Xâm nhập lò chế những chiếc xe '3 không' ở Thừa Thiên Huế

Những chiếc xe không đăng ký, không đăng kiểm, người lái không giấy phép lái xe đang tung hoành khắp các vùng quê ở TT - Huế. Và để cho ra một chiếc xe như thế, chủ lò chế chỉ cần chưa đầy 1 tháng...


Chạy xe trên con đường liên xã Quảng ThànhQuảng An, xã Quảng Thái… của huyện Quảng Điền (Thừa Thiên - Huế), không khó để người đi đường bắt gặp những chiếc xe “không biết phải gọi tên như thế nào”. Nói là xe công nông cũng đúng, xe máy cày cũng chẳng sai… người dân ở đây vẫn gọi chúng là xe tự chế.
Đặc điểm có thể nhận dạng loại xe này là đầu máy nổ để lộ thiên phía trước. Máy nổ này có thể nằm chìm dưới hoặc nằm ngang ngay bên cạnh ghế tài xế. Vô-lăng xe đấu nối với một chiếc bánh đằng trước. Trên sàn của đầu xe có bố trí một bên là má phanh và một bên là bàn đạp ga, bên hông là một hộp số nhỏ. Phía sau kéo theo một thùng khoảng 1-2m3 được nâng bằng 2 hoặc 4 bánh. Trông những chiếc xe này giống như sự lai tạo giữa những chiếc lam với những chiếc công nông trần trước đây.
   Xâm nhập lò chế những chiếc xe '3 không' ở Thừa Thiên Huế - Ảnh 1
Những chiếc xe tự chế tung hoành trên đường
Chúng được người dân sử dụng để chở các vật liệu như đất đá, gạch, nông sản… và được chạy với một tốc độ không hề nhỏ tí nào.

“Nhìn những chiếc xe này lao vun vút trên đường mà hãi. Nhìn chúng sơ sài vậy mà chạy nhanh lắm. Xe này không có còi, nếu nó chạy đằng sau, mình chỉ nhận biết bằng tiếng máy nổ, nhiều khi giật cả mình”, một người dân sống ở thôn Tây Thành, xã Quảng Thành cho biết.
Một người dân đi đường đoạn qua xã Quảng An cho hay: “Mỗi lần nghe tiếng máy nổ của những chiếc xe này là lo mà dẹp một bên đường. Đúng là “ra đường sợ nhất công nông”…”.
Những chiếc xe này có nguồn gốc từ đâu?
VIDEO: Xâm nhập lò chế những chiếc xe “3 không” ở Thừa Thiên Huế
Theo tìm hiểu của PV, để sản xuất những chiếc xe công nông tự chế như thế này không phải cơ sở cơ khí nào cũng có thể làm được. Ngoài nguyên vật liệu, phụ tùng thì đòi hỏi tay nghề của người thợ phải có một trình độ nhất định.
Trong vai một chủ vựa sắn ở vùng Phong Sơn, huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) về thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền tìm mối đặt một con xe công nông tự chế. Sau một buổi sáng dò hỏi, những tay tài xế của những chiếc xe tự chế này “mách” ở vùng Quảng Điền chỉ có 2 cơ sở có thể sản xuất những chiếc xe này: Một cơ sở ở ngay thị trấn Sịa và một cơ sở nằm mãi tận trong một thôn sát đầm phá Tam Giang của xã Quảng An.
Men theo những con đường liên xã, rồi liên thôn, PV tìm về cơ sở sản xuất ở Quảng An. Cơ sở cơ khí này nằm ở thôn Phú Lương B có bảng hiệu đề chuyên sửa chữa máy cày, hàn tiện…
   Xâm nhập lò chế những chiếc xe '3 không' ở Thừa Thiên Huế - Ảnh 2
Bên trong lò sản xuất xe tự chế ở xã Quảng An
Tiếp chúng tôi là một người đàn ông trung niên, người to cao, bề ngoài lem luốc dầu máy, người này giới thiệu tên là S. Khi nghe chúng tôi đặt một chiếc xe tự chế để phục vụ cho việc vận chuyển sắn trên vùng đồi núi. S. tỏ ra khá nhiệt tình, hướng dẫn cụ thể nên chọn loại máy nào. S. đưa cho chúng tôi khá nhiều lựa chọn về loại máy nổ, cầu, hộp số, lốp, về kích thước thùng, loại có đề hay quay tay…
   Xâm nhập lò chế những chiếc xe '3 không' ở Thừa Thiên Huế - Ảnh 3
Những người thợ đang hoàn chỉnh một chiếc xe công nông tự chế
Sau khi chúng tôi thỏa thuận đặt một máy với loại máy nổ D24 nhập khẩu, có đề, hộp số không phải của Trung Quốc, lốp DRC, cầu Bắc Kinh tải, thùng kích thước 1 khối đúng thì S. đưa ra giá 60 triệu đồng, không đề thì 55 triệu đồng.
   Xâm nhập lò chế những chiếc xe '3 không' ở Thừa Thiên Huế - Ảnh 4
S. giới thiệu một chiếc xe tự chế vừa mới "ra lò"
Thời gian giao xe, theo S. chỉ cần 1 tháng và có thể sớm hơn. Nếu chúng tôi đồng ý thì thảo một bản hợp đồng bằng tay và đặt trước một nửa giá trị hợp đồng.
Qua trao đổi, S. cho hay những nguyên liệu, phụ tùng để làm một chiếc xe, ngoài việc mua mới, S. có thể tận dụng phụ tùng của những chiếc xe tải, xe máy cũ. Tốc độ của một chiếc xe tự chế này khi hoàn hoàn có thể đạt 65 -70 km/h.
   Xâm nhập lò chế những chiếc xe '3 không' ở Thừa Thiên Huế - Ảnh 5
Giảm sốc bánh trước của xe được tận dụng từ bộ nhún của một chiếc xe máy cũ
S. cho biết, cơ sở của S. mới thành lập 3 năm nay và đã cho ra đời gần 20 chiếc xe công nông tự chế. Mọi công đoạn để hoàn thành một chiếc xe đều tự tay S. làm cùng với sự giúp sức của vài thợ khác.
   Xâm nhập lò chế những chiếc xe '3 không' ở Thừa Thiên Huế - Ảnh 6
Đầu chiếc xe này được thiết kế với máy nổ nằm chìm dưới ghế tài xế
S. tiết lộ, để làm được những chiếc xe như thế, S. không qua trường lớp chính quy nào. Mà được sự chỉ bảo của một người thầy chuyên cơ khí trên thành phố Huế.
Sau khi rời cơ sở của S. chúng tôi có liên lạc với ông Trưởng Công an xã Quảng An về tình hình xe tự chế trên địa bàn. Ông này cho biết, xã Quảng An hiện nay có đến 23 chiếc xe tự chế và chủ yếu là phục vụ cho mục đích nông nghiệp. Khi PV đặt câu hỏi, trên địa bàn có nắm cơ sở sản xuất các loại xe này không? Ông này trả lời không thấy, cũng không nghe người dân phản ánh.
Trên đường trở ra thị trấn Sịa, PV tiếp tục bắt gặp những chiếc xe công nông tự chế nghênh ngang trên các tuyến đường. Những chiếc xe này lao vun vút, tạo ra tiếng ồn đặc trưng nghe thật chói tai.
Đưa vấn đề này trao đổi với thượng Tá Phan Công Hiền, Phó Trưởng Công an huyện Quảng Điền. Thượng tá Hiền cho biết: “Chúng tôi có nghe phản ánh của cán bộ và người dân các xã về tình hình xe tự chế trên địa bàn. Những chiếc xe này không chỉ tiềm ẩn việc gây mất trật tự an toàn giao thông mà còn tạo sự cạnh tranh không lành mạnh về vận tải với những chiếc xe tải có đăng ký, đăng kiểm và đóng thuế đầy đủ”.
Về hướng giải quyết, thượng tá Phan Công Hiền chia sẻ: “Cách đây 2 tuần, phía công an huyện gửi công văn cho các xã, thị trấn. Trong đó, yêu cầu thống kê số lượng, chủ các phương tiện xe tự chế và các cơ sở sản xuất những loại xe này. Sau khi thống kê xong, chúng tôi sẽ mời những người này lên tuyên truyền, viết bản cam kết không tiếp tục sử dụng, sản xuất xe tự chế. Nếu vi phạm chúng tôi sẽ tịch thu...”.
Theo tìm hiểu của PV, số lượng xe tự chế trên địa bàn huyện Quảng Điền là không hề nhỏ. Đối với nhiều người nông dân, đây là một khối tài sản lớn, nếu tịch thu thì ảnh hưởng rất lớn đến kế sinh nhai của họ. Đây cũng là điều mà vị phó trưởng công an huyện Quảng Điền đang phải đau đầu suy nghĩ.

Quảng Điền phấn đấu sớm trở thành huyện nông thôn mới trước năm 2020

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, Đảng bộ, quân và dân huyện Quảng Điền đoàn kết, phấn đấu vượt qua khó khăn, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, trong đó một trong những dấu ấn nổi bật là việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Được chọn là huyện điểm thực hiện Chương trình, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân, sau gần 5 năm thực hiện, từ một huyện có điểm xuất phát thấp với bình quân chỉ 7,4 tiêu chí/xã đến nay Quảng Điền đã đạt 14,2 tiêu chí /xã, tăng 6,8 tiêu chí, trong đó có 1 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới. Diện mạo vùng nông thôn Quảng Điền đã khởi sắc rõ rệt, kêt cấu hạ tầng được đầu tư cơ bản, đời sống người dân được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người tăng 88,1%; tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2014 giảm còn 6,9%.

Trên cơ sở những  kết quả đạt được trong giai đoạn 2010-2015 của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới Quảng Điền đặt ra nhiệm vụ trong 5 năm tới là: “Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng từng bước hiện đại; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; tăng cường quốc phòng - an ninh; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; xây dựng Quảng Điền trở thành huyện nông thôn mới trước năm 2020”

Để đạt được mục tiêu trên, Quảng Điền cần phát huy lợi thế của vùng biển, vùng cát nội đồng để phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại. Trong đó, tập trung đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Xây dựng một số mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn Vietgap gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm. Nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, cần tranh thủ và huy động tốt mọi nguồn lực, chủ động đầu tư cho việc cải tạo, xây dựng và phát triển cơ cấu hạ tầng đạt chuẩn nông thôn mới. Ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, chủ động tưới tiêu kết hợp nuôi trồng thủy sản. Cùng với phát triển kinh tế cần đẩy mạnh chăm lo phát triển văn hóa xã hội và đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh. 

Nhân rộng mô hình nuôi gà đệm lót sinh học cho các hộ dễ bị tổn thương tại huyện Quảng Điền.

Quảng Điền là một huyện có quy mô chăn nuôi tương đối lớn trong địa bàn tỉnh. Với 28.300 nghìn con trâu bò, lợn và hơn 30.000 con gia cầm, người dân nơi đây coi chăn nuôi là một trong những hoạt động sinh kế chính của họ. Với quy mô nuôi lớn như vậy sẽ tồn tại một vấn đề rất lớn đó là ô nhiễm môi trường do chất thải trong chăn nuôi gây ra.
              Trong thời gian qua, Trạm Khuyến nông lâm ngư của huyện đã thực hiện thành công mô hình nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học. Hiện nay, mô hình này là một phương thức chăn nuôi tốt nhất với người dân tại địa phương, mô hình trên không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn xử lý triệt để chất thải chăn nuôi, bảo vệ môi trường.
               Tuy nhiên, người dân ở địa phương nhất là các hộ nghèo và dễ bị tổn thương vẫn chưa đủ điều kiện về kinh tế để có thể thực hiện được mô hình nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học. Được sự hỗ trợ của Dự án sáng kiến và phát triển địa phương thích ứng với biến đổi khí hậu, Trạm Khuyến nông thực hiện hoạt động “ Nhân rộng mô hình nuôi gà đệm lót sinh học cho các hộ dễ bị tổn thương”. Hoạt động được thực hiện với 80 hộ tham gia, tại các xã Quảng Phước, Quảng An, Quảng Lợi, Quảng Thái, Quảng Thọ, Quảng Phú, Quảng Công và Quảng Ngạn nhằm mục đích hỗ trợ phát triển sản xuất, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, tăng thu nhập cho người nghèo.
                Mỗi hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ 50 con gà kiến vàng 22 ngày tuổi, 100 % thuốc thú y để phòng bệnh và 2 kg chế phẩm Balasa N01 để làm đệm lót. Ngoài ra, các hộ được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật và được cán bộ kỹ thuật theo dõi hướng dẫn kỹ thuật hàng tuần. Bước đầu, gà sinh trưởng phát triển tốt, các hộ dân rất vui mừng vì có thêm việc làm và kỹ thuật nuôi mới. Hy vọng hoạt động này sẽ tăng thu nhập cho những người dân còn khó khăn của huyện Quảng Điền.
                                                                                   KimOanh
                                                               Trạm Khuyến NLN Quảng Điền

Bài viết liên quan

Vang danh tiếng trống O Thương

(CAO) Dành trọn hơn 40 năm cuộc đời cho nghề làm trống, giờ đây, tiếng trống của bàThương đã gắn bó với đời sống đất Cố Đô và được nhiều người biết đến.

Đến đường Lê Thánh Tôn, thành Phố Huế hỏi thăm đến nhà bà Hồ Thị Thương không ai là không biết đến. Bà Thương là người phụ nữ đang giữ lửa cho nghề làm trống nổi tiếng ở Huế bởi vì chỉ có bà là người phụ nữ làm nghề trống cũng là duy nhất ở Huế.
Bà Thương quê gốc ở làng Thủ Lễ, xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Bà là con gái của nghệ nhân Hồ Khách, một nhạc công và cũng là nghệ nhân làm trống nổi tiếng dưới triều Nguyễn.

Bà Thương là người phụ nữ đang giữ lửa cho nghề làm trống nổi tiếng ở Huế
Năm bà Thương lên 10 tuổi, bà đã theo mẹ bà học nghề, thấy con gái có vẻ yêu nghề nên sau khi cha mất, mẹ truyền cho con gái kỹ thuật và bí quyết để tạo ra những chiếc trống hay có âm thanh vang dội. Sau bao năm nhằn nhọc suy nghẫm, đây là vốn nghề truyền thống để lại bà Thương không đành lòng nên đã quyết định nối nghiệp. Từ đó, mẹ con bà trở thành hai người phụ nữ duy nhất làm trống. Hồi đó, khách đặt cho sản phẩm của nhà bà là trống "Hai O", ý là chỉ có bà Thương và mẹ cùng làm trống (O: cô, dì - PV).
Bà Thương tâm sự: "Trống được chia thành nhiều loại như trống làng, trống họ, trống trường, trống lân, trống nhạc lễ… mỗi loại mang một âm thanh khác nhau. Trống làng, trống họ, trống trường phải điều chỉnh da vừa để có âm thanh dày. Trống dùng múa lân thì da thường dày nhất vì đánh mạnh và cần âm phát to, rõ.

Bà Thương cũng không nhớ là đã làm bao nhiêu chiếc trống cho khách
Bà Thương cũng không nhớ là đã làm bao nhiêu chiếc trống cho khách. Dủ nhoc nhằn, bà Thương vẫn gắn bó miệt mài, gìn giữ nghề làm trống, bởi cái nghề này đã từng nuôi sống bao thế hệ của gia đình và quan trọng hơn là bà không muốn để cái nghề mang tính văn hóa, truyền thống này bị mai một theo thời gian.
Bà Thương kể: "Hồi đó, chưa có công cụ máy móc để bào xẻ gỗ như bây giờ nên bà cùng mẹ bà phải xẻ gỗ bằng phương pháp thủ công rất vất vả. Cả ngày hai mẹ con chỉ xẻ được hơn chục thanh gỗ dăm từ thân cây mít, bào nhẵn để làm thân trống".
Để có được một chiếc trống hoàn chỉnh phải trải qua ba công đoạn và tỷ mĩ, khéo léo: Làm da, làm tang và bưng trống. 
Công đoạn khó nhất trong nghề làm trống khi bào da, cũng phải chú ý tùy theo loại trống để bào, đây là quyết định độ bền, tuổi thọ của trống. Theo bà Thương, phải sử dụng da trâu cái đem bào hết lớp màng, sau đó ngâm nước, khử mùi, chống thối rồi phơi khô ba nắng, không để da trâu ươn.
Làm thân trống phải dùng gỗ mít do loại gỗ này dẻo, mềm, không bị cong vênh, nứt vỡ. Gỗ được cắt thành nhiều khúc sau đó pha thành từng dăm. Tùy theo kích cỡ của trống mới định ra bao nhiêu dăm, cũng như phải tính toán độ cong và độ dẻo của dăm để khi khép với thân trống vừa khít, không có kẽ hở.
Ngày nay, theo thị hiếu của thị trường, trống được sản xuất hàng loạt bằng máy móc hiện đại, tuy nhiên bà Thương vẫn muốn làm trống theo cách thủ công để giữ lại nghề truyền thống của gia đình cho con cháu sau này.

Một chiếc trống được bà Thương làm
Dành trọn hơn 40 năm cuộc đời cho nghề làm trống, giờ đây, tiếng trống của bàThương đã gắn bó với đời sống đất Cố Đô và được nhiều người biết đến. Đó cũng là kết quả của sự kiên nhẫn của một người phụ nữ đảm đang và giữ lữa cho nghề trống gia truyền.
Nghề làm trống thu nhập không cao, nhưng với lòng yêu nghề, niềm tự hào truyền thống quê hương đã khiến bà Thương gắn bó cuộc đời mình với nghề này chưa bao giờ hối tiếc.
"Tính đến thời điểm hiện tại, Thừa Thiên Huế không có mấy cơ sở làm trống. Những người đam mê như chúng tôi cố gắng giữ gìn và phát huy nghề truyền thống này đến khi nào không còn sức để làm", bà Thương chia sẻ.