NHẬN XÉT SƠ BỘ VỀ THÀNH HÓA CHÂU QUA ĐIỀU TRA KHẢO CỔ HỌC

1. Lời nói đầu

Thành Hóa Châu nằm ở lưu vực hạ lưu sông Hương thuộc địa  phận xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Xung quanh thành cổ này, địa hình đồng bằng chỉ cao 1~1,5m so với mặt nước biển. Lũy thành phía nam giáp sông Tiền Thành (còn gọi là sông Kim Đôi - một chi nhánh của sông Bồ) và phần cực bắc
của thành chỉ cách phá Tam Giang 2,5km. Trong tháng 3 và tháng 5-2009, chúng tôi tiến hành khảo sát trên mặt đất và thám sát 3 điểm để tìm hiểu cấu trúc của thành và lịch sử biến đổi của nó.

2. Trắc địa và quan sát địa hình


Để biết cấu trúc của thành một cách chính xác, chúng tôi dùng  máy trắc địa GPS và đặt 80 cọc bê tông chuẩn trong khu vực thành để hình thành màng lưới trắc địa. Sau đó, chúng tôi bắt đầu tiến hành đo địa hình chi tiết. Đến tháng 5-2009, chúng tôi đo được khoảng 40% phạm vi của khu vực thành, công việc còn lại chúng tôi dự định tiếp tục vào năm 2010. Trước mắt chúng tôi sử dụng ảnh vệ tinh ở khu vực để phục chế lại bản đồ địa hình (h.v.1), kết hợp với những điều quan sát trên mặt đất và nêu ra một số ý kiến về cấu trúc thành. Thành Hóa Châu có 2 vòng lũy rõ ràng. Thành ngoài có hình  chữ nhật bị méo và có một số chỗ không nối liền nhau. Lũy thành phía bắc (chạy theo hướng đông bắc - tây nam) có chiều dài gần 1.700m và có hai chỗ không nối nhau. Ở góc lũy phía tây-nam, ngoài vòng thành ngoài có 2 lũy  thành ngắn ở bên trong và ngoài. Lũy thành ngắn ở bên ngoài có chiều dài 650m và hình chữ “L”.
Lũy thành phía nam (đoạn phía tây chạy theo hướng đông -  tây và đoạn phía đông chạy theo hướng đông bắc - tây nam) có chiều dài gần 2.000m và có 1 chỗ không nối nhau (khoảng 110m) giữa đoạn phía tây và đoạn phía đông. Còn ở phía nam của chỗ không nối nhau, có một đoạn lũy ngắn, khoảng 340m. Nhìn chung, lũy phía nam có chiều rộng nhỏ hơn lũy phía bắc. Ở góc phía nam của lũy thành phía nam, có 2 lớp thành ngắn ở ngoài lũy (chiều dài khoảng 350m và 420m). Còn lũy phía đông (giáp thôn Kim Đôi) và lũy phía tây (giáp khu chợ xã Quảng Thành) đều có chỗ không nối nhau ở đoạn giữa (xung quanh khu vực sông Kim Đôi chảy qua). Nếu kể cả chỗ không nối nhau, thành phía tây có chiều dài hơn  500m và thành phía đông có chiều dài khoảng 600m cho nên tổng chiều dài thành ngoài khoảng 4800m. Thành nội (Thành Cụt) có hình chữ nhật và nằm ở khu giữa  thôn Thành Trung, phía bắc bên bờ sông Kim Đôi. Cả 2 lũy thành phía bắc và phía nam đều chạy song song với  lũy thành ngoài phía bắc. Theo hiện trạng, lũy phía nam có chiều rộng to hơn lũy phía  bắc. Lũy phía bắc dài 240m và lũy phía nam dài khoảng 270m. Hai lũy phía tây và phía đông đều có chiều dài khoảng 150m. Trong thời gian khảo sát thực địa, chúng tôi cũng xác định ở  khu phía ngoài lũy thành phía đông có khu vực như lũy thành bao quanh. Dĩ nhiên không được rõ như thành ngoài. Lũy phía bắc chạy theo hướng  đông bắc-tây nam như  nối nhau với lũy thành ngoài phía bắc, có những chỗ không nối nhau. Còn ở khu phía đông - bắc, ngoài thành ngoài phía đông cũng có lũy chạy song song và có kích thước tương đồng nhau. Giữa 2 lũy này, hiện nay có khu ngòi nước, chúng tôi nghĩ rất  có khả năng đây là hào nước xưa. Như vậy, kết hợp sông Kim Đôi và 2 lũy còn lại (phía bắc và tây), khu vực cư trú thôn Kim Đôi cũng được coi là một khu thành quách riêng. Trong khu vực xung quanh và bên trong của thành ngoài,  hai con sông Kim Đôi và Tiền Thành nối với sông Bồ và phá Tam Giang. Hai con sông đó có đoạn chạy rất thẳng, đặc biệt đoạn bên trong Thành Ngoài của sông Kim Đôi và đoạn giáp Thành ngoài phía nam. Cả 2 đoạn đó không chỉ chạy thẳng mà chiều rộng của chúng cũng rất đều nhau. Vì vậy nên chúng tôi cho rằng, hai con sông đó đều có đoạn nhân tạo, tức người ta đào kênh để nối sông Bồ (nhánh của sông Hương) và phá Tam Giang. Đặt hai con sông đó cùng với những lũy của thành Hóa Châu  trong cấu trúc thành quách, thì trong thời gian sử dụng thành, hai
con sông này có vai trò lớn về mặt giao thông đường thủy của thành.

