Tìm hiểu về quê hương gốc tích làng Phú Lương


Làng Phú lương huyện Quảng điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, nơi khai canh từ thời Ngài Thuỷ Tổ PHAN Thuận Hóa. Qua 20 đời sinh sống tại Làng, hiện có 3 dòng họ cùng họ PHAN: Phan Đình, Phan Cảnh, Phan Văn và một số dòng họ khác có quan hệ sâu sắc đến dòng họ Phan: Lê, Trần, Nguyễn, Quách.
Từ thời Ngài Thuỷ Tổ, nơi đây gọi là làng Đan Lương, huyện Đan Điền , phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa.

Lịch sử có ghi lại như sau:

Tháng 3 năm Tân Sửu (1301) vua Trần Nhân Tông sang thăm nước chiêm Thành, kết giao quan hệ hòa hảo giữa hai nước. Năm 1306 Vua gả con gái là Huyền Trân Công Chúa cho vua Chiêm là Chế Mân. Chế Mân cảm tạ đem hai đất Châu Ô và Châu Lý làm quà dẫn cưới và phong Huyền Trân làm Hoàng Hậu. Khi Huyền Trân về Chiêm Thành thì nhân dân hai vùng Châu Hoan ( Thanh Hóa) và Châu Ái ( Nghệ An) rầm rộ kéo nhau vào định cư. Châu Ô đổi tên là Châu Thuận, Châu Lý đổi tên là Châu Hóa. Người ta gọi chung là THUẬN HÓA. Như vậy lần theo dòng lịch sử, Ngài thuỷ tổ họ Phan thời kỳ này là một Đại quan triều đình được giao nhiều trọng trách: Phụ quốc thượng tướng quân cẩm y vệ - Đô chỉ huy sứ ty – Đô chỉ huy sứ chưởng vệ sự, Đạt quân công, đã được triều đình cử vào đất Thuận hóa, thống lĩnh vùng này. Sau này, nhân dân gọi Ngài là Phan Thuận Hóa.


Huyền Trân về Chiêm Thành được 11 tháng, sinh hạ được 1 cậu con trai thì Chế Mân chết. Theo tục lệ Chiêm Thành, Hoàng Hậu phải bị lên giàn hoả thiêu chết cùng chồng. Tháng 10 năm 1307, thương con gái, Vua Trần sai tướng Trần Khắc Chung sang Chiêm Thành viếng lễ và dùng mẹo cứu thoát Huyền Trân về thành Thăng Long. Đến thời kỳ vua Trần Dụ Tông, thấy nhà Trần suy yếu, vua Chiêm là Chế Bồng Nga đã đem quân đánh phá thành Thăng Long đòi lại đất Thuận Hóa, đã làm cho nhà Trần nhiều phen khốn đốn. Thời kỳ vua Trần Duệ Tông (1372-1377) quan quân nhà Trần đã phản công đánh lại Chiêm thành, tiến quân vào cửa biển Di Luân (Quảng Bình) rồi đến của Thị Nại ( Quy Nhơn), tiến đánh kinh thành vua Chiêm. Chế Bồng Nga lập mưu đánh bại nhà Trần, vua Duệ Tông chết trong đám loạn quân, Hồ Quý Ly bỏ chạy. Về sau này, Hồ Quý Ly chiếm ngôi nhà Trần, tàn sát các tướng lĩnh trung thành với nhà Trần.


Như vậy, có nhiều khả năng giả thuyết Ngài thuỷ tổ họ Phan đã chết trận trong các cuộc chinh chiến đánh Chiêm Thành thời kỳ 1372-1377. Ngài mất tại vùng đất Đan Điền, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa. Nhân dân đã chôn cất Ngài tại xứ Cồn Sịa, nay di về rú Bạch Xa, thôn Phổ Lại, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền. Gia nhân Họ Phan theo Ngài lập làng, định cư ở vùng đất Thuận Hóa.


Hiện tại, Làng Phú Lương có khá nhiều di tích lịch sử quý giá: Bia khắc chữ Chăm Pa cổ, Miếu thờ Bà và hai cậu, Miếu thờ Trường An Bá, Khu mộ Cụ ông và cụ bà Phan Đình Bình , khu Ngoại từ đường do Vua Thành Thái xây dựng giải oan cho cụ Phan Đình Bình, một Danh sĩ, quan Đại thần yêu nước bị giặc Pháp và Triều đình giết hại., ....

(Ngoại từ đường , một di tích lịch sử vô cùng quý giá ở làng Phú Lương nay chỉ còn trơ mấy cột móng đá, bị hư hỏng nghiêm trọng)

Họ Phan cũng đã để lại nhiều di tích lịch sử tại làng Phú lương, chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu để các đời con cháu sau này được biết để có kế hoạch trùng tu , khôi phục lại.

Đến thế kỷ 18, làng Đan Lương đổi thành tên làng Phú Lương. Trước năm 1945 làng Phú Lương thuộc đất của tổng An Thành, thời kỳ chống pháp đổi tên là xã Quảng Đại, thời kỳ chống Mỹ, đổi tên là xã Quảng Lộc. Sau năm 1975, đổi tên là xã Quảng Thành.

Xã Quảng Thành bao gồm các làng: Phú Lương A, Phú Lương B, Kim Đôi, Thành Trung, Tây Thành, Tiền Thành, Phú Ngạn, Thanh Hà, Quán Hòa, An Thành, Thuỷ Điền.

Theo FB làng Phú Lương

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét