Người cựu binh Trường Sa “mê” sử

Từng là lính Trường Sa trở về, ông được tin tưởng, giao nhiều trọng trách làm lãnh đạo xã Quảng Thành (huyện Quảng Điền) qua các thời kỳ. Ông cũng "mê" lịch sử, bắt tay vào nghiên cứu về thành cổ Hóa Châu - nơi từng ghi dấu của quân và dân ta thời chống quân Minh xâm lược. Ông tên là Đào Lý, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Thành.

Kỷ niệm đời lính

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Quảng Thành, tháng 4-1981, ông cùng 120 chiến sĩ xã Quảng Lộc, huyện Hương Điền (cũ) theo tiếng gọi Tổ quốc lên đường. Huấn luyện 4 tháng tại Đà Nẵng, ông được bổ sung vào tiểu đoàn Nam Yết, lữ đoàn 146, phụ trách pháo phòng không 37 tại quần đảo Trường Sa. Những tháng ngày của người lính trẻ tại đảo Nam Yết thuộc cụm đảo phía bắc của đảo Trường Sa đã cho ông những kỷ niệm không thể quên của đời lính.
Ông kể: “Vào mùa hè tháng 6-1983, đảo bị tàu chiến của Trung Quốc vây trong 20 ngày. Trên mỗi tàu chiến, chúng thả hàng chục ca nô (mỗi ca nô có 4 lính, trang bị vũ khí) cứ quần thảo, khiêu khích suốt ngày trên biển hòng kích động ta nổ súng trước. Trên trời còn có cả máy bay gắn hệ thống ghi hình để quan sát đảo của ta. Biết được âm mưu của địch, anh em sẵn sàng trên mâm pháo, nhưng chỉ huy quán triệt tuyệt đối không được nổ súng trước. Trực chiến suốt ngày đêm, không có thời gian để nấu ăn, nên chỉ ăn gạo rang với thịt hộp. Suốt mấy chục ngày, nhiều chiến sĩ bị bệnh vẫn chong mắt trên mâm pháo. Có lần, trong tiểu đội mình có anh người Quảng Trị bị bệnh về đường tiêu hóa đến kiệt sức. Trên đảo không kiếm đâu ra được loài rau nào có thể ăn được. May có cây bông xôi, mỗi người hái một nhúm lá, cả đội gộp lại mới đủ nấu một bát canh cho người bị bệnh. Ăn xong, không biết sao, người lính Quảng Trị lành bệnh hẳn. Sau này nhắc lại bát cháo nhiều đồng đội còn ứa nước mắt”.
Rồi những câu chuyện anh em đồng đội sẻ chia từng giọt nước ngọt, cọng rau xanh để vững vàng bảo vệ đảo cũng khiến ông không bao giờ quên được. “Hồi đó, ra đảo cứ 24 giờ mình nhận được 2l nước ngọt từ hậu cần, mỗi lần xuống biển lên, lấy lon thịt hộp đã dùng, đổ nước ngọt vào rồi nhúng khăn mà lau nước mặn. Cứ vắt rồi lau lại nhiều lần. Dùng dè xẻn thế 10 ngày mới đủ nước ngọt tắm một bữa. Có khi đồng đội thiếu mình lại “nhường” cho anh em nửa lít. Cực khổ rứa mà anh em ai cũng vừng vàng trên mâm pháo, nguyện hy sinh để bảo vệ đảo đến cùng.”
Một câu chuyện nữa làm ông nhớ mãi là ngoài đảo lần đầu trồng cây bí đao. Cây mọc đến đâu thì đào rãnh đến đó không sẽ bị sóng gió quật tan. Có lần bí đao bị bứt một đoạn thân, anh em bàn nhau mang bỏ vào mũ cối giả cho nhuyễn, vắt lấy nước để nấu canh “tẩm bổ” cho đồng đội bị bệnh…
Ngày rời đảo (30 tháng 12 năm 1984), xuất ngũ trở về, ông đã mang theo hàng chục kỷ vật từ những trang nhật ký đến con ốc biển, nhánh san hô để mang về nâng niu làm kỷ vật đời lính, kỷ vật của một thời trai trẻ không thể quên của mình. Cuối năm 2014, ông đã hiến tặng nhánh san hô kỷ vật cho Bảo tàng Văn Hóa Huế.