3. Kết quả thám sát

A. Xóm 1 Thành Trung (TTX1)

Trong vườn nhà ông Nguyễn Hợi có một giếng hình vuông  (Ảnh 1 và 2). Ở bên cạnh giếng đó, chúng tôi thiết kế 1 hố (1x2m) để thám sát. Khi tiến hành đào đất, chúng tôi đào mỗi lớp sâu 7-8cm
và đào đến 31 lớp (LM~L3-20), tức sâu 2,2m tính từ mặt đất. Địa tầng trong hố diễn biến như sau:
Sau khi đào đến lớp đất bùn màu đen ở dưới cùng, chúng tôi  làm sạch mặt cắt phía bắc để quan sát cấu trúc địa tầng và đánh số thứ tự của địa tầng (h.v.2). Mặt cắt này cho ta thấy rõ 2 lớp (lớp 2
và 3 trong h.v. 2) do đào hố để sửa hoặc xây thêm khung giếng.
Khung giếng có 4 cấu trúc khung khác nhau. Cấu trúc dưới cùng có
2 tầng bằng tấm đá hình chữ nhật dài, thẳng và phần thứ 2 cấu tạo bằng khối đá trầm tích (dài từ 20-40cm) xếp kê lên. Phần thứ 3 xếp kê bằng đá trầm tích (cùng loại với phần thứ 2) lẫn đá ong và mảnh gạch to. Phần thứ 4 (trên cùng) được xếp kê bằng đá lẫn cả mảnh gạch hiện đại. So sánh các cấu trúc khung giếng và lớp địa tầng, ranh giới dưới của lớp 2 và phần thứ 4 của khung giếng tương đối
cùng nhau về độ sâu. Cho nên chúng tôi kết luận lớp 2 do đào hố để xây thêm phần thứ 4 của khung giếng, còn ranh giới dưới của lớp 3 thấp hơn ranh giới phần thứ 2 và 3, do đó phải suy đoán lớp 3 được hình thành do đào hố để xây khung giếng bằng tấm đá dưới cùng hoặc để xây thêm phần thứ 2.  Theo quan sát của chúng tôi, mặt trong khung giếng, phần thứ  1 dưới cùng và phần thứ 2 khá đều nhau về 4 mặt của khung cho nên khả năng 2 phần đó được xây trong cùng một thời gian và có thể cấu trúc dưới cùng, người ta dùng tấm đá lớn để tạo nền bền vững. Như vậy, rất có thể ranh giới dưới của lớp 3 được hình thành do đào hố để xây giếng. Từ lớp 4 đến lớp 14, có một số lớp cát mỏng, màu xám trắng do phù sa lũ lụt của sông tạo nên. Những lớp khác cũng chứa nhiều cát sông. Lớp  đào dưới  cùng, lớp 3-20 (L3-20) chứa đất bùn màu đen do liên quan đến sự tồn tại của những khu vực nước không chảy như ao hồ. Trong lớp này, chúng tôi thấy sự hiện diện của một số mảnh gốm sành thuộc thế kỷ XVI-XVII. Cho nên những lớp địa tầng trên do cư trú hoặc do đắp đất đều phải sau thế kỷ XVI-XVII. Như vậy, niên đại xây giếng cũng phải sau thế kỷ XVI-XVII. Khả năng khu vực này trong thời kỳ xây thành đầu tiên khá trũng, có nhiều ao hồ chứa nước và không phù hợp để cư trú.

B. Đình Thành Trung ở xóm 8 (ĐTTX8)

Ở khu phía tây ngoài thành nội có đình của thôn Thành Trung  (gọi là đình Thành Trung). Chúng tôi thiết kế 1 hố (1x2m) phía sau của nhà đình. Địa tầng văn hóa sâu khoảng 1,5m, chia làm 5 lớp, từ
lớp 1 đến lớp 5. Các lớp  địa tầng văn hóa đều chứa nhiều cát sông nhưng  không có những lớp cát xám trắng như địa điểm TTX1. Trong phần lớp dưới, tìm thấy các mảnh gốm sứ thuộc thế kỷ XI-XII. Cho nên, khu này có thể được cư trú sớm hơn TTX1 và KĐX3.

C. Đình Kim Đôi ở xóm 3 (KĐX3)

Đình Kim Đôi nằm ở khoảng giữa thôn Kim Đôi. Phía sau nhà  đình, chúng tôi mở hố (1mx1m). Địa tầng văn hóa sâu 1,8m, cấu tạo địa tầng như ĐTTX8 và diễn biến như sau: ở phần dưới của lớp 3 có các loại gốm sứ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVII lẫn nhau và ở phần trên bắt đầu xuất hiện gốm sứ thế kỷ XVIII-XIX. Cho nên, khu này có dấu tích cư trú từ thế kỷ XIV nhưng cư trú ổn định bắt đầu từ thế
kỷ XVII. Còn trong lớp 2 có nhiều mảnh ngói liệt do nhà đình bị phá trong thế kỷ XX.

D. Kiểm tra lại mặt cắt lũy phía nam của thành nội

Chúng tôi lợi dụng hố 5 cũ (2x10m) của Viện Khảo cổ học  khai quật năm 1997 ở gần góc đông-nam của thành nội. Hiện nay hố đó được sử dụng làm mương dẫn nước cho ruộng lúa. Sau khi nạo sạch mặt cắt, chúng tôi quan sát lớp địa tầng. Nhìn chung, địa tầng của lũy không cho thấy những lớp nhỏ do chỉnh tường như các lũy thành ở Bắc Bộ Việt Nam (như thành Cổ Loa, Lũng Khê). Lớp đất trong lũy được làm bằng đất cát không. Còn ở phần dưới của đất lũy người ta kê khối đá tự nhiên (30-50cm) trên nền bằng đất cát. Cho nên cấu trúc và cách xây lũy hoàn toàn khác so với các lũy thành
ngoài bắc. Đây là một trong những cơ sở để xác định lũy thành Hóa Châu do người Chăm xây dựng.

E. Phân bố niên đại gốm sứ và đặc trưng địa điểm

Trong 3 hố thám sát, có 110 mảnh gốm sứ Trung Quốc và Việt  Nam được xác định niên đại (Bảng kê 1). Trong đó, sớm nhất là gốm  Trung Quốc thuộc thế kỷ XI-XII (h.v. 3-5) và chỉ thấy ở ĐTTX8.  Còn gốm sứ có niên đại thế kỷ XIV xuất hiện ở cả 3 địa điểm và  các loại hình thế kỷ XV cũng có nhiều tiêu bản. Sau đó vào thế kỷ  XVII, số lượng hiện vật tăng lên. Ở TTX1, các loại hình bình sành  thuộc thế kỷ XVII trở về sau xuất hiện nhiều do nằm bên cạnh giếng  nước. Còn về các loại gốm thô, pha cát có một số loại hình nồi gốm gần giống với gốm tiền sử và sơ sử. Nhưng thực chất chúng thuộc nồi gốm của thời Trần và không có lý do gì để xếp vào giai đoạn sớm hơn.

F. Sưu tập hiện vật khai quật năm 1997

Sau khi kết thúc khai quật và chỉnh lý, chúng tôi nghiên cứu  lại hiện vật ở thành Hóa Châu được khai quật năm 1997. Tính chất hiện vật gần giống sưu tập năm 2009. Nhưng trong sưu tập gốm khai quật năm 1997, có một số mảnh gốm sứ lò Việt Châu, Trung Quốc thuộc thế kỷ IX và gốm thô không thuộc kiểu thời phong kiến Bắc Bộ. Những sưu tập này chắc là loại hình có niên đại sớm nhất.

4. Nhận xét

A. Thành Hóa Châu không chỉ có 2 vòng lũy thành, thành ngoài và thành nội mà còn có mấy lũy thành ngắn ở chỗ góc thành hoặc khu giáp phía đông-bắc? Chu vi vòng thành ngoài khoảng 4.800m. Như  vậy, vòng thành ngoài Hóa Châu có quy mô lớn nhất so với các thành cổ Chămpa như Trà Kiệu hoặc những thành cổ khác ở miền Trung.
B. Cấu trúc và cấu tạo của lũy thành của thành Hóa Châu có đặc trưng riêng của thành cổ Chămpa, không giống các thành cổ  ở ngoài bắc. Nếu so với các thành cổ Chămpa khác, thì thành Hóa Châu cũng mang những đặc trưng riêng như có 2-3 vòng lũy thành ở góc thành. Điều này cần phải nghiên cứu thêm để biết đặc trưng khu vực hoặc thời đại.
C. Cho đến nay (kể cả đợt khai  quật năm 1997), hiện vật thuộc thời Chămpa có số lượng không nhiều và chúng tập trung ở khu vực thành nội và xung quanh. Trong đó, gốm sớm nhất là gốm sứ thuộc lò Việt Châu ở Trung Quốc và mảnh nồi thuộc gốm thô, có thể có nguồn gốc bản địa và
cả hai loại hình này được khai quật trong khu thành nội, sau đấy là các loại gốm sứ thế kỷ XI-XII cũng có nguồn gốc Trung Quốc.
Những đồ gốm sứ đó có khả năng phản ánh về hoạt động của thời Chămpa. Cho nên chúng tôi nghĩ rằng, trong thời kỳ Chămpa sử dụng thành này, số lượng người ở chắc không nhiều và phạm vi sử
dụng cũng không lớn. Điều này có thể liên quan đến chức năng của thành. Vì nếu không có vai trò như Kinh đô, dân số trong khu Kinh thành không lớn, chúng ta bắt buộc phải suy nghĩ rằng, thành Hóa Châu thời Chămpa có chức năng quân sự hoặc cơ sở giao thông là chủ yếu? D. Kết quả thám sát ở 3 địa điểm cho thấy dấu tích thời Trần  dày đặc hơn nhiều. Các loại hình gốm sứ Việt Nam và ngói của thời Trần (h.v. 6, 7) cho thấy hoạt động sôi nổi của người Việt Nam. Kết quả khai quật năm 1997 cũng cho thấy điều này. Sưu tập gốm cho thấy hoạt động cư trú được đẩy mạnh sau thế kỷ XV (h.v. 8, 9), đặc biệt thế kỷ XVII trở về sau. Hiện nay, các làng Thành Trung và Kim Đôi đã hình thành khu vực cư trú trong phạm vi của thành ngoài. Giếng nước TTX1 nằm trong khu ao hồ cũ và do đó rất có  thể sau thế kỷ XVII người ta đắp đất hoặc lợi dụng trầm tích phù sa để tạo thành mặt bằng cư trú và lúc đó người ta mới xây dựng phần dưới cùng của giếng. Cho nên khuôn giếng thời kỳ ban đầu rất
thấp so với mặt bằng bây giờ. Sau đó vừa nâng mặt bằng đất ở cao lên, vừa xây thêm khuôn giếng và cuối cùng giếng được hình thành như bây giờ. Điều này cho thấy rằng, những giếng có cấu trúc hình
vuông trong khu vực miền Trung cần phải được xem lại về niên đại xây dựng. Vì các giếng cổ hình vuông, hầu như vẫn xác định được trên bề mặt bây giờ và rất khó suy nghĩ rằng, khuôn giếng được xây dựng trong thời kỳ Chămpa, hơn 1.000 năm trước và không có hiện tượng bồi đất hoặc phù sa trên đó. Khả năng những giếng đó muộn hơn nhiều như giếng TTX1.

Trích Văn hóa lịch sử Huế qua góc nhìn làng xã phụ cận và quan hệ với bên ngoài

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét