Quảng Thành và Bản đề án văn hóa cho Hóa Châu xưa

thành Hóa Châu
Thành Trung, Kim Đôi, An thành, Phú Lương … có bề dày truyền thống với những làng quê ở Quảng Điền hay Thừa Thiên Huế, hay với cả những tên làng, tên đất trên đất nước có hình chữ S này. Tôi thích những bài ký nổi tiếng của
Hoàng Phủ Ngọc Tường, "Ai đã đặt tên cho dòng sông" và "Huế - di tích và con người". Qua trang sách của Hoàng Phủ, hơn 20 năm về trước tôi có được những kiến thức đầu tiên và có được niềm tự hào rằng, Hóa Châu xưa không xa mà lại rất gần; rằng có một làng Thành Trung giỏi nghề trồng rau vì không có đất trồng lúa; rằng còn có nhiều huyền thoại gắn liền với vùng đất này …

Chuyện kể về cuộc hôn nhân của nàng công chúa Huyền Trân và hành trình mở nước về phương Nam hình như có điểm xuất phát bắt đầu từ đây. Sự khẳng định đó như càng được củng cố chắc chắn hơn, mạnh mẽ hơn khi giới nghiên cứu phát hiện ở làng Thành Trung dấu tích của thành Hóa Châu xưa, được xây dựng lần thứ nhất vào thế kỷ 14. Lừng lẫy suốt 2 thế kỷ, thành Hóa Châu đã trở thành một chứng nhân của lịch sử. Lần đầu tiên tôi bỗng thấy sống lưng lạnh toát khi hình dung, mảnh đất tôi đang đứng sáng nay, là thành Hóa Châu xưa, nơi Đặng Dung liều mình để giữ cổ thành trong cuộc kháng chiến chống Minh. Và rồi phận số như an bài, Đặng Dung tiên sinh đã phải ngàn năm ôm hận bởi: "Thù nước chưa xong đầu đã bạc. Gươn mài bóng nguyệt biết bao rày". Một hình ảnh buồn mà đẹp, nhiều luyến tiếc, bao vấn vương.

Người Thành Trung, người Quảng Thành nay là cháu con của người dân thành đô hơn 700 năm trước. Làm sao để giữ được cái cốt cách. Phong thái đó lại là chuyện không dễ nhưng ít ra cũng phải nhắc nhau để biết về mảnh đất đang sống, để mà tự hào, để mà gìn giữ những giá trị truyền thống không thật rõ ràng nhưng mà vô giá. Có vẻ như đã phảng phất, có vẻ như đã tiếp cận được, dù còn rất mơ hồ và chưa thực sự rõ ràng về những giá trị vô hình đó. Tôi đọc và cảm nhận từ bản đề án khát vọng xây dựng xã văn hóa Quảng Thành một tấm lòng thành.

Như một điều gì đó thôi thúc và dẫn bước, chúng tôi lại đến chùa Thành Trung, ngôi chùa làng có tên Kim Thành tự, được xếp hạng di tích văn hóa lịch sử từ năm 2007, tương truyền rằng có từ lâu lắm rồi từ thời mở đất và nó như một chứng nhân lịch sử của cái làng Thành Trung huyền thoại này. Chùa Thành Trung đang bảo lưu 2 tượng Phật cổ. Đào Lý kể rằng, lạ lắm khi bên ngoài là một lớp gỗ bao bọc, nhưng bên trong tượng Phật là lại là thỏi đá. Thời chiến tranh có kẻ đánh cắp đục tượng ra để hy vọng có của quý nhưng đục đụng phải đá nên thôi, vứt lại. May quá! Nhờ thế mà còn lại cho đến nay. Cũng trong ngôi chùa này, tôi bắt gặp bút tích của thiền sư Nhất Hạnh. Lời rằng: "Chẳng biết rong chơi miền tịnh độ, làm người một kiếp cũng như không". Ngôi chùa làng này nằm cách không xa ngôi nhà của ông là tuổi thơ, là trường đạo đầu tiên của thiền sư. Dịp gần đây về thăm quê, thiền sư đã ở lại trọn một đêm như thể để sống lại với quá khứ đẹp hàng chục năm trước. Còn nữa, thời gian lưu lại Huế, những học trò của thầy cũng đã về đây hằng đêm chỉ để làm một công việc thu lại những âm thanh có tiếng dế kêu, cùng vô vàn những âm thanh xao động của chốn làng quê trong buổi hoàng hôn vội vã, đã trở thành hoài niệm khôn nguôi trong ký ức của thiền sư danh tiếng. Tôi đi dạo quanh khuôn viên ngôi chùa, một không gian thật đẹp, thật yên bình.

Lòng đất Quảng Thành như một bảo tàng cổ vật, còn quá nhiều bí ẩn và lắm sự bất ngờ đến ngạc nhiên. Về đây, tôi nghe nhiều lắm những thông tin khi cày ruộng, cuốc đất trồng rau hay một bất chợt nào đó, người dân phát hiện những cổ vật của một quá khứ xưa huy hoàng. Vậy nhưng, những cổ vật ấy chợt đến rồi cũng chợt đi để rồi Quảng Thành cứ mất dần những báu vật quý trong kho báu kia. Đào Lý bộc bạch trong sự tiếc nuối, anh sưu tập được khá nhiều hiện vật nhưng quý nhất là một bình gốm và tượng Phật cổ. Riêng chiếc bình gốm có người ngả giá cả bạc triệu, anh vẫn nói không. Thế rồi một buổi đi làm, chẳng biết nói thế nào nữa khi cổ vật bị người nhà bán đi với trăm ngàn bạc. Tiếc quá, Đào Lý mong Quảng Thành có được một nhà trưng bày cổ vật địa phương để có thể bảo tồn, gìn giữ và trưng bày những gì phát hiện được, thu hút khách du lịch, giáo dục truyền thống và truyền lại niềm tự hào cho con cháu hôm nay

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét