, loại có đề hay quay tay…
   Xâm nhập lò chế những chiếc xe '3 không' ở Thừa Thiên Huế - Ảnh 3
Những người thợ đang hoàn chỉnh một chiếc xe công nông tự chế
Sau khi chúng tôi thỏa thuận đặt một máy với loại máy nổ D24 nhập khẩu, có đề, hộp số không phải của Trung Quốc, lốp DRC, cầu Bắc Kinh tải, thùng kích thước 1 khối đúng thì S. đưa ra giá 60 triệu đồng, không đề thì 55 triệu đồng.
   Xâm nhập lò chế những chiếc xe '3 không' ở Thừa Thiên Huế - Ảnh 4
S. giới thiệu một chiếc xe tự chế vừa mới "ra lò"
Thời gian giao xe, theo S. chỉ cần 1 tháng và có thể sớm hơn. Nếu chúng tôi đồng ý thì thảo một bản hợp đồng bằng tay và đặt trước một nửa giá trị hợp đồng.
Qua trao đổi, S. cho hay những nguyên liệu, phụ tùng để làm một chiếc xe, ngoài việc mua mới, S. có thể tận dụng phụ tùng của những chiếc xe tải, xe máy cũ. Tốc độ của một chiếc xe tự chế này khi hoàn hoàn có thể đạt 65 -70 km/h.
   Xâm nhập lò chế những chiếc xe '3 không' ở Thừa Thiên Huế - Ảnh 5
Giảm sốc bánh trước của xe được tận dụng từ bộ nhún của một chiếc xe máy cũ
S. cho biết, cơ sở của S. mới thành lập 3 năm nay và đã cho ra đời gần 20 chiếc xe công nông tự chế. Mọi công đoạn để hoàn thành một chiếc xe đều tự tay S. làm cùng với sự giúp sức của vài thợ khác.
   Xâm nhập lò chế những chiếc xe '3 không' ở Thừa Thiên Huế - Ảnh 6
Đầu chiếc xe này được thiết kế với máy nổ nằm chìm dưới ghế tài xế
S. tiết lộ, để làm được những chiếc xe như thế, S. không qua trường lớp chính quy nào. Mà được sự chỉ bảo của một người thầy chuyên cơ khí trên thành phố Huế.
Sau khi rời cơ sở của S. chúng tôi có liên lạc với ông Trưởng Công an xã Quảng An về tình hình xe tự chế trên địa bàn. Ông này cho biết, xã Quảng An hiện nay có đến 23 chiếc xe tự chế và chủ yếu là phục vụ cho mục đích nông nghiệp. Khi PV đặt câu hỏi, trên địa bàn có nắm cơ sở sản xuất các loại xe này không? Ông này trả lời không thấy, cũng không nghe người dân phản ánh.
Trên đường trở ra thị trấn Sịa, PV tiếp tục bắt gặp những chiếc xe công nông tự chế nghênh ngang trên các tuyến đường. Những chiếc xe này lao vun vút, tạo ra tiếng ồn đặc trưng nghe thật chói tai.
Đưa vấn đề này trao đổi với thượng Tá Phan Công Hiền, Phó Trưởng Công an huyện Quảng Điền. Thượng tá Hiền cho biết: “Chúng tôi có nghe phản ánh của cán bộ và người dân các xã về tình hình xe tự chế trên địa bàn. Những chiếc xe này không chỉ tiềm ẩn việc gây mất trật tự an toàn giao thông mà còn tạo sự cạnh tranh không lành mạnh về vận tải với những chiếc xe tải có đăng ký, đăng kiểm và đóng thuế đầy đủ”.
Về hướng giải quyết, thượng tá Phan Công Hiền chia sẻ: “Cách đây 2 tuần, phía công an huyện gửi công văn cho các xã, thị trấn. Trong đó, yêu cầu thống kê số lượng, chủ các phương tiện xe tự chế và các cơ sở sản xuất những loại xe này. Sau khi thống kê xong, chúng tôi sẽ mời những người này lên tuyên truyền, viết bản cam kết không tiếp tục sử dụng, sản xuất xe tự chế. Nếu vi phạm chúng tôi sẽ tịch thu...”.
Theo tìm hiểu của PV, số lượng xe tự chế trên địa bàn huyện Quảng Điền là không hề nhỏ. Đối với nhiều người nông dân, đây là một khối tài sản lớn, nếu tịch thu thì ảnh hưởng rất lớn đến kế sinh nhai của họ. Đây cũng là điều mà vị phó trưởng công an huyện Quảng Điền đang phải đau đầu suy nghĩ.