“Mê” sử
Có người gọi ông với cái tên “Nhà Hóa Châu” học, ông xua tay chối đây đẩy. Ông bảo: “Làm gì mình có được cái vinh hạnh đó. Mình nghiên cứu sử để thỏa đam mê thôi. Quan trọng là giúp được các nhà nghiên cứu trong, ngoài nước, học sinh đam mê lịch sử về nghiên cứu thành cổ Hóa Châu là mình thấy vui rồi.”
người con của Quảng Thành, sinh ra và lớn lên ở làng Thành Trung, nơi có thành cổ Hóa Châu gắn với bao câu chuyện về lịch sử hào hùng mà bi thương của dân tộc, từng tấc đất, con người nơi đây như lớp trầm tích lịch sử gắn vào máu thịt ông. Từ những câu chuyện truyền miệng của người già đến những hiện vật nằm lẩn khuất tại tòa thành Hóa Châu đã cho ông niềm đam mê đến với môn khoa học này. Ông kể: “Năm 1997, có đoàn của Viện Khảo cổ về Quảng Thành khảo sát, khai quật khảo cổ để nghiên cứu về thành Hóa Châu trên diện tích hơn 200m2. Lúc đó, mình đang giữ chức chủ tịch UBND xã, có trách nhiệm phối hợp với đoàn để nghiên cứu. Cả tháng trời có trách nhiệm theo đoàn đã giúp mình hiểu hơn về ngôi thành cổ này và việc nghiên cứu lịch sử của mình cũng bắt nguồn từ những đam mê đó.”
Nhiều đoàn về Quảng Thành, ông đều bố trí chỗ ở ngay tại nhà mình, tạo điều kiện hết sức để các nhà nghiên cứu có thể làm việc. “Mình chủ yếu cung cấp thêm cho họ kiến thức văn hóa bản địa cùng những hiện vật, di vật, tên gọi, địa điểm… còn sót lại trong dân gian mà thôi”, ông bộc bạch.
Mới đây, ĐH KanSai Nhật Bản phối hợp cùng ĐH Khoa học Huế tiến hành nhiều nghiên cứu tại thành cổ Hóa Châu, ông cũng góp sức cùng đoàn như là người địa phương an hiểu văn hóa bản địa. Khi kết thúc, ông góp nhiều bài viết giá trị in chung trong nghiên cứu của đoàn. Những năm qua, ông đã có nhiều bài viết, nghiên cứu về thành Hóa Châu có giá trị đăng trên các tạp chí, tập san khoa học hay in chung thành sách.
Không chỉ các nhà nghiên cứu, mà các sinh viên làm đề tài luận văn về thành Hóa Châu cũng được ông dẫn dắt, giúp đỡ để hoàn thành bài vở. Có khi du khách về tìm hiểu thành cổ, ông lại trở thành người “hướng dẫn viên” bất đắc dĩ. Ngồi trò chuyện, ông nhớ lại: “Năm 2012, khi thi công bờ kè ven sông, vô tình phát lộ hàng cọc lim gia cố cổng thành của thành Hóa Châu, nhận được tin, mình từ ủy ban xã đi xe về ngay. Sau khi chụp ảnh, ghi chép đầy đủ, mình yêu cầu đơn vị thi công lấp lại nhằm giữ nguyên trạng di tích. Mình không có điều kiện nghiên cứu, thì hãy giữ nguyên, sau này các nhà khoa học vào cuộc sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn.”
Thấy nhiều hiện vật, câu chuyện về thành Hóa Châu còn nằm lẫn khuất trong người dân, ông đã đi làm tờ trình xin, huy động nhiều nơi để có đủ kinh phí xây dựng nhà trưng bày hiện vật thành Hóa Châu. Hiện, công trình đang trong giai đoạn hoàn thành, khi đi vào hoạt động, nó sẽ là nơi lưu trữ nhiều hiện vật quý về tòa thành cổ này nhằm phục vụ nghiên cứu cũng như du khách…
Bài, ảnh: Hà Nguyên  (Báo TTH)

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